Italy: Lệnh cấm không phận của EU với Nga phá vỡ quy tắc hàng không
Chủ tịch Cơ quan Hàng không dân dụng Italy cho biết việc đóng cửa không phận EU đối với các hãng hàng không của Nga đã được quyết định mà không tôn trọng các quy tắc hàng không quốc tế.
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, Chủ tịch Cơ quan Hàng không dân dụng Italy (ENAC), ông Pierluigi Di Palma cho biết việc đóng cửa không phận Liên minh châu Âu (EU) đối với các hãng hàng không của Nga đã được quyết định mà không tôn trọng các quy tắc hàng không quốc tế.
Phát biểu tại một hội nghị kỹ thuật số ngày 28/2, ông Di Palma cho biết cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến các nước châu Âu quyết định ủng hộ lệnh cấm vi phạm các thủ tục quốc tế.
Ông nói: "Chúng tôi thấy các hiệp ước quốc tế bị vi phạm ở một mức độ nào đó liên quan đến lệnh cấm không phận do phương Tây quyết định chống lại Nga."
Chủ tịch ENAC cũng cho rằng các lệnh cấm không phận của EU và Italy đã phá vỡ cả các hiệp ước song phương và các quy tắc của cơ quan hàng không của Liên hợp quốc là Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Phát biểu của Chủ tịch ENAC dường như là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự khác biệt trong châu Âu kể từ khi lệnh cấm không phận được công bố ngày 27/2.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 1/3, ông Thierry Breton - ủy viên phụ trách thị trường nội bộ của EU, cho hay Ủy ban châu Âu đang tìm kiếm sự phê chuẩn của các nước thành viên EU để áp trừng phạt tập đoàn truyền thông quốc gia RT và Sputnik của Nga bằng cách hạn chế quyền tiếp cận thị trường truyền thông châu Âu.
Cùng ngày, Anh đã quyết định áp trừng phạt với ngân hàng lớn nhất của Nga, Sberbank, mà nước này cho là có liên hệ với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Trong khi đó, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern bày tỏ hy vọng luật quốc gia về đầu tư nước ngoài sẽ được sửa đổi trong tuần tới để tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Cùng ngày, Hàn Quốc cũng thông báo áp đặt trừng phạt đối với các ngân hàng Nga. Bộ Tài chính nước này cho biết sẽ đình chỉ các giao dịch tài chính với 7 ngân hàng lớn của Nga - Sberbank, VEB, PSB, VTB, Otkritie, Sovcom và Novikom - và các chi nhánh vốn chịu lệnh trừng phạt của Mỹ./.