J-31 Trung Quốc có đủ sức soán ngôi F-35 trên thị trường vũ khí?
Tiêm kích tàng hình Shenyang J-31 được Trung Quốc chế tạo nhằm hướng tới thị trường xuất khẩu tương tự chiếc F-35 Lightning II của Mỹ.
Sau khi chính thức được giới thiệu lần đầu tiên tại Triển lãm hàng không Chu Hải năm 2014, chiến đấu cơ thế hệ 5 J-31 của Trung Quốc đã thu hút được khá nhiều sự chú ý khi đây sẽ là dòng tiêm kích hướng tới các khách hàng nước ngoài để thế chân J-20 chỉ dùng trong PLAAF.
Cách làm trên của Trung Quốc cũng tương tự như Mỹ, khi họ cấm xuất khẩu F-22 và chỉ sản xuất F-35 để cung cấp cho các đối tác truyền thống. Vậy trong trường hợp có một quốc gia nào đó cân nhắc lựa chọn tiêm kích thế hệ 5 và đặt J-31 cùng F-35 vào tầm ngắm thì chiến đấu cơ nào sở hữu nhiều điểm ưu việt hơn đối thủ?
Đầu tiên, mặc dù có ý kiến cho rằng J-31 chính là F-35 phiên bản Trung Quốc, nhưng đa phần nhận xét đều cho rằng thực chất nó là biến thể thu nhỏ của F-22 khi sử dụng kết cấu 2 động cơ cùng sự tương đồng về hình dáng cánh cùng với phần mũi.
Đặt cạnh chiếc F-35, thông số của hai loại máy bay này khá tương đồng, J-31 có chiều dài ~16 m; sải cánh ~11 m; chiều cao 5,3 m còn kích thước của F-35 là (15,47 x 10,05 x 5,28) m. Trọng lượng rỗng và trọng lượng cất cánh tối đa của J-31 lần lượt là 15 và 25 tấn, trong khi F-35 là 14,5 và 27,2 tấn. Như vậy máy bay Mỹ mang được lượng nhiên liệu cũng như vũ khí lớn hơn.
Hình dáng khí động học của hai bên theo đánh giá đều cho khả năng tán xạ sóng radar khá tốt, nhưng J-31 nhỉnh hơn vì nó “gọn gàng” chứ không “béo tròn” như F-35, khắc phục phần nào hạn chế của kích thước to hơn chút đỉnh.
Hệ thống điện tử hàng không của hai bên chưa có thông số rõ ràng để so sánh, chỉ biết là chúng cùng được tích hợp radar mảng pha quét chủ động (AESA) loại tiên tiến nhất. Trình độ ngành công nghiệp điện tử Trung Quốc gần đây rất phát triển, cho nên hãy tạm cho rằng tính năng của radar hai bên là ngang nhau.
Tuy nhiên ngoài thiết kế tán xạ sóng radar, đặc điểm rõ ràng nhất để phân biệt chiến đấu cơ thế hệ 5 chính là động cơ của chúng, yếu tố này thì F-35 Lightning II vượt rất xa Shenyang J-31.
Trái tim của F-35 là động cơ phản lực Pratt & Whitney F135 được thiết kế đúng “chuẩn tàng hình”, nó có khả năng che giấu bộc lộ tín hiệu hồng ngoại rất tốt bằng cách cho hai dòng khí nóng - lạnh hòa nhập với nhau một cách đều đặn, duy trì luồng không khí ổn định, tránh hiện tượng sốc nhiệt, từ đó làm tăng hiệu suất hoạt động cũng như gây khó khăn cho tên lửa mang đầu dò nhiệt của đối phương.
Động cơ F135 có lực đẩy khô 125 kN và lên tới 191 kN khi bật tăng lực, con số này ăn đứt động cơ RD-93 và cả loại WS-13 đang được phát triển. Cụ thể, động cơ RD-93 đang lắp cho mẫu thử J-31 chỉ có lực đẩy khô 49,4 kN và 85,3 kN khi đốt nhiên liệu phụ trội, tức là cộng cả hai động cơ này lại thì lực đẩy vẫn kém xa F135.
Chưa dừng lại ở đó, vì là động cơ của tiêm kích thế hệ 4 nên dĩ nhiên RD-93 không có khả năng che giấu tín hiệu nhiệt. Ngoài ra cần nhắc lại rằng RD-93 là một bản sửa đổi từ RD-33 trang bị cho dòng MiG-29 vốn nổi tiếng có hiệu suất cực kém, thường xuyên phun khói đen mù mịt và hay chết máy bất thình lình trên không.
F-135 giúp cho F-35 đạt tốc độ tối đa 1.931 km/h, trong khi vận tốc lớn nhất của J-31 là xấp xỉ 2.000 km/h, chênh lệch không đáng kể nhưng J-31 chưa thể bay hành trình siêu âm như F-35. Bên cạnh đó, bán kính chiến đấu của J-31 chỉ đạt 900 km còn F-35 lên tới 1.100 km, rõ ràng sức mạnh động cơ vượt trội đã tạo nên những ưu thế trên.
Tổng hòa các yếu tố, J-31 còn phải hoàn thiện thêm nhiều nếu muốn chiếm lĩnh thị trường tiêm kích thế hệ 5 vẫn đang đầy tiềm năng mà F-35 đã bước đầu giành vị thế thống trị.