Italy: Lạm phát cao hơn mức trung bình của Eurozone 8 tháng liên tiếp
Chỉ số giá tiêu dùng của Italy trong tháng 5 đứng ở mức 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tỷ lệ lạm phát hàng năm ở 20 quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu là 6,1%.
Tỷ lệ lạm phát tại Italy trong tháng 5/2023 vẫn cao hơn mức trung bình của Khu vực đồng euro (Eurozone) trong tháng thứ 8 liên tiếp.
Theo số liệu do Cơ quan Thống kê quốc gia Italy (ISTAT), được công bố ngày 16/6, chỉ số giá tiêu dùng của Italy trong tháng 5 đứng ở mức 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tỷ lệ lạm phát hàng năm ở 20 quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu là 6,1%.
Lần mới nhất tỷ lệ lạm phát ở Eurozone cao hơn tại Italy là vào tháng 9/2022, khi tỷ lệ này lần lượt là 9,9% và 8,9%. Ngân hàng Trung ương Italy dự báo tỷ lệ lạm phát năm 2023 của nước này là 6,1%, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự báo tỷ lệ lạm phát của Eurozone là 5,4%.
Các nhà kinh tế đã lưu ý rằng Italy đặc biệt dễ phải chịu áp lực lạm phát do phụ thuộc vào thương mại quốc tế và sản xuất năng lượng trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu.
Lạm phát tại châu Âu tăng cao hơn vào năm ngoái do tác động kinh tế của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, bao gồm cả việc Nga thường xuyên ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu. Trước khi bắt đầu xung đột, Italy là khách hàng khí đốt tự nhiên lớn thứ hai ở châu Âu của Nga, chỉ sau Đức.
Trong khi giá năng lượng toàn cầu bắt đầu giảm từ mức cao kỷ lục vào cuối năm ngoái, tập đoàn năng lượng quốc doanh khổng lồ Eni của Italy cho biết rằng giá năng lượng bán lẻ ở Italy đang tăng trở lại, theo một cuộc khảo sát các đại lý nhiên liệu xăng và dầu diesel.
Xu hướng này đã có tác động tiêu cực đến thương mại của Italy, do đó góp phần làm tăng giá.
ISTAT cũng cho biết trong tháng 4, xuất khẩu của Italy đã giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu tăng 5,3% so với cùng kỳ, phản ánh giá nguyên liệu thô, hàng hóa trung gian và thành phẩm cao hơn.
Sự sụt giảm trong xuất khẩu cũng tương tự đối với cả các đối tác thương mại châu Âu (giảm 1,5%) và các đối tác bên ngoài Liên minh châu Âu (giảm 2,0%).
ISTAT cho biết trong giai đoạn 4 tháng kết thúc vào tháng 4/2023, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm, lần lượt là 2,2% và 6,5%.
Bất chấp những xu hướng này, các dự báo cho Italy và Liên minh châu Âu (EU) chỉ ra rằng tốc độ tăng tỷ lệ lạm phát ở Italy có thể sẽ giảm xuống dưới mức của Eurozone bắt đầu từ năm tới.
Ngân hàng trung ương Italy dự đoán rằng tỷ lệ lạm phát năm 2024 sẽ tăng 2,3% so với mức năm 2023 và tiếp tục giảm xuống mức 2,0% hàng năm vào năm 2025. Trong cùng kỳ, ECB dự đoán lạm phát của Eurozone là 3,0% vào năm 2024 và 2,2% vào năm 2025./.