Ít nhất 12 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ở Myanmar hôm thứ Bảy

Hôm thứ Bảy (13/3), ít nhất 12 người biểu tình Myanmar đã chết trong các cuộc biểu tình trên khắp cả nước khi lực lượng an ninh tiếp tục hành động cứng rắn chống lại những hành động phản đối chính quyền quân sự.

Truyền thông địa phương cho biết, 5 người đã bị bắn chết và một số người bị thương khi cảnh sát nổ súng vào một cuộc biểu tình hòa bình tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar.

Một người khác bị giết ở thị trấn trung tâm Pyay và hai người chết trong vụ cảnh sát nổ súng ở cố đô Yangon, nơi ba người khác cũng bị giết trong đêm, truyền thông trong nước đưa tin. Trong số những người thiệt mạng, có một đứa trẻ 13 tuổi.

Tại thị trấn Pyay, một nhân chứng cho biết lực lượng an ninh ban đầu đã chặn xe cứu thương tiếp cận những người bị thương dẫn đến một người tử vong. Một người lái xe tải ở Chauk, một thị trấn ở miền trung Magwe, cũng chết sau khi bị cảnh sát bắn vào ngực.

Một phát ngôn viên của quân đội đã không bình luận gì về những thông tin này. Chương trình phát sóng tin tức buổi tối của đài truyền hình Myanmar MRTV, phương tiện truyền thông do quân đội kiểm soát đã gọi những người biểu tình là "tội phạm" nhưng không nêu chi tiết.

Hơn 70 người đã thiệt mạng ở Myanmar trong các cuộc biểu tình lan rộng phản đối cuộc đảo chính quân sự từ đầu tháng Hai, Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị cho biết.

Các cuộc biểu tình hôm thứ Bảy nổ ra sau khi các áp phích lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội kêu gọi những người biểu tình kỷ niệm ngày giỗ của Phone Maw, người bị lực lượng an ninh bắn chết vào năm 1988 bên trong khuôn viên Học viện Công nghệ Rangoon.

Vụ nổ súng khiến Phone Maw và một sinh viên khác chết vài tuần sau đó đã gây ra các cuộc biểu tình rộng rãi chống lại chính quyền quân sự được gọi là chiến dịch 8-8-88. Ước tính khoảng 3.000 người đã thiệt mạng khi quân đội đàn áp các cuộc nổi dậy.

Bà Aung San Suu Kyi nổi lên như một biểu tượng dân chủ trong suốt phong trào phản kháng và bị quản thúc tại gia trong gần hai thập kỷ. Bà được trả tự do vào năm 2010 khi quân đội bắt đầu tiến hành cải cách dân chủ. Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi đã thắng trong các cuộc bầu cử vào năm 2015 và một lần nữa vào tháng 11 năm ngoái.

Vào ngày 1 tháng 2 năm nay, các tướng lĩnh đã lật đổ chính phủ do đảng NLD lãnh đạo, bắt giam Cố vấn Nhà nước Suu Kyi và nhiều lãnh đạo cao cấp trong chính phủ với tuyên bố gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11.

Ông Mahn Win Khaing Than khi mới nắm ghế chủ tịch thượng viện ở Myanmar hồi năm 2016 - Ảnh: Reuters

Lãnh đạo chính phủ dân sự Myanmar kêu gọi làm cách mạng lật đổ chính quyền quân sự

Ngày hôm qua (13/3), Quyền Phó tổng thống Mahn Win Khaing Than của chính quyền dân sự Myanmar được bầu bởi các nghị sĩ bị bãi nhiệm sau cuộc chính biến lần đầu tiên lên tiếng, cam kết đeo đuổi cuộc “cách mạng” nhằm lật đổ chính quyền quân sự.

Ông Mahn Win Khaing Than, người đang lẩn trốn cùng với hầu hết các quan chức cấp cao của Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ cầm quyền, phát biểu trước công chúng qua Facebook rằng: “Đây là thời khắc đen tối nhất của quốc gia và thời khắc bình minh đã cận kề”.

Ông Khaing Than được bổ nhiệm làm quyền Phó Tổng thống bởi đại diện của các nhà lập pháp bị lật đổ của Myanmar, Ủy ban đại diện cho Pyidaungsu Hluttaw (CRPH), cơ quan đang thúc đẩy công nhận là chính phủ hợp pháp được thành lập một ngày sau khi bà Suu Kyi bị bắt giữ.

CRPH đã công bố ý định tạo ra một nền dân chủ liên bang và các nhà lãnh đạo đã gặp gỡ đại diện của các tổ chức vũ trang sắc tộc lớn nhất của Myanmar, tổ chức đã kiểm soát những vùng lãnh thổ rộng lớn trên khắp đất nước.

“Để hình thành một nền dân chủ liên bang, mà tất cả anh em dân tộc, những người đã phải chịu nhiều loại áp bức từ chế độ độc tài trong nhiều thập kỷ, thực sự mong muốn, cuộc cách mạng này là cơ hội để chúng ta cùng nhau nỗ lực”, ông Mahn Win Khaing Than nói .

Ông cho biết CRPH sẽ “cố gắng xây dựng luật bắt buộc để người dân có quyền tự bảo vệ mình” và hành chính công sẽ do “nhóm quản lý nhân dân lâm thời” xử lý.

Lúc này, các cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra trên khắp đất nước Myanmar. Một phong trào bất tuân dân sự bắt đầu với các nhân viên chính phủ như bác sĩ và giáo viên đã mở rộng thành một cuộc tổng đình công làm tê liệt nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.

Kể từ khi cuộc đảo chính quân sự diễn ra, cộng đồng quốc tế đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi quân đội Myanmar kiềm chế dùng vũ lực đối với những người biểu tình hòa bình, thả những người bị bắt và trả lại quyền lực cho chính quyền dân sự được bầu.

Quân đội Myanmar đã cho biết sẽ tiến hành bầu cử lại và trao quyền lực cho chính quyền dân sự mới, nhưng không ấn định thời gian diễn ra cuộc tổng tuyển cử, dấy lên lo ngại về hành trình lâu dài trở lại chế độ dân sự ở Myanmar.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/it-nhat-12-nguoi-thiet-mang-trong-cac-cuoc-bieu-tinh-o-myanmar-hom-thu-bay-post123193.html