Italy chồng chất khó khăn trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19
Với số ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 hiện đã lên đến hơn 4.800 người, Italy đang trở thành quốc gia chịu tổn thất lớn nhất do đại dịch Covid-19 gây ra trên toàn thế giới.
Khó khăn này đang khiến chính phủ, quân đội, hệ thống y tế cũng như người dân Italy đang phải gồng mình đối phó nhằm ngăn chặn và giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh.
Số ca tử vong cao nhất thế giới
Cách đây 4 tuần, Italy vẫn khá bình thản trước dịch Covid-19 khi mới chỉ có 3 ca nhiễm, nhiều người dân Italy khi đó đã nghĩ chuyện phong tỏa đất nước là điều không bao giờ xảy ra. Nhưng chỉ sau 4 tuần, số ca nhiễm bệnh và tử vong ở nước này đã tăng đến chóng mặt. Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm và rối loạn miễn dịch thế giới (Waidid) tuần trước cho biết tỷ lệ tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Italy hiện ở mức cao nhất thế giới và gấp 12 lần các quốc gia khác.
Theo số liệu mới nhất của Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy tính đến sáng 22.3, tổng số ca nhiễm bệnh của nước này là gần 54 nghìn người và số ca tử vong là 4.825 người, chiếm 38,3% tổng số ca tử vong do Covid-19 trên toàn thế giới. Với số ca tử vong trên, Italy đã bỏ xa Trung Quốc (với 3.255 ca), nơi dịch bệnh bùng phát hồi cuối năm 2019.
Đáng chú ý là chỉ trong vòng một ngày qua, Italy đã ghi nhận thêm gần 800 ca tử vong và hơn 6.500 ca nhiễm mới. Đây là số ca tử vong kỷ lục trong vòng một ngày của "đất nước hình chiếc ủng". Trước đó một ngày, ngày 20.3 cũng ghi nhận số ca tử vong mới là hơn 620 ca. Vùng Lombardy hiện vẫn là nơi bị dịch tấn công mạnh nhất, chiếm gần 66% số ca tử vong trên cả nước.
Trong số những người tử vong và nhiễm bệnh vì Covid-19 ở Italy thì đa số đều là người già có tiền sử các bệnh nền trước đó. Nhưng bên cạnh đó có một vấn đề đáng lo ngại là số ca nhiễm cũng đang gia tăng đối với các nhân viên y tế, những người phải thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 tại Italy. Trong cuộc chạy đua với thời gian để điều trị cho người bệnh Covid-19, chính các nhân viên y tế của Italy cũng trở thành nạn nhân của bệnh nguy hiểm này. Theo Viện Y tế quốc gia Italy, 17 bác sĩ đã tử vong do Covid-19 và 3.654 nhân viên y tế tại nước này đã nhiễm virus SARS-CoV-2 (tính đến ngày 21.3). Tỷ lệ nhiễm bệnh của nhóm người này chiếm 8,3% tổng số các ca nhiễm trên toàn quốc, cao hơn gấp đôi so với tỷ lệ của nhóm này ở Trung Quốc. Điều này cho thấy quy trình và việc cung cấp trang thiết bị bảo hộ cho các nhân viên y tế tại Italy “vẫn còn bất cập” và đang gây ra áp lực lớn đối với hệ thống y tế của Italy.
Trước sự tấn công của đại dịch Covid-19, nhiều chuyên gia, bác sĩ, nhà khoa học của Italy chỉ còn biết thốt lên rằng: “Thực sự sốc”, hay “Không ngờ Covid-19 hung dữ đến vậy”, và mô tả Covid-19 như những “cơn sóng thần” đổ ập vào Italy…
Vì sao Italy chịu ảnh hưởng nặng nề đến vậy?
Theo một số chuyên gia và nhà nghiên cứu về y tế, một trong những nguyên nhân đầu tiên khiến Italy thiệt hại nặng nề do Covid-19 nằm ở cơ cấu dân số của Italy. Italy hiện là nước có dân số già với tỷ lệ lớn người có độ tuổi hơn 65, đây là nhóm người được các chuyên gia y tế cho rằng có nguy cơ hơn với Covid-19. Số liệu từ Trung Quốc cho thấy khoảng 80% người trưởng thành tử vong do Covid-19 tại nước này ở độ tuổi hơn 60.
Hơn nữa, tại các thị trấn nhỏ ở phía Bắc Italy, nơi virus SAR-CoV-2 lây lan rất nhanh trong những người cao tuổi, có một thực tế là những người già vẫn thường sống cùng các thành viên trẻ hơn trong gia đình hơn là sống trong các viện dưỡng lão như ở các nước châu Âu khác. Do đó, đây cũng có thể là lý do khiến những nhóm người thường di chuyển nhiều làm lây bệnh cho nhóm người ít di chuyển hơn.
Một mối nguy cơ khác có thể liên quan đến việc hút thuốc lá. Covid-19 là một căn bệnh về hô hấp có thể dẫn đến viêm phổi và các vấn đề về hô hấp, trong trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến tử vong. Hút thuốc lá được biết đến là làm suy yếu chức năng của phổi và hệ thống miễn dịch, góp phần khiến các bệnh về hô hấp trầm trọng hơn. Một nghiên cứu gần đây cho thấy hơn 21% người Italy hút thuốc lá.
Đặc biệt, một nguyên nhân khác khiến dịch lây lan nhanh ở Italy được cho là do những thói quen chào hỏi trong văn hóa của nước này. Việc hôn lên má khi chào hỏi là một chuyện rất phổ biến ở Italy cũng như châu Âu. Tại thời điểm nóng khi dịch Covid-19 đang hoành hành tại Italy, dường như người dân nước này vẫn rất khó để từ bỏ những thói quen như những nụ hôn má khi gặp nhau, hay thói quen ban bánh thánh vào miệng những tín đồ Công giáo, và tụ tập nơi đông người… dù đã được khuyến cáo hạn chế, tạm ngừng các thói quen này lại. Với nền văn hóa ưa chuộng các hành động thân thiết khi giao tiếp, thêm vào đó là việc tiếng Italy cũng là một trong những ngôn ngữ đòi hỏi nhiều sự biểu cảm, đặc biệt là việc sử dụng ngôn ngữ hình thể như bắt tay, ôm hôn…, những đặc điểm này vô tình đã tạo điều kiện cho dịch Covid-19 gia tăng với tốc độ chóng mặt ở Italy cũng như châu Âu. Theo các chuyên gia, việc bắt tay tuy giúp thu hẹp khoảng cách giữa người với người, nhưng điều này không bảo đảm an toàn trong phòng chống dịch.
Ngoài ra, trong bối cảnh dịch Covid-19 tấn công mạnh mẽ quốc gia châu Âu này, giới chức Italy ban đầu vẫn còn lúng túng và không dứt khoát trong phòng chống dịch khiến dịch lây lan rất nhanh. Việc hệ thống y tế quá tải, quy mô xét nghiệm chưa đủ lớn, thiếu y bác sĩ lẫn trang thiết bị y tế do số lượng bệnh nhân quá lớn cũng là lý do khiến Italy chưa thể kìm hãm đà lây lan của dịch bệnh. Quy mô xét nghiệm chưa đủ lớn, bỏ sót các ca bệnh nhẹ cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến dịch lan rộng ra cộng đồng. Theo các chuyên gia, đầu tư cho y tế công cộng tại Italy chỉ chiếm 6,8% GDP của nước này, thấp hơn nhiều nước trong Liên minh châu Âu như Pháp và Đức. Đây được cho là một trong những nguyên nhân khiến hệ thống y tế Italy không kịp trở tay khi đối mặt với một dịch bệnh khó lường như Covid-19. Trước sự quá tải của hệ thống y tế, lực lượng y, bác sĩ ở Italy mà đặc biệt là vùng tâm dịch Lombardy không tránh khỏi có lúc cảm thấy “lực bất tòng tâm”.
“Gồng mình” chống dịch
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới và tử vong do Covid-19 vẫn không ngừng tăng, chính phủ, quân đội, hệ thống y tế Italy đang phải "gồng mình" chống chọi với dịch.
Chính phủ Italy đã công bố lệnh phong tỏa toàn bộ đất nước từ đêm 9.3 và có thể kéo dài đến tháng 4.2020 thay vì cuối tháng 3 như dự định ban đầu, đóng cửa tất cả các trường học từ ngày 5.3, cấm các hoạt động thương mại trừ hiệu thuốc và cửa hàng thực phẩm, yêu cầu người dân ở trong nhà, đồng thời chính phủ phân bổ thêm 28,3 tỷ USD để chống dịch bệnh. Tuy nhiên, trong thông điệp gửi tới người dân Italy, Thủ tướng Giuseppe Conte ngày 20.3 cho rằng sắc lệnh chống virus SARS-CoV-2 hiện là không đủ, cam kết chính phủ sẽ tiếp tục chuẩn bị và nhanh chóng đưa ra các biện pháp mới để chống dịch.
Đêm 21.3, Thủ tướng Italy Conte đã tiếp tục công bố bổ sung các biện pháp nghiêm ngặt, thắt chặt hơn nữa hoạt động đi lại của người dân, nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Conte thông báo sẽ đóng cửa tất cả các hoạt động sản xuất “phi chiến lược”, không thực sự cần thiết trên toàn lãnh thổ. Ngoài các hoạt động sản xuất thiết yếu, chính phủ chỉ cho phép triển khai phương thức làm việc thông minh (smartworking). Các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, hiệu thuốc và các dịch vụ thiết yếu sẽ được bảo đảm. Các biện pháp mới sẽ áp dụng đến ngày 3.4. Thủ tướng Conte cho rằng đây là các biện pháp nghiêm ngặt, nhưng Chính phủ không còn cách nào khác. Tình trạng khẩn cấp Covid-19 là cuộc khủng hoảng khó khăn nhất mà Italy đang phải trải qua sau Chiến tranh thế giới thứ II, khi mà số ca tử vong tăng lên mỗi ngày. Vì vậy Thủ tướng Conte khuyến cáo “người dân bình tĩnh và không tích trữ”.
Chính phủ cũng đã yêu cầu chính quyền các khu vực tăng số lượng địa điểm chăm sóc tích cực lên 50% và tăng gấp đôi số giường bệnh để điều trị cho các bệnh hô hấp và lây nhiễm, đồng thời tái tổ chức lại đội ngũ nhân viên để bảo đảm có đủ người.
Ngoài ra, lực lượng quân đội Italy cũng sẵn sàng tham gia giám sát việc thực hiện các quy định trong tình trạng khẩn cấp do dịch Covid-19 do nhiều người dân vẫn chưa thực hiện nghiêm túc lệnh hạn chế đi lại.
Đối với lệnh hạn chế đi lại, riêng vùng Lombardy ngày 21.3 đã thông qua một loạt lệnh mới, trong đó có mức phạt lên đến 5.000 euro với những trường hợp không tôn trọng lệnh cấm tụ tập ở nơi công cộng.
Cũng nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, từ nay cho tới ngày 3.4, Italy không tiếp nhận các du thuyền nước ngoài. Những tàu của Italy đang di chuyển trên biển sẽ phải quay trở lại cảng và toàn bộ thủy thủ đoàn cũng như hành khách phải xét nghiệm kiểm tra virus SARS-CoV-2. Những người có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ được yêu cầu tự cách ly và theo dõi sức khỏe…
Trước tác động của dịch bệnh Covid-19 gây thiệt hại đối với nền kinh tế, Chính phủ Italy đã thông qua sắc lệnh chi 25 tỷ euro (tương đương 28,3 tỷ USD tỷ USD). Sắc lệnh này giúp Italy có thể giảm nhẹ tác động từ dịch bệnh Covid-19, bao gồm việc hoãn thanh toán nợ đối với các công ty nhờ có nhà nước bảo lãnh với các ngân hàng, tăng ngân sách giúp các doanh nghiệp chi trả lương cho những nhân viên phải tạm nghỉ do lệnh phong tỏa. Chính phủ Italy còn đồng ý chi 20 tỷ euro, trong đó có các phiếu trả tiền cho những người làm nghề trông trẻ.
Trong bối cảnh dịch bệnh tấn công khiến Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 21.3 phải dự báo tăng trưởng trong năm 2020 của Italy từ mức +0,5 xuống - 0,6%, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tận dụng tối đa quỹ cứu trợ nhằm đối phó với dịch Covid-19 đang lan rộng khắp châu Âu. Theo đó, Thủ tướng Conte đã hối thúc EU điều chỉnh Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) - quỹ cứu trợ thường trực của các nước Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) - để thích ứng với việc đối phó với đại dịch Covid-19. Theo ông, ESM được thiết kế nhằm đối với với một cuộc khủng hoảng khác biệt, do đó cần phải được điều chỉnh để thích ứng với tình hình hiện tại, từ đó giúp EU tận dụng tối đa nguồn ngân quỹ này. Nhà lãnh đạo Italy đề xuất mở các dòng tín dụng ESM cho tất cả các thành viên của khối nhằm hỗ trợ họ đối phó với những hậu quả của đại dịch Covid-19 với điều kiện mỗi thành viên phải có trách nhiệm về cách thức chi tiêu những khoản tiền này. ESM là quỹ cứu trợ thường trực của các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trị giá 410 tỷ euro. Ước tính nếu EU đồng ý triển khai, quỹ cứu trợ ESM có thể bơm khoảng 3,4% tổng GDP của Eurozone vào nền kinh tế khu vực.
Có thể thấy trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Italy đang rất cần sự tiếp sức của cộng đồng quốc tế. Ngoài Liên minh châu Âu, hiện Italy cũng nhận được sự hỗ trợ của Trung Quốc. Trung Quốc đến nay đã cử một đoàn gồm 5 chuyên gia y tế tới Italy, đồng thời cam kết gửi 100.000 khẩu trang công nghệ cao, 20.000 bộ quần áo bảo hộ y tế, 50.000 que thử xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tới Italy để hỗ trợ chẩn đoán bệnh, cam kết ưu tiên Italy trong các đơn đặt mua máy hỗ trợ thở và hiện Trung Quốc đã sẵn sàng cung cấp khoảng 1.000 máy hỗ trợ thở cho Italy. Cùng với Trung Quốc, Cuba cũng đã cử một nhóm chuyên gia y tế có trình độ chuyên môn cao gồm 53 bác sĩ và y tá đến tỉnh miền Bắc Lombardy vào ngày 21.3 theo đề xuất của chính quyền vùng Lombardy để hỗ trợ Italy chống dịch…
Sự sẻ chia giúp đỡ của cộng đồng quốc tế đối với Italy đã giúp bức tranh dịch bệnh ở nước này bớt phần u ám. Trong lúc này, điều mà người dân Italy cần làm là lạc quan cùng nhau đẩy lùi Covid-19, giống như một câu nói của người cha với cậu con trai nhỏ trong bộ phim kinh điển của đạo diễn người Italy Roberto Benigni “La vita è bella” (Cuộc sống tươi đẹp): "Nếu chúng ta đều làm tốt, tất cả chúng ta sẽ chiến thắng”.