J-10C được coi là phiên bản hiện đại và mạnh mẽ nhất trong dòng máy bay chiến đấu J-10 của Trung Quốc hiện nay. Bắc Kinh tự tin dòng máy bay này thuộc tốp mạnh nhất trong các chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 hiện nay trên thế giới.
Thậm chí nhà phát triển còn tự tin cho biết, J-10C ngang tầm ngang sức với SU-35 Nga và F-15E của Mỹ.
Nhiều nhà quan sát cho rằng loại máy bay này có tính năng chiến đấu không hề thua kém một số loại máy bay của Nga và Mỹ. Tuy vậy cũng không ít ý kiến lại tỏ ra dè dặt khi đề cập đến chiến đấu cơ xuất xứ từ Trung Quốc.
Tiêm kích J-10C về cơ bản được phát triển trên cơ sở mẫu J-10B với cửa hút không khí cửa hút khí khuếch tán siêu âm (DSI) khắc phục điểm yếu lớn trên bản J-10A, cho phép máy bay hoạt động ổn định ở tốc độ cao dù nó đòi hỏi người ta cần có phần mềm điều khiển bay hiện đại.
Đặc biệt, J-10C được tiết lộ sở hữu hệ thống radar mạng pha chủ động (AESA) do Trung Quốc phát triển. Đáng tiếc thông số loại radar này tới nay vẫn là điều bí mật.
Dẫu vậy, một vài trang mạng Trung Quốc “tự tin” cho rằng với radar AESA, J-10C có khả năng đối chọi với cả các tiêm kích tàng hình F-35 và F-22 của Mỹ.
J-10C sẽ mang được hai loại tên lửa không đối không mới nhất: PL-10 và PL-15.
Trong đó PL-10 là loại tên lửa không đối không tầm ngắn được Trung Quốc phát triển cho tiêm kích tàng hình J-20 từ năm 2004. PL-10 sở hữu đầu dò hồng ngoại đa kênh, có khả năng kết hợp với mũ bay tích hợp khí tải hiển thị mục tiêu trên kính mũ. Điều này cho phép phi công có thể tác chiến khóa mục tiêu theo kiểu "nhìn và bắn" cực nhanh
Trong khi đó PL-15 là loại tên lửa không đối không tích hợp đầu tự dẫn radar chủ động. Loại này được tiết lộ là có tầm bắn cực xa đến 150km, tốc độ Mach 4.
Trung Quốc cũng cho biết sẽ đưa động cơ Thái Hành WS-10B đang thử nghiệm trên J-10B TVC Demonstrator lên J-10C.
J-10C có thể đạt tốc độ lên tới Mach 1,8, bán kính chiến đấu 500-600km, tầm bay cực đại 1.800km và trần bay 18.000m.Tải trọng vũ khí trên máy bay lên tới 7 tấn không chỉ cho phép mang được tên lửa không đối không mà cả tên lửa không đối đất, bom thông minh.
Tuy các thông số được Trung Quốc đưa ra rất ấn tượng, nhưng điểm mấu chốt, đây vẫn là dòng chiến đấu cơ chưa qua thực chiến.
Mặt khác vũ khí do Trung Quốc phát triển cho tới nay vẫn bị nghi ngờ chất lượng.
Các thông số vũ khí thường được quảng bá "vượt xa" so với thực tế. Mặt khác động cơ nội địa do nước này phát triển còn bị chính không quân nước này từ chối vì không hoạt động ổn định.
Dù Trung Quốc tự tin chiến đấu cơ J-10 là do nước này tự tay thiết kế và phát triển từ A-Z. Tuy nhiên nhiều nguồn tin khẳng định nó chính là phiên bản của tiêm kích Lavi do Israel phát triển và được bán cho Trung Quốc.
Lavi lại được phát triển trên tiêm kích F-16 của Mỹ. Có thể nhận thấy nhiều điểm tương đồng đến lạ thường giữa J-10 và Lavi.
Trong khi đó, F-16V là phiên bản mạnh nhất của tiêm kích F-16, dòng tiêm kích hạng nhẹ thế hệ thứ 4 thành công nhất của Mỹ hiện nay.
Sức mạnh chiến đấu cơ F-16 đã được kiểm nghiệm qua hàng chục cuộc chiến.
Công nghệ radar mới, tải trọng vũ khí tương đương với chiến đấu cơ hạng nặng, khả năng bán tàng hình là những ưu điểm của F-16V so với J-10C. Nếu có cuộc đối đầu giữa hai chiến đấu cơ này, phần thắng có thể sẽ nghiêng nhiều về F-16V của Đài Loan do Mỹ phát triển.
Việt Hùng