Italy, Thụy Sĩ muốn Nga dự hội nghị hòa bình về Ukraine
Các Ngoại trưởng Italy và Thụy Sĩ cho biết đã nhất trí hợp tác để đặt nền móng cho 'hội nghị thượng đỉnh hòa bình về Ukraine' lần thứ hai, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, bao gồm cả Nga.
Theo thông cáo báo chí đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Italy, ngày 12/8, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani và người đồng cấp Thụy Sĩ Ignazio Cassis đã có cuộc gặp tại Brissago, Thụy Sĩ. Hai ngoại trưởng đã ra Tuyên bố chung về Ukraine, trong đó bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine.
“Nhận thức được những tác động toàn cầu từ cuộc xung đột ở Ukraine, Italy và Thụy Sĩ cam kết thực hiện mọi bước cần thiết để xây dựng con đường ngoại giao hướng tới một nền hòa bình công bằng, toàn diện và lâu dài,” thông cáo viết.
Hai bên cùng nhấn mạnh quan điểm: “Để đạt được hòa bình đòi hỏi có sự tham gia và đối thoại của tất cả các bên”. Trong đó, Italy và Thụy Sĩ tiếp tục duy trì liên lạc chặt chẽ và hợp tác để tạo ra “những điều kiện tốt nhất có thể cho hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ hai có sự tham gia của tất cả các bên, bao gồm Nga và tất cả các bên liên quan trên toàn cầu”.
Italy và Thụy Sĩ cũng kêu gọi tất cả các bên trên thế giới “thiết lập một nền tảng đàm phán chung, dựa trên sự tôn trọng luật pháp quốc tế và toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của tất cả các quốc gia, như được quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, đồng thời xem xét các đề xuất mà một số bên đã đưa ra cho đến nay để chấm dứt xung đột”.
Trong tuyên bố chung, hai nước cũng nhấn mạnh các quan điểm từ hội nghị thượng đỉnh hòa bình hồi tháng 6, rằng tất cả các bên liên quan đến cuộc xung đột được thúc giục thả tất cả tù nhân chiến tranh và đảm bảo an toàn lương thực và hạt nhân.
Về phần mình, Italy cho biết nước này đang chuẩn bị tổ chức Hội nghị tái thiết Ukraine vào năm 2025.
Nga và Ukraine chưa bình luận về thông tin này.
Trước đó, hội nghị thượng đỉnh hòa bình về Ukraine lần thứ nhất đã diễn ra tại Thụy Sĩ trong hai ngày (15-16/6), với sự tham dự của đại diện hơn 90 quốc gia và tổ chức. Nga không được mời tham dự sự kiện. Trung Quốc cho biết họ “khó có thể tham dự” hội nghị, nhấn mạnh rằng sự kiện tại Thụy Sĩ chưa đáp ứng các điều kiện mà Bắc Kinh đã nêu ra, gồm yêu cầu về sự có mặt của Moscow.
Sau hội nghị, có 78 quốc gia nhất trí ký tuyên bố chung về việc kêu gọi “kiềm chế đe dọa sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, các nguyên tắc về chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, bao gồm cả Ukraine, trong phạm vi biên giới được quốc tế công nhận”.
Các bên cũng kêu gọi khôi phục quyền kiểm soát của Ukraine đối với nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia - hiện do Nga kiểm soát, tiếp cận các cảng biển ở Biển Đen và Biển Azov; yêu cầu Nga kiểm soát sử dụng và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuyên bố kêu gọi tất cả các bên trong cuộc xung đột trao trả hoàn toàn các tù binh và các trẻ em “bị di dời bất hợp pháp”.
Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 17/6 cho biết, hội nghị thượng đỉnh hòa bình tại Thụy Sĩ đã mang lại kết quả không đáng kể và cho thấy sự vô ích của việc tổ chức các cuộc đàm phán mà không có Nga. Ông Peskov khẳng định rằng Nga vẫn sẵn sàng đối thoại với tất cả các quốc gia có ý định tiến hành các sự kiện như này và sẽ tiếp tục truyền đạt quan điểm của mình.
Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 7, khi phản hồi tuyên bố của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng Moscow nên tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine lần thứ hai, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng những sự kiện này không đạt được tiến bộ trong giải quyết khủng hoảng.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin cũng tuyên bố rằng Moscow không có kế hoạch tham dự bất kỳ hội nghị thượng đỉnh mới nào về Ukraine nhằm thúc đẩy cái mà ông gọi là “công thức ngõ cụt và giống như tối hậu thư” của Kiev.