Israel và Syria lần đầu hội đàm cấp bộ trưởng sau hơn hai thập kỷ
Các quan chức Israel và Syria đã có cuộc gặp trực tiếp tại Paris vào ngày 24/7, với sự tham gia của Đặc phái viên Mỹ về Syria Tom Barrack. Đây là lần đầu tiên một cuộc tiếp xúc cấp cao giữa các quan chức Israel và thành viên chính phủ mới của Syria được xác nhận công khai kể từ năm 2000.

Đặc phái viên của Mỹ về Syria Thomas Barrack. Ảnh: REUTERS/TTXVN
“Tối nay, tôi đã gặp các quan chức Syria và Israel tại Paris. Mục tiêu của chúng tôi là đối thoại và giảm leo thang căng thẳng, và chúng tôi đã đạt được điều đó. Tất cả các bên đều tái khẳng định cam kết tiếp tục những nỗ lực này,” ông Barrack viết trên mạng xã hội X vào cuối ngày 24/7. Hiện cả phía Israel và Syria vẫn chưa đưa ra xác nhận chính thức về cuộc gặp.
Theo tờ The Times of Israel, dù hai bên đã có các cuộc đàm phán gián tiếp trong những tháng gần đây nhằm hạ nhiệt căng thẳng, cũng như có tin đồn về các cuộc gặp trực tiếp kín giữa quan chức hai nước, nhưng cho đến nay, chưa lần nào các bên xác nhận công khai.
Ông Barrack không tiết lộ danh tính các quan chức tham dự, nhưng theo trang tin Axios, phía Israel do Bộ trưởng Chiến lược Ron Dermer đại diện, trong khi phía Syria có Ngoại trưởng Asaad al-Shaibani.
Cuộc gặp công khai gần đây nhất giữa các quan chức cấp cao hai nước diễn ra vào năm 2000, khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton mời Thủ tướng Israel lúc bấy giờ là Ehud Barak và Ngoại trưởng Syria Farouq al-Sharaa tới Tây Virginia để tham dự các cuộc đàm phán hòa bình.
Trước đó, ngày 22/7, truyền thông Saudi Arabia đưa tin Israel và Syria đã nối lại đối thoại về các vấn đề an ninh, sau loạt đụng độ giáo phái đẫm máu dẫn đến cuộc không kích của Israel nhằm vào Damascus và tỉnh Sweida ở miền nam Syria.
Theo kênh truyền hình Al-Hadath, các cuộc đàm phán hiện do Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian. Một phái đoàn Israel dự kiến đến Baku (Azerbaijan) trong thời gian tới để hoàn tất thỏa thuận với Syria.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết phía Israel chưa cam kết ngừng các cuộc tấn công quân sự tại Syria, đồng thời yêu cầu thiết lập một vùng phi quân sự dọc biên giới, cùng với sự hiện diện thường trực trong vùng đệm mà lực lượng Israel đang kiểm soát sau sự sụp đổ của chế độ Tổng thống Bashar al-Assad vào tháng 12 năm ngoái.
Ông Ron Dermer, cố vấn thân cận của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, cũng dự kiến sẽ gặp Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông, Steve Witkoff, vào tối 24/7 tại Rome. Tuy nhiên, cuộc gặp này khó có thể diễn ra sau khi cả Israel và Mỹ đã triệu hồi các nhà đàm phán từ vòng đàm phán ngừng bắn tại Doha liên quan đến xung đột ở Gaza.
Cùng ngày, Thủ tướng Netanyahu đã có cuộc gặp với Sheikh Muwaffaq Tarif, lãnh đạo tinh thần của cộng đồng Druze tại Israel.
Trước khi diễn ra các cuộc không kích, Israel và Syria được cho là đã có “đàm phán nâng cao” về một thỏa thuận chấm dứt thù địch. Chính quyền Tổng thống Trump cũng từng thúc đẩy hai bên tiến tới bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao.
Đầu tháng này, Israel can thiệp vào xung đột giáo phái ở Syria, viện dẫn trách nhiệm bảo vệ cộng đồng người Druze - một nhóm thiểu số tại Israel, thường phục vụ trong quân đội. Israel cáo buộc lực lượng của Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa tham gia các cuộc tấn công đẫm máu do các bộ lạc Bedouin tiến hành nhằm vào người Druze tại tỉnh Sweida. Một lệnh ngừng bắn do Mỹ làm trung gian đã được công bố vào ngày 19/7, chấm dứt một tuần giao tranh dữ dội.
Ngày 21/7, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết Tổng thống Donald Trump “bất ngờ” trước loạt không kích do Israel tiến hành tại Syria.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi một số quan chức Mỹ, được Axios dẫn lời ẩn danh, bày tỏ sự thất vọng với Thủ tướng Netanyahu, cho rằng các hành động quân sự của Israel có thể đe dọa chế độ non trẻ mà Washington đang nỗ lực hỗ trợ nhằm ổn định tình hình Syria.
Cũng trong ngày 21/7, Đặc phái viên Barrack đã chỉ trích sự can thiệp quân sự của Israel tại Syria, gọi đây là "nỗ lực sai thời điểm và phức tạp", làm gia tăng khó khăn trong việc ổn định khu vực.
Trong khi đó, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết chính phủ lâm thời Syria đã yêu cầu Ankara hỗ trợ tăng cường năng lực phòng thủ sau đợt leo thang căng thẳng gần đây.
Hồi tháng 4, Israel đã tiến hành hơn một chục cuộc không kích nhằm vào năm thành phố ở Syria, trong đó có khu vực gần căn cứ không quân chiến lược tại Hama - nơi Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang cố gắng duy trì hiện diện quân sự. Phía Israel cáo buộc Ankara đang tìm cách thiết lập một “khu vực bảo hộ” tại Syria.