Italy đánh giá ảnh hưởng từ Credit Suisse, SVB đến hệ thống ngân hàng
Những diễn biến tài chính xảy ra bên ngoài khu vực đồng euro có thể có tác động và thể hiện một yếu tố không chắc chắn nữa mặc dù nền kinh tế Italy đã cho thấy khả năng phục hồi ngoài mong đợi.
Bộ trưởng Kinh tế Italy Giancarlo Giorgetti ngày 20/3 đánh giá rằng tác động của cuộc khủng hoảng tại ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ đối với hệ thống ngân hàng của Italy sẽ là "không đáng kể."
Phát biểu bên lề một sự kiện của Intesa Sanpaolo, ngân hàng lớn nhất Italy, tại thành phố Milan, đề cập đến sự hỗn loạn của thị trường liên quan đến ngân hàng Credit Suisse và trước đó là sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) tại Mỹ, Bộ trưởng Giorgetti nói: “Có vẻ như thị trường đã dịu xuống một chút. Tôi nghĩ rằng tình hình ở châu Âu đang được kiểm soát. Chúng tôi liên lạc thường xuyên với các cơ quan quản lý và chúng tôi yên tâm về hệ thống ngân hàng Italy."
Cùng ngày, Thống đốc Ngân hàng trung ương Italy, ông Ignazio Visco nhận xét rằng nước này có thể phải đối mặt với những tác động có thể xảy ra từ những diễn biến tài chính bên ngoài Liên minh châu Âu (EU) như sự sụp đổ của SVB tại Mỹ và việc giải cứu ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ.
Phát biểu trong buổi giới thiệu chuyên mục tài chính mới của nhật báo La Repubblica, ông Visco nói: "Những diễn biến tài chính xảy ra bên ngoài khu vực đồng euro có thể có tác động và thể hiện một yếu tố không chắc chắn nữa mặc dù nền kinh tế Italy đã cho thấy khả năng phục hồi ngoài mong đợi."
Tuy nhiên, ông cũng nhất trí với Bộ trưởng Giorgetti rằng các ngân hàng Italy sẽ ít cảm thấy tác động do cuộc giải cứu Credit Suisse. Ông nói: "Các vấn đề của Credit Suisse luôn nằm trong tầm ngắm. Ở châu Âu, chúng tôi có tất cả các công cụ để đối phó với khủng hoảng thanh khoản và chúng tôi không phát hiện ra các vấn đề về vốn hóa và thanh khoản trong các ngân hàng của mình."
Hai ông Giorgetti và Visco cũng có chung ý kiến về chính sách tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) để chống lại mức lạm phát cao.
Bộ trưởng Giorgetti nói: "(Chính sách) nên được hiệu chỉnh hết sức cẩn thận vì việc tăng lãi suất có thể hữu ích để kiểm soát lạm phát, nhưng nó cũng có thể gây ra vấn đề cho sự ổn định tài chính."
Còn ông Visco nói: “Đưa lạm phát trở lại mức 2% phải là kim chỉ nam của chúng tôi. Xu hướng tỷ giá là rõ ràng và chắc chắn ngay cả khi cần phải hành động thận trọng và đánh giá từng trường hợp hoặc như chúng tôi nói trong các thông cáo, từng cuộc họp, trên cơ sở dữ liệu có sẵn"./.