Italy tăng cường mua thuốc điều trị COVID-19
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 10/1, quan chức phụ trách phòng chống COVID-19 của Italy, Tướng Francesco Figliuolo cho biết nước này sẽ nhận được khoảng 40.000 liều thuốc kháng virus để điều trị COVID-19 của công ty Merck & Co vào tuần tới, sau khi đã phân phối gần 12.000 liều cho các bệnh viện.
Phát biểu trên kênh truyền hình RAI 3 của Italy, ông Figliuolo nói: “Số thuốc trên được dành cho các ca lâm sàng có nguy cơ mắc COVID-19 nặng”. Italy cũng đã mua 200.000 liều thuốc Paxlovid của Pfizer và dự kiến sẽ nhận được vào tháng 2 tới. Nước này cũng quyết định mua thêm 400.000 liều thuốc Paxlovid.
Các loại thuốc viên thử nghiệm của Merck và Pfizer được cho là “nhân tố thay đổi cuộc chơi” trong việc giảm nguy cơ tử vong hoặc nhập viện của những người có nguy cơ mắc COVID-19 nặng. Số liệu của Bộ Y tế Italy cho thấy nước này ngày 10/1 ghi nhận 155.659 ca nhiễm mới và 157 ca tử vong trong 24 giờ qua, so với 197.552 và 184 ca ghi nhận ngày 9/1.
Tại Đức, Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach ngày 9/1 cho biết nước này sẽ nghiên cứu độ chính xác của các xét nghiệm nhanh kháng nguyên đối với việc phát hiện biến thể Omicron.
Theo Bộ trưởng Lauterbach, kết quả nghiên cứu sẽ có trong vài tuần tới. Trả lời phỏng vấn của kênh truyền thông ARD, ông Lauterbach cho biết: “Chúng ta chưa biết chính xác các xét nghiệm nhanh này hoạt động như thế nào đối với biến thể Omicron. Nhưng chắc chắn nếu không xét nghiệm gì sẽ rất nguy hiểm”.
Trước đó, trả lời phỏng vấn của một tờ báo, ông Lauterbach cho rằng Đức cần tăng cường chiến dịch tiêm phòng để chống biến thể Omicron và đảm bảo nhanh chóng phát triển một loại vaccine mới nếu xuất hiện một biến thể nghiêm trọng hơn trong tương lai.
Theo viện Robert Koch Institute (RKI) về bệnh truyền nhiễm, biến thể Omicron hiện gây ra khoảng 44% số ca mắc mới COVID-19 tại Đức. RKI đã ghi nhận 36.552 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, cao gấp ba lần con số cách đây 1 tuần.
Dự kiến, Hạ viện Đức sẽ thảo luận một dự luật bắt buộc tiêm chủng đại trà - biện pháp đã nhận được sự ủng hộ của khối doanh nghiệp và khu vực nhà nước, song chưa có sự thống nhất ý kiến giữa 3 đảng trong liên minh cầm quyền.