Italy có 919 ca tử vong mới, mức tăng cao nhất từ đầu dịch
Reuters cho biết số ca tử vong của Italy vì dịch virus corona trong 24 giờ qua là 919, mức kỷ lục từ đầu dịch.
Với số liệu mới này, tổng số ca tử vong vì virus tại Italy lên đến 9.134, cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Tổng số ca nhiễm bệnh của Italy hiện là 86.498, tăng gần 6.000 so với con số của ngày trước đó là 80.539, theo Reuters.
24 giờ qua cũng là quãng thời gian "chết chóc" đối với Tây Ban Nha. Số người chết tại đây đã tăng lên đến 4.848 hôm 27/3, sau khi 769 ca tử vong được ghi nhận trong vòng 24 giờ, kỷ lục tại nước này từ đầu dịch.
Tây Ban Nha hiện là nước có số người tử vong nhiều thứ hai thế giới sau Italy, trong khi tổng số ca nhiễm đã lên đến 64.059, tăng gần 8.000 ca mới trong 24 giờ. Dù vậy, mức tăng ca mới theo ngày hôm 27/3 - 14% - đã giảm so với một ngày trước - 18%.
Cùng với việc kéo dài phong tỏa đến ngày 11/4, Tây Ban Nha cũng tăng cường việc xét nghiệm, đặt hàng hàng triệu bộ dụng cụ xét nghiệm từ nhiều nơi trên thế giới.
Nửa triệu người nhiễm virus, 100.000 người bình phục
Trong buổi họp báo hàng ngày hôm 27/3, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) Tedros Adhanom nói rằng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 được xác nhận trên thế giới đã vượt con số 500.000 (dù các thống kê khác đã thông báo điều này trước đó khoảng 24 giờ).
Ông Tedros cũng cho biết đã có 20.000 ca tử vong trong khi 100.000 người đã bình phục.
"Dịch bệnh tại Indonesia nghiêm trọng hơn thống kê chính thức"
Tổ chức đại diện cho các bác sĩ tại Indonesia hôm 27/3 nói dịch bệnh tại nước này nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thống kê chính thức, và kế hoạch ứng phó của chính phủ đang bị "phá sản".
Quốc gia đông dân thứ tư thế giới báo cáo ca bệnh đầu tiên trong tháng này, nhưng số người nhiễm virus đã nhanh chóng tăng lên đến hơn 1.000, tính đến ngày 27/3.
Indonesia cũng đã có 87 người chết vì virus, cao nhất tại Đông Nam Á, trong khi các quan chức y tế công cộng và ngoại giao cảnh báo hệ thống y tế ở nước này đang nhanh chóng trở nên quá tải.
"Kế hoạch của chính phủ đang bị phá sản và dường như họ muốn tránh một cuộc phong tỏa", đại diện Hiệp hội Bác sĩ Indonesia, Halik Malik, nói với AFP. "Hệ thống y tế của chúng tôi không mạnh như các nước khác".
Nhóm chuyên trách chống dịch của chính phủ trước đó ước tính đến 700.000 người Indonesia có nguy cơ nhiễm virus trên toàn quốc. Tuy nhiên, tỷ lệ xét nghiệm là rất thấp so với các nước khác - chỉ 2.300 người được xét nghiệm trước khi chính phủ ngừng công bố con số này.
Giới chức đã bị chỉ trích mạnh mẽ vì không áp đặt phong tỏa tại các thành phố lớn, bao gồm thủ đô Jakarta, nơi có khoảng 30 triệu người sinh sống và có nhiều ca tử vong nhất đến nay.
Thủ tướng Anh nhiễm bệnh, nữ hoàng vẫn khỏe
Nữ hoàng Elizabeth II đang có sức khỏe tốt, Điện Buckingham cho biết hôm 27/3, sau khi có tin Thủ tướng Anh Boris Johnson dương tính với virus.
"Nữ hoàng lần cuối gặp thủ tướng là vào ngày 11/3 và đang tuân thủ các khuyến cáo phù hợp cho sức khỏe của bà", cung điện cho hay trong một thông cáo.
Thái tử Charles, người đầu tiên trong danh sách kế vị nữ hoàng Anh, đã cho kết quả dương tính với virus trong tuần này. Ông đang tự cách ly ở Scotland, theo thông báo của văn phòng thái tử hôm 25/3.
Nga có ngày kỷ lục thứ hai liên tiếp về số ca nhiễm
Khi virus corona giết chết hơn 24.000 người trên thế giới, Moscow đang ráo riết tăng cường các biện pháp chống dịch và ngăn chặn sự lây lan ở trong nước.
Ngày 27/3 ghi nhận số ca nhiễm tăng kỷ lục với 196 ca nhiễm mới, nhiều hơn cả ngày kỷ lục trước đó (với 182 ca).
Dmitry Peskov, người phát ngôn của tổng thống Nga, ngày 27/3 cho biết Điện Kremlin đã có trường hợp nhân viên đầu tiên nhiễm virus.
"Thực tế có những ca nhiềm virus corona trong chính quyền", ông Peskovs nói trong cuộc họp báo qua điện thoại với các phóng viên.
Nga sẽ tạm dừng tất cả chuyến bay đến nước khác bắt đầu từ hôm nay. Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố rằng tuần từ 28/3 đến 5/4 là tuần không làm việc nguyên lương trên cả nước nhằm khuyến khích người Nga ở nhà, hạn chế sự lây lan.
Tất cả nhà hàng, quán cà phê được ra lệnh đóng cửa trong thời gian này ngoại trừ các dịch vụ thiết yếu phục vụ cuộc sống. Ngoài ra, Nga sẽ đóng cửa tất cả công viên, nhà tắm công cộng từ ngày 28/3.
Các khu nghỉ dưỡng và khu cắm trại trẻ em bị đóng cửa đến ngày 1/6. Nước này đang kêu gọi công dân không đi du lịch, chỉ trừ chuyến đi thực sự cần thiết. Người dân được khuyến cáo ở trong nhà, theo Moscow Times.
Thủ tướng Mikhail Mishustin nói rằng các biện pháp cứng rắn là cần thiết và các biện pháp nghiêm ngặt của Moscow cần được mở rộng sang các khu vực khác.
Ông Mishustin đã chỉ đạo tính toán số tiền cần thiết để đảm bảo số lượng giường bệnh và thiết bị y tế chống dịch.
“Những quyết định này chắn chắn rất khó khăn. Nhưng tôi kêu gọi công dân của chúng ta: hãy có trách nhiệm và nghiêm túc”, ông nói.
Một công dân Nga bị nhiễm virus corona đã chết trong bệnh viện ở Cuba.
Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) và các đối tác đã sản xuất 500.000 bộ kit xét nghiệm virus corona cho đến nay và đang lên kế hoạch sớm tăng sản lượng lên 2,5 triệu bộ mỗi tuần.
Hong Kong có ngày tăng cao nhất, siết chặt các biện pháp ngừa dịch
Hong Kong đã ban hành các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất cho đến nay để ngăn chặn sự lây lan của virus corona, giữa lúc số ca nhiễm tại đặc khu này của Trung Quốc đã tăng thêm 65, mức tăng cao nhất theo ngày từ đầu dịch.
Người dân sẽ bị cấm tụ tập từ 4 người trở lên ở nơi công cộng trong khi các nhà hàng sẽ phải sắp xếp bàn cách nhau 1,5 m, mỗi bàn không quá 4 khách.
Chính quyền cũng ra lệnh đóng cửa trong 2 tuần đối với 6 loại hình địa điểm thường thu hút đông người, bao gồm khu trò chơi, sauna, cơ sở giải trí như quán bi-a, phòng gym, rạp chiếu phim và phòng tiệc.
Tổng số ca nhiễm tại Hong Kong đã tăng lên đến 518 hôm 27/3, gấp 3 lần so cách đây 2 tuần. Nhiều người nhiễm đã đi tới quán bar, tiệc cưới, các bữa tiệc riêng, theo đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga.