Israel tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Palestine
Chỉ hai ngày trước khi diễn ra kế hoạch của Israel sáp nhập hơn 30% diện tích lãnh thổ Bờ Tây, ngày 29-6, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thông báo sẵn sàng đàm phán với Palestine trên cơ sở kế hoạch hòa bình Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong thông báo trên, Thủ tướng Netanyahu đã hối thúc chính quyền Palestine thực thi kế hoạch hòa bình Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Netanyahu nói: “Tôi khuyên người Palestine không nên để mất cơ hội. Họ cần chuẩn bị để đàm phán một thỏa thuận lịch sử có thể mang lại hòa bình cho cả Israel và Palestine”. Ông Netanyahu cho biết thêm, Israel đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán kiểu này.
Trước đó, Thủ tướng Netanyahu đã lên kế hoạch vào ngày 1-7 tới sẽ sáp nhập Thung lũng Jordan, khoảng 30% diện tích lãnh thổ Bờ Tây, đồng thời áp đặt chủ quyền đối với một số khu định cư Do Thái tại Bờ Tây. Tuy nhiên, ngày 27-6, hàng trăm giáo sĩ Do Thái đã biểu tình phản đối kế hoạch trên sau khi một phái đoàn của Mỹ, gồm Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Avi Berkowitz và thành viên của Ủy ban Bản đồ Mỹ-Israel Scott Leith, tới Tel Aviv để thảo luận vấn đề này với Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz. Các giáo sĩ đã gửi thư tới Thủ tướng Netanyahu, trong đó cảnh báo không nên kích động người Palestine, đồng thời nhấn mạnh "hòa bình và cứu rỗi cuộc sống con người mới là mục đích thực sự của Do Thái giáo". Các giáo sĩ cũng đề cập những nỗ lực nhằm thuyết phục những người định cư Do Thái rằng Nhà nước Palestine trong tương lai-như đã xác định trong bản kế hoạch hòa bình Trung Đông của Tổng thống Mỹ-không đe dọa an ninh của họ.
Kế hoạch sáp nhập hơn 30% diện tích lãnh thổ Bờ Tây của Israel đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Palestine và cộng đồng quốc tế. Ngày 29-6, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Michelle Bachelet tuyên bố kế hoạch của Israel sáp nhập một phần lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng ở Bờ Tây là "trái phép", đồng thời cảnh báo động thái này có thể gây ra hậu quả "thảm khốc". Bà Bachelet khẳng định bất cứ hành động nào của Israel dù là sáp nhập 5% hay 30% khu Bờ Tây đều trái phép, đồng thời, bà bày tỏ quan ngại động thái này sẽ gây ra làn sóng phản kháng kéo dài nhiều thập kỷ và sẽ hủy hoại nghiêm trọng Israel cũng như người Palestine.
Về phần mình, Palestine coi động thái này vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa sự ổn định của khu vực. Ngày 28-6, ông Nabil Abu Rudeineh-người phát ngôn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas-cho biết, Palestine chưa thay đổi lập trường về quan hệ với chính quyền hiện tại của Mỹ cũng như của Israel. Ông Abu Rudeineh một lần nữa khẳng định, lãnh đạo Palestine phản đối hoạt động sáp nhập của Israel, nhấn mạnh tất cả các kế hoạch sáp nhập một lần hay theo giai đoạn đều là "vấn đề nguyên tắc". "Bất kỳ đối thoại nào cũng phải dựa trên các nghị quyết của Liên hợp quốc, Sáng kiến hòa bình Arab và kế hoạch hòa bình do Tổng thống Mahmoud Abbas đệ trình tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và trên cơ sở nguyên tắc giải pháp hai nhà nước, theo đó chấm dứt sự chiếm đóng của Israel, thành lập một nhà nước Palestine độc lập với các đường biên giới năm 1967 và Đông Jerusalem là thủ đô”, hãng thông tấn chính thức của Palestine WAFA dẫn lời ông Abu Rudeineh cho hay.
Tuyên bố của ông Abu Rudeineh cũng nhằm phản bác lại thông tin mà Đài công chúng Israel đưa ra tối 27-6. Theo nguồn tin này, Tổng thống Abbas đã từ chối cuộc gọi của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo được cho là nhằm đề cập kế hoạch của Israel sáp nhập Bờ Tây, đồng thời cho biết giới chức Mỹ đã bí mật gặp giới chức Palestine trong nỗ lực tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo Palestine và Nhà Trắng. Tuy nhiên, không có thông tin các nỗ lực này đạt được kết quả.
Trong một diễn biến khác, ngày 28-6, Jordan đã lên án quyết định của Israel về việc lắp đặt thang máy nối các khu vực của thành phố cổ ở Đông Jerusalem với “Bức tường phía Tây” mà Israel gọi là “Bức tường than khóc”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Jordan, ông Daifallah Fayez cho biết, nước này phản đối tất cả các biện pháp đơn phương của Israel và nêu rõ dự án này sẽ làm thay đổi hiện trạng của thành cổ Jerusalem và bản sắc Arab của khu vực này. Theo người phát ngôn này, động thái trên cũng vi phạm luật pháp quốc tế và quyết định của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Jordan kêu gọi Israel tạm dừng việc thay đổi bản sắc của thành phố cổ và tuân thủ các cam kết theo luật pháp quốc tế.