Jan Berzin - nhà tiên tri của tình báo Liên Xô
Lịch sử nước Nga và Liên Xô không thể không nhắc tới những người con ưu tú của dân tộc Latvia đã hiến dâng cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng và cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Tiêu biểu nhất là nhà lãnh đạo tình báo quân đội Jan Berzin. Ông là một trong những người sáng lập ngành tình báo Liên Xô và dự báo chính xác thời điểm xảy ra Thế chiến thứ hai dựa trên những thông tin tình báo thu thập được.
Khởi đầu
Jan Karlovich Berzin tên thật là Peteris Janovich Kuzis, sinh ngày 13/11/1889, trong gia đình một nông dân nghèo người Latvia. Tốt nghiệp phổ thông, ông vào học Trường trung cấp Sư phạm ở thị trấn Kuldiga, ngôi trường đã khiến ông bị tổn thương suốt đời: “Đó là một nhà tù thu nhỏ dành cho trẻ vị thành niên, được thành lập theo mô hình trại lính, với các hình phạt, đạo đức giả, dối trá. Những năm tháng học tập ở đây đã gieo vào lòng tôi sự căm ghét trường học”, - Kuzis nói.
Năm 1905, trở thành đảng viên đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga, Peteris tham gia tích cực vào cuộc Cách mạng 1905-1907. Năm 1907, ông bị kết án 8 năm lao động khổ sai vì giết một cảnh sát, nhưng do đang ở tuổi vị thành niên nên thời hạn tù được giảm xuống còn 2 năm. Năm 1909, ông trở về Riga, nhưng lại bị bắt vì hoạt động cách mạng và năm 1911 bị đày đến tỉnh Irkutsk, từ đó, năm 1914, ông bỏ trốn với giấy tờ giả mang tên Jan Karlovich Berzin. Với cái tên này, nhà tình báo nổi tiếng đã đi vào lịch sử.
Trong Thế chiến thứ nhất, Jan Berzin nhập ngũ rồi đào ngũ. Sau đó làm thợ cơ khí tại các nhà máy ở Petrograd, đồng thời tham gia tích cực cuộc Cách mạng Tháng Hai. Mùa hè năm 1917 - ông trở thành biên tập viên của tờ báo Latvia “Proletariata cina” (“Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản”).
Trong thời gian xảy ra cuộc Cách mạng XHCN Tháng Mười năm 1917, Jan Berzin là Ủy viên Ban chấp hành đảng bộ quận Vyborg và Ủy viên Thành ủy Petrograd. Từ tháng 12/1917, ông làm việc trong bộ máy Cheka của Cộng hòa XHCN Xôviết Liên bang Nga. Từ tháng 1/5/1919, ông là Phó Ủy viên Nhân dân (Thứ trưởng) Bộ Dân ủy Nội vụ Latvia.
Tháng 12/1920, Jan Berzin được bổ nhiệm giữ chức trưởng phòng Tình báo quân đội Liên Xô. Hóa ra, vào thời điểm đó, những người Latvia trung thành với sự nghiệp cách mạng Bolshevik, biết tiếng Đức và hiểu rõ tâm lý Châu Âu, đã lần lượt được bổ nhiệm vào các chức vụ cao trong các cơ quan tình báo.
Đầu tiên, tình báo quân đội do Janis Lencmanis lãnh đạo, sau đó là Arvids Zeibots, còn năm 1924, quyền lực trong Cục Tình báo Quân đội được chuyển cho Jan Berzin. Và điều đáng ngạc nhiên là đến đầu năm 1919, trong số 89 điệp viên của Cục Tình báo Quân đội, có gần một nửa là người Latvia hoặc Estonia.
Hiện nay, các hoạt động của Kuzis-Berzin đôi khi được đánh giá hoàn toàn trái ngược nhau. Theo quan điểm của một số nhà sử học, Jan Berzin là một nhà tình báo xuất chúng. Tuy nhiên, trong các tài liệu lịch sử cũng có những lập luận cho rằng trong một số trường hợp, ông tuyển mộ những người kém năng lực vào công việc. Dưới sự lãnh đạo của ông, các điệp viên đôi khi “thất bại”, còn ông nhấn mạnh vào các hoạt động phá hoại không mang lại thông tin tình báo.
Vậy Jan Berzin là nhà lãnh đạo tình báo như thế nào? Để chứng minh trình độ chuyên môn cao của ông, cách đây nửa thế kỷ, các nhà sử học đã nêu tên những nhà tình báo nổi tiếng từng được tuyển mộ vào Cục Tình báo trong thời gian ông làm lãnh đạo. Đó là Richard Sorge, Lev Manevich, Leopold Trepper. Trong những thập kỷ gần đây, đã phát hiện ra những cái tên mới như: Yan Chernyak, Kristaps Salnins…
Những người làm nên hình tượng Stierlitz
Xin nêu một ví dụ. Có lẽ, nhiều người biết tên mạng lưới điệp viên nổi tiếng “Dàn nhạc Đỏ” hoạt động cho tình báo Liên Xô trong Thế chiến thứ hai. Trong khi đó, mạng lưới tình báo “Krona” hoạt động ở Đức Quốc xã lại ít được biết đến.
Nhưng chính người thành lập nhóm này, Anh hùng Liên bang Nga Yan Chernyak, chiến hữu của Jan Berzin, có thể được coi là một trong những nguyên mẫu lịch sử của nhân vật Stierlitz nổi tiếng. Không phải vô cớ mà khi nhà văn Yulian Semyonov viết cuốn sách “Mười bảy khoảnh khắc của mùa xuân”, ông đã xin phép GRU (Cơ quan Tình báo đối ngoại của Bộ Quốc phòng Liên Xô) gặp Yan Chernyak.
Yan Chernyak là chuyên gia hoạt động bí mật, nhà tổ chức xuất sắc. Các điệp viên của ông ở Đức là chủ ngân hàng lớn, thư ký bộ trưởng và những người cung cấp thông tin có giá trị. Trong suốt cuộc chiến tranh, nhóm “Krona” không thất bại lần nào.
Tất nhiên, Max Otto von Stierlitz là một hình tượng phổ quát. Còn một nguyên mẫu khác của nhân vật này là Kristaps Salnins, đồng đội cũ của Jan Berzin, người Latvia. Được biết, nhà văn Yulian Semyonov đã dựa trên nguyên mẫu này để mô tả cuộc đời nhân vật của mình từ thời trẻ đến khi về già.
Tiểu thuyết “Không cần mật khẩu” kể về những năm tuổi trẻ của Maxim Isaev. Theo nhà văn Yulian Semyonov, tác phẩm này ra đời từ một câu trong bức mật mã được gửi đến Moscow mà ông tìm thấy tại kho lưu trữ. Đó là: “... người của ta từng hoạt động ở Vladivostok, đã được đưa ra nước ngoài để tiếp tục công tác ở hải ngoại”. Bức mật mã nói về Kristaps Salnins.
Các nhà tình báo người Latvia khác
Kristaps Salnins hoàn toàn không phải là nhân viên tình báo Liên Xô duy nhất người Latvia. Jan Berzin thích tuyển mộ những người đồng hương của mình vào làm việc trong “văn phòng” của ông. Đôi khi, cả gia đình người Latvia làm việc cho tình báo Liên Xô. Ví dụ, chúng ta biết đến gia đình Tiltin. Alfred Tiltin là điệp viên ở Mỹ. Vợ ông, Maria Schultz, một phụ nữ duyên dáng, xinh đẹp, nổi tiếng là “tay bắn tỉa” trong giới tình báo: bằng ánh mắt của mình, Maria có thể “hạ gục” ngay tại chỗ những người đàn ông mà bà muốn tuyển mộ. Năm 1933, Schultz bị bắt ở Phần Lan và bị kết án dài hạn vì tội làm gián điệp.
Peteris, em trai của Alfred Tiltin, khi ở Pháp, vì lý do bảo mật, đã thay đổi họ tên và trở thành Pols Armans. Ông đã đi vào lịch sử với các tên Pols Armans, nhà tình báo, chiến sĩ lái xe tăng, Anh hùng Liên Xô.
Còn một “chiến sĩ mặt trận vô hình” khác của Liên Xô người Latvia là Janis Krikmanis. Cuộc đời ông có thể dựng thành phim. Chỉ cần nói rằng trong chiến dịch “Trust” nổi tiếng của Tổng cục Chính trị Nhà nước Liên Xô, chính Janis Krikmanis đã vượt biên và bắt giữ Boris Savinkov, thủ lĩnh của tổ chức Bạch vệ ngầm.
Ngày nay, tên tuổi của Krikmanis, Tiltin và Kristaps Salnyns, Berzin… đã bị lãng quên. Ở Latvia, rất hiếm những người có cuộc đời phi thường, đầy phiêu lưu như họ. Lịch sử đất nước không có nhiều nhân vật tầm cỡ như vậy. Quả thật, họ không bị phê phán, nhưng cũng không được tôn vinh, đơn giản là bị lãng quên.
Jan Berzin rất giỏi phân tích các thông tin tình báo. Ngay từ cuối những năm 20, cùng với một nhân viên của mình, ông đã xuất bản cuốn sách về cuộc chiến tranh tương lai. Trong đó, Jan Berzin vạch trần những tư tưởng quá tự tin cho rằng Hồng quân sẽ giành chiến thắng một cách dễ dàng, ít tổn thất.
Berzin cho rằng cuộc chiến tranh tương lai có thể nổ ra mà không được tuyên bố chính thức, đó sẽ là một “cuộc chiến tranh động cơ”, có thể kéo dài 3-4 năm và đòi hỏi sự nỗ lực to lớn của nhân dân Liên Xô. Tuy nhiên, bất chấp lời cảnh báo của ông, bộ máy tuyên truyền thời bấy giờ lớn tiếng khẳng định rằng kẻ thù sẽ bị đánh bại nhanh chóng.
Những chiến công tình báo
Như chúng ta biết, các nhân viên của Jan Berzin đã chịu nhiều thất bại trong hoạt động của mình. Bởi vì họ làm việc trong những điều kiện rất khó khăn: sau cách mạng, các cơ sở tình báo của Liên Xô ở nước ngoài đôi khi phải bắt đầu từ số 0, vì thiếu nhân lực họ buộc phải tuyển mộ những người không có chuyên môn, hơn nữa sự tài trợ không đáp ứng nhu cầu. Đôi khi các nhân viên tình báo phải thành lập các doanh nghiệp thương mại ở nước ngoài để kiếm sống và tiến hành hoạt động tình báo.
Mặc dù vậy, rất nhiều lần họ đã giành được những kết quả tốt: khai thác được các tài liệu kỹ thuật về vũ khí hiện đại và tuyển mộ được những người có thế lực. Chẳng hạn như Léon Theremin, một nhà khoa học và nhạc sĩ Mỹ, vốn có quan hệ gần gũi với Tổng thống tương lai Dwight D. Eisenhower và Leslie Groves, người phụ trách Dự án Manhattan nghiên cứu và phát triển bom nguyên tử trong tương lai.
Như đã trình bày ở trên, nhiều năm trước khi bắt đầu cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, Jan Berzin đã dự báo rằng Liên Xô sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến tranh lâu dài. Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách của ngành tình báo là thu thập thông tin về những đổi mới kỹ thuật trong lĩnh vực vũ khí.
Đây là điều cần thiết để biết các nước khác trang bị vũ khí như thế nào và để các nhà khoa học và công trình sư Liên Xô có thể so sánh thành tựu của mình với những gì đang được sản xuất ở phương Tây. Chẳng hạn, ở Ý, Lev Manevich đã thu thập được các bản vẽ và báo cáo thử nghiệm về các máy bay ném bom, máy bay chiến đấu, tàu ngầm mới, pháo 37mm và thiết bị điều khiển hỏa lực pháo binh trung tâm trên tàu chiến.
Ở Pháp, Pavel Stuchevsky đã thành lập một mạng lưới tình báo tại các cảng Marseille, Toulou và Saint-Nazaire. Với sự trợ giúp của họ, ông đã khai thác được nhiều thông tin về tàu ngầm và ngư lôi. Ngoài ra, tại Lyon, các điệp viên của Stuchevsky đã lấy được bản vẽ của một chiếc máy bay quân sự mới.
Nhưng có lẽ, độc đáo nhất là các hoạt động thu thập thông tin kỹ thuật quân sự của phương Tây được các nhân viên tình báo Liên Xô tiến hành ở Mỹ. Ví dụ, các nhân viên tình báo Liên Xô không chỉ thu được thông tin về xe tăng Christie M1936 do John Walter Christie thiết kế mà còn tháo tháp pháo của nó và chuyển xe tăng này về Liên Xô dưới vỏ bọc một chiếc máy kéo.
Họ bí mật vận chuyển cả máy bay quân sự từ Mỹ về Liên Xô. Ví dụ, máy bay ném bom hạng nhẹ Vultee V-11 hai chỗ ngồi đã được vận chuyển về Liên Xô dưới vỏ bọc một chiếc máy bay đưa thư.
Năm 1937, trong thời kỳ Đại thanh trừng, Jan Berzin bị bắt và năm 1938, ông bị xử bắn. Trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, con trai ông, Andrey, đã chiến đấu trong Sư đoàn bộ binh số 201 của Latvia và hy sinh anh dũng.
Cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã chứng minh những dự báo của Jan Berzin là hoàn toàn chính xác.