Israel và các cường quốc quân sự rút ra được bài học gì từ xung đột Nga-Ukraine?
Tính linh hoạt trong tác chiến, bảo đảm hậu cần và sáng tạo trong sử dụng vũ khí là chìa khóa để hướng tới chiến thắng trong chiến tranh. Đây là luận điểm được nêu ra trong bài phân tích đăng trên tờ Jerusalem Post ngày 16/5.
Khi Nga mở chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine ngày 24/2, cán cân bất lợi nghiêng hẳn về Ukraine, bên có lực lượng, vũ khí, học thuyết chiến đấu yếu kém hơn hẳn Nga. Nhưng sau 80 ngày giao tranh, thế giới lại thấy một quân đội Ukraine ở diện mạo khác. Ukraine đã trụ vững trước Nga, thậm chí mở một số đợt phản công trên nhiều mặt trận. Có thể rút ra nhiều bài học từ thực tế này.
Theo Omer Dostri, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Chiến lược và An ninh Jerusalem, thành công của quân đội Ukraine chủ yếu đến từ việc sử dụng pháo binh có độ phủ rộng, tên lửa chống tăng và thiết bị bay không người lái (UAV). Đáng chú ý, phía Ukraine đã rất sáng tạo trong sử dụng UAV để tấn công mục tiêu quân sự là các đoàn xe thiết giáp và khu vực tập trung binh lực của quân đội Nga.
Giáo sư Danny Orbach, nhà nghiên cứu về lịch sử quân sự tại Đại học Do Thái Jerusalem, nhận định chiến lược quân sự là một nhân tố chủ chốt đóng góp vào thành công của Ukraine. Theo ông, chiến lược của quân đội Ukraine là sự kết hợp giữa hai thành tố tập trung hóa và phi tập trung hóa.
Cụ thể, cả Nga và Ukraine đều thừa hưởng truyền thống về học thuyết tập trung hóa mà ở đó mọi quyết định tác chiến đều xuất phát từ cấp chỉ huy cao nhất. Quân đội Nga vẫn tiếp tục theo đuổi học thuyết này, dẫn đến thực tế cấp chỉ huy trung cấp trên chiến trường giảm hẳn vai trò, thiếu phương án bổ sung kế hoạch tác chiến.
Ngược lại, quân đội Ukraine đã chuyển mình từ học thuyết tập trung hóa thời Liên Xô, sang phát triển chiến lược phi tập trung hóa. Phi tập trung hóa không có nghĩa là không có mệnh lệnh từ trên - ông Orbach lý giải. Quân đội Ukraine vẫn có chiến lược thống nhất, tập trung hóa, nhưng chủ yếu là trên mặt trận lôi kéo, làm tiêu hao lực lượng của Nga và mở các đợt phản công.
Theo giáo sư Orbach, Ukraine đã phát huy hiệu quả vai trò của cái gọi là “chỉ huy sứ mệnh”. Nói cách khác, đây là chiến thuật tác chiến theo từng nhiệm vụ, tạo cho chỉ huy trung cấp trên chiến trường có được sự linh hoạt trong thay đổi kế hoạch chiến đấu, bởi họ chính là người am hiểu nhất điều kiện thực tế trên thực địa.
Đây chính là vấn đề linh hoạt trong chiến đấu, điều mà phía Nga bộc lộ điểm yếu. “Khi mà bạn có thể thay đổi kế hoạch còn đối phương thì không, hoặc gặp rất nhiều khó khăn khi thay đổi, thì đó là lúc bạn dễ dàng hơn trong tấn công, bao vây bên sườn và thay đổi kế hoạch vào phút chót để phân tán, tiêu hao lực lượng đối phương”, ông Orbach nêu quan điểm.
Học giả Dostri tin rằng Israel có thể rút ra được bài học quý giá từ việc quân đội Ukraine sử dụng hình thức chiến tranh phi đối xứng, nổi bật là việc phóng tên lửa tiêu diệt xe tăng và sử dụng UAV để hủy diệt đoàn xe hậu cần và khu vực tập trung binh lực đối phương trên chiến trường. Israel cũng có thể rút ra kinh nghiệm để áp dụng cho cuộc chiến chống quân Hezbollah ở Liban hay lực lượng ở Syria.
Trong viễn cảnh đó, Lực lượng vũ trang Israel (IDF) có thể phải đối mặt với hình thái chiến tranh phi đối xứng, liên quan đến việc sử dụng các chiến thuật quân sự giống với cách Ukraine từng triển khai, một quân đội Ukraine được cho yếu hơn so với quân đội Nga – ông Dostri nhìn nhận.
Còn theo giáo sư Orbach, IDF có thể học được một số kinh nghiệm từ cuộc chiến Nga-Ukraine. Israel cũng là nước vận dụng thuần thục mô hình “chỉ huy sứ mệnh”, cũng có được học thuyết tác chiến linh hoạt tuy không đạt đến mức tự do như Ukraine. Điểm Israel cần cải thiện là khả năng hậu cần. “Tôi nghĩ rằng IDF cũng có những vấn đề nổi cộm về hậu cần và sẽ phải cải thiện nhiều trong lĩnh vực này – ông Orbach nêu quan điểm.
Chuyên gia này cũng cho rằng đổ bộ lính dù vào lãnh thổ nước đối địch có thể sẽ không phải là ý tưởng thích hợp nếu như đối phương biết cách đối phó với chiến thuật này. Phía Nga đã một số lần tìm cách đổ bộ lính dù bằng đường không vào Ukraine, nhưng gần như không thành công.
Cuối cùng, giáo sư Orbach nhìn nhận Israel cần đầu tư nhiều hơn cho bộ binh và cơ giới. Xung đột Nga-Ukraine cho thấy rõ yêu cầu triển khai quân kết hợp với vũ trang cơ giới, điều phối thuần thục giữa bộ binh với không quân. Thực tế, Israel thiên quá nhiều về chiến tranh công nghệ cao, với sự tham gia của không quân và các đơn vị đặc nhiệm. Cuộc chiến ở Ukraine cho thấy chiến tranh quy ước không phải là hình thái thuộc về quá khứ, dù nhiều nhà phân tích trước đó đã nói rằng chiến tranh hiện đại là chiến tranh công nghệ cao.
Uzi Rubin, cự giám đốc Cơ quan phòng thủ tên lửa thuộc Bộ Quốc phòng Israel lại có cách nhìn nhận khác. Ông cho rằng còn quá sớm để nói về những bài học cần rút ra từ xung đột Ukraine. Rất khó để ứng dụng kinh nghiệm từ cuộc chiến này vào môi trường an ninh của Israel, bởi đó là hai chiến trường khác biệt, với hình thái chiến tranh khác nhau.
Bài học rút ra nếu có, theo ông Rubin, là từ cả hai phía. Quân đội Ukraine rõ ràng đã không có được sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sẵn sàng đối phó với đòn tấn công từ Nga. Khâu chuẩn bị này là chậm trễ, bất chấp việc chính quyền Kyiv liên tục được phương Tây và cộng đồng tình báo cảnh báo khả năng Nga mở chiến dịch quân sự. “Nhiều tư lệnh Ukraine cho biết họ nhận được lệnh sẵn sàng chiến đấu chỉ vài giờ trước khi Nga mở chiến dịch quân sự và hoàn toàn bị bất ngờ. Đó không phải là một bài học tốt”, ông Rubin nói.