Israel tính đổ bộ 'nơi ẩn náu cuối cùng' ở Gaza, Hamas cảnh báo rắn
Phong trào Hamas cảnh báo việc Israel mở chiến dịch trên bộ nhắm vào thành phố Rafah ở phía Nam Dải Gaza sẽ khiến mọi cuộc đàm phán trao đổi con tin sụp đổ.
Hãng tin AlJazeera hôm nay (12/2) dẫn thông báo của phong trào vũ trang Hamas khẳng định việc Israel tiến hành một cuộc tấn công trên bộ nhắm vào thành phố Rafah ở phía Nam Dải Gaza sẽ "phá hủy mọi nỗ lực đàm phán trao đổi con tin".
Hiện vẫn còn hơn 130 con tin người Israel bị giữ ở Dải Gaza. Hamas muốn ngừng bắn 135 ngày để trao trả con tin, nhưng Israel chưa đồng ý. Ngày 11/2, Hamas thông báo có thêm 2 con tin thiệt mạng và 8 người khác bị thương trong một cuộc không kích của Israel.
Tình hình ở Dải Gaza đang ngày một căng thẳng hơn, sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu yêu cầu quân đội nước này sẵn sàng tiến hành chiến dịch truy quét Hamas ở thành phố Rafah giáp biên giới Ai Cập.
Rafah là "nơi ẩn náu cuối cùng" của người Palestine sinh sống tại Dải Gaza, theo AlJazeera. Nơi đây đã tiếp nhận khoảng một nửa trong tổng số 2,2 triệu dân Palestine, cung cấp cho họ chỗ ở và thức ăn, kể từ khi xung đột Hamas-Israel nổ ra hồi tháng 10/2023.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 11/2 cảnh báo Tel Aviv không nên tiến hành chiến dịch trên bộ ở Rafah nếu không có kế hoạch "đáng tin cậy" bảo vệ dân thường, nhưng chưa có phản hồi tích cực nào từ Israel. Tính đến nay, hơn 28.000 dân thường đã thiệt mạng vì hỏa lực Israel ở Dải Gaza, hầu hết là phụ nữ và trẻ nhỏ.
Từ bên kia biên giới phía Nam, Ai Cập cũng đang cấp tập chuẩn bị phương án ứng phó với tình huống Israel đổ bộ Rafah. Theo Reuters, Ai Cập đã điều 40 xe tăng, thiết giáp, củng cố tường biên giới với Dải Gaza do lo ngại làn sóng người Palestine vượt biên.
Kể từ khi giao tranh giữa Israel và phong trào Hamas nổ ra ngày 7/10/2023, mối quan hệ giữa Ai Cập và Israel có xu hướng trở nên căng thẳng. Ai Cập nhiều lần cảnh báo nguy cơ dòng người di cư từ Dải Gaza tràn sang lãnh thổ nước này, đồng thời phản đối đề xuất Israel kiểm soát hành lang biên giới Gaza- Ai Cập sau khi xung đột kết thúc.