Israel tuyên bố sẽ hành động nhằm vào Hamas tại Rafah, mặc cho kêu gọi từ quốc tế
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong ngày thứ Tư đã tuyên bố Israel sẽ triển khai chiến dịch chống Hamas tại Rafah, nơi trú ẩn cuối cùng của người Palestine phải di tản bắt buộc tại miền Nam Gaza, sau khi cho phép người dân tại đây di chuyển khỏi khu vực.
Trong khi phải chịu áp lực ngày càng lớn từ quốc tế yêu cầu trì hoãn cuộc tấn công này, Thủ tướng của Israel không hề đưa ra thông tin về thời điểm chiến dịch này có thể được triển khai và hàng trăm người đang bị dồn ép vào Rafah có thể di chuyển tới đâu.
Những bình luận của ông được đưa ra chỉ một ngày sau khi những thảo luận tại Cairo về khả năng đề ra thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin do Hamas đang bắt giữ đã đi đến hồi kết mà không có kết luận rõ ràng, châm ngòi cho các lo ngại trong nhóm người Palestine đang di tản bắt buộc về khả năng Israel sẽ tấn công Rafah.
Trên kênh Telegram, ông Netanyahu đã viết: “Chúng tôi sẽ chiến đấu cho tới khi giành được thắng lợi hoàn toàn và quá trình đạt được mục tiêu này sẽ bao gồm hành động tại Rafah, sau khi chúng tôi cho phép dân thường rời khỏi chiến trường”.
Trước đó, văn phòng của ông Netanyahu đã cho biết Hamas đã không đưa ra đề nghị mới nào trong thỏa thuận trao đổi con tin tại các thảo luận tại Cairo và Israel sẽ không chấp nhận “những yêu cầu lố bịch” của tổ chức dân quân này.
Văn phòng này khẳng định: “Việc thay đổi quan điểm từ phía Hamas sẽ giúp cho các thương lượng có tiến triển hơn”.
Người nhà của các con tin người Israel bị Hamas bắt giữ cho biết họ sẽ chặn bên ngoài trụ sở Bộ Quốc phòng của Israel trong ngày thứ Tư nhằm phản đối quyết định không gửi đàm phán viên tới phiên thảo luận tiếp theo tại Cairo mà họ nhận định là “quyết định đáng lên án”.
Tổ chức này cho rằng quyết định trên “không khác gì bản án tử” cho 134 con tin bị giữ trong các đường hầm của Hamas, một dấu hiệu thể hiện rõ những phản đối trong nước tại Israel khi cuộc chiến tại Gaza kéo dài qua mốc 4 tháng.
Quân đội Israel cho biết họ muốn kéo các nhóm dân quân Hồi giáo khỏi nơi trú ẩn tại Rafah và giải phóng con tin bị bắt giữ tại đây, nhưng chưa cung cấp chi tiết về một kế hoạch sơ tán dân thường.
Jaber, một doanh nhân tại Gaza đang trú ẩn tại Rafah cùng gia đình, cho biết: “Chúng tôi đang đếm lùi từng ngày cho tới khi Israel đưa xe tăng tới đây. Chúng tôi mong là họ sẽ không làm vậy nhưng làm gì có ai ngăn được họ?”.
Cho tới tối ngày thứ Tư, hơn 2000 người Palestine trú ẩn tại Bệnh viện Nasser tại Khan Younis miền Nam Gaza đã có mặt tại Rafah sau khi nhận được lệnh sơ tán từ quân đội Israel.
“Thảm họa ngoài sức tưởng tượng”
Richard Peeperkorn, đại diện của WHO tại Gaza và Bờ Tây, cho biết quyết định tấn công Rafah sẽ dẫn tới “thảm họa ngoài sức tưởng tượng… và sẽ càng làm nghiêm trọng hơn cơn thảm họa nhân đạo”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nêu lên những lo ngại này trong một cuộc điện thoại vào ngày thứ Tư với ông Netanyahu, và khẳng định việc tiếp tục ép buộc người dân tại đây phải di tản có thể dẫn tới leo thang trong khu vực.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã khẳng định người dân tại Rafah không có nơi trú ẩn “có thể sẽ bốc hơi”.
Israel khẳng định đã thực hiện các bước giảm thiểu thương vong dân thường và cáo buộc các binh lính Hamas đã ẩn náu trong nhóm dân thường, bao gồm tại các bệnh viện và nơi trú ẩn – một cáo buộc mà Hamas đã bác bỏ.
Trong ngày thứ Tư, Israel cho biết đã lần đầu tiên thông qua dịch vụ Starlink – mạng lưới vệ tinh của ông Elon Musk – giúp cải thiện khả năng giao tiếp tại một bệnh viện dã chiến tại Gaza và Israel.
Người dân địa phương cho biết lực lượng Israel đã nã pháo vào khu vực phía Đông Rafah trong đêm, và đã tấn công nhiều khu vực tại Khan Younis miền Nam Gaza.
Bộ Y tế Gaza cho biết lực lượng Israel tiếp tục cô lập hai bệnh viện chính tại Khan Younis, và các lính bắn tỉa tại bệnh viện Nasser đã làm nhiều người thiệt mạng hoặc bị thương trong những ngày vừa qua.
Các quan chức y tế cho biết một vụ không kích của Israel nhằm vào một nhà dân tại trại tị nạn Al-Nusseirat miền Trung Gaza đã khiến sáu người thiệt mạng.
Bộ y tế Gaza cho biết ít nhất 28,756 người Palestine đã thiệt mạng, bao gồm 103 người trong 24 giờ qua, và 68,291 người đã bị thương trong các cuộc không kích của Israel tại Gaza từ ngày 7 tháng 10 tới nay.
Vẫn còn nhiều người được cho là đang bị kẹt bên dưới những đống đổ nát trên toàn Gaza. Nguồn lương thực, nước và các mặt hàng thiết yếu khác đang thiếu thốn trầm trọng và bệnh dịch đang bắt đầu hoành hành.
Ít nhất 1,200 người Israel đã thiệt mạng và 250 người bị bắt làm con tin trong cuộc tấn công vào ngày 7 tháng 10 tại Israel, theo thông tin từ chính phủ nước này.
Israel đã cam kết sẽ chiến đấu tới khi tiêu diệt Hamas và đã đặt việc giải phóng con tin làm ưu tiên hàng đầu. Hamas khẳng định Israel cần kết thúc cuộc chiến và rút quân khỏi Gaza.
Căng thẳng trên biên giới
Các nỗ lực ngoại giao đang tập trung vào không chỉ tạm ngừng cuộc chiến và giải phóng con tin mà ngoài ra còn tập trung vào đảm bảo ngăn chặn cuộc xung đột khỏi lan rộng ra toàn khu vực.
Tổ chức vũ trang Hezbollah tại Lebanon, một tổ chức ủng hộ người Palestine, đã thường xuyên tấn công xuyên biên giới vào miền Bắc Israel kể từ khi cuộc chiến nổ ra tại Gaza.
Trong vụ va chạm gần đây nhất vào ngày thứ Tư, Israel cho biết đã tấn công đáp trả nhằm vào các mục tiêu Hezbollah tại Lebanon sau khi cho biết các cuộc tấn công tên lửa của tổ chức này đã khiến một nữ binh lính của Israel thiệt mạng, làm hư hại một căn cứ quân sự và làm nhiều người khác bị thương.
Hai nguồn tin an ninh Lebanon cho biết một phụ nữ và hai trẻ em đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel nhằm vào làng al-Sawana. Hezbollah cho biết một cuộc không kích nhằm vào một làng khác đã khiến một binh lính của tổ chức này thiệt mạng.
Những nỗ lực ngoại giao tiếp tục được thực hiện trong ngày thứ Tư, trong đó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có chuyến viếng thăm Ai Cập đầu tiên trong hơn một thập kỷ qua. Ông khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng hợp tác với Ai Cập để tái xây dựng lại Gaza sau khi cuộc chiến kết thúc.
Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)