Italia xin EU hoãn trừng phạt với nhà máy lọc dầu Lukoil
Italia muốn cứu một nhà máy lọc dầu của Tập đoàn Lukoil ở Sicily bằng cách yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) tạm thời cho phép miễn lệnh trừng phạt cho nhà máy này. Thật vậy, Brussels đang xem xét các biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ của Nga.
Yêu cầu miễn trừ
ISAB, một nhà máy lọc dầu ở Sicily thuộc hãng Lukoil (Nga) có vai trò quan trọng đối với Italia khi tinh chế 1/5 lượng dầu thô của nước này và có 1000 công nhân. Ngoài ra, chính quyền Italia đang phải đối mặt với làn sóng biểu tình của nhân viên nhà máy lọc dầu vào tuần trước.
Để tránh rủi ro về việc làm và mất khả năng lọc dầu, Italia đang xem xét miễn trừ lệnh trừng phạt đối với nhà máy lọc dầu Lukoil. Theo Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Italia Adolfo Urso, cách này sẽ chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, điều này sẽ giúp kéo dài thời gian để chính quyền Italia tìm cách xử lý và duy trì hoạt động của nhà máy lọc dầu.
Ngoài yêu cầu miễn trừ, chính quyền Italia còn nêu khả năng tiếp quản nhà máy lọc dầu. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán mua bán lại bị trì hoãn. Ngoài ra, ông Adolfo Urso cho biết khả năng hỗ trợ của chính quyền đối với nhà máy Lukoil.
Khả năng tiếp quản nhà máy
Ông Adolfo Urso nhắc đến việc Đức đã tiếp quản một nhà máy lọc dầu của công ty Nga Rosneft vào tháng 9. Tuy nhiên, Italia hiện đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn tài trợ cho việc tiếp quản ISAB.
Thực tế là các ngân hàng chỉ miễn cưỡng giao dịch với Nga, dù cho Lukoil không bị EU trừng phạt. Để các ngân hàng đồng ý tài trợ dự án tiếp quản Lukoil, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Italia đảm bảo rằng SACE, cơ quan nhà nước, sẽ là bên bảo lãnh và sẵn sàng bảo lãnh tới 90% số tiền tài trợ.
Cuối cùng, ông Adolfo Urso cho biết bất kỳ bên mua nào cũng sẽ phải tuân thủ các điều kiện thỏa thuận để bảo vệ quyền lợi của Italia. Nếu không, chính quyền Italia sẽ dừng việc tiếp quản bằng cơ chế “quyền lực vàng” nhằm ngăn chặn nước ngoài mua lại nhà máy lọc dầu mà Italia xem là chiến lược.
Ngày 2/12, Chính phủ Italia đã công bố một giải pháp tạm thời để duy trì hoạt động của nhà máy ISAB bằng cách đặt nhà máy dưới sự quản lý của nhà nước. Giải pháp tạm thời này là một quyết định quan trọng, cuối cùng sẽ cho phép bán nhà máy. Tuy nhiên, nếu không có người mua tiềm năng, Italia không thể loại trừ khả năng quốc hữu hóa nhà máy lọc dầu, như đã xảy ra với các tài sản tương tự của các công ty dầu mỏ Nga ở Đức.