Jefferies hạ dự báo với Meta, Microsoft và 27 hãng công nghệ sau khi ông Trump áp thuế đối ứng
Các mức thuế đối ứng từ Tổng thống Mỹ Donald Trump làm rung chuyển thị trường nhưng mang đến một điểm tích cực: Các công ty có thể tận dụng sự biến động tài chính để điều chỉnh lại mục tiêu hiệu suất, theo những nhà phân tích của Jefferies.
Jefferies là ngân hàng đầu tư và công ty dịch vụ tài chính có trụ sở tại Mỹ, chuyên cung cấp các dịch vụ như ngân hàng đầu tư, giao dịch chứng khoán, nghiên cứu tài chính và phân tích thị trường, quản lý tài sản. Jefferies được biết đến là một trong những công ty tài chính độc lập lớn nhất tại Phố Wall và thường xuyên đưa ra các báo cáo phân tích về thị trường, gồm cả lĩnh vực công nghệ và AI.
Trong một lưu ý hôm 6.4, các nhà phân tích của Jefferies cho biết thuế quan và những bất ổn kinh tế vĩ mô liên quan giống như "giấy phép tạm nghỉ miễn phí" để các công ty điều chỉnh lại dự báo theo hướng thận trọng hơn.
"Ước tính thấp hơn nhưng dễ đạt được hơn thường giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư và cuối cùng dẫn đến hiệu suất cổ phiếu tốt hơn", nhóm phân tích của Jefferies cho hay.
Các nhà phân tích của Jefferies đã hạ dự báo với 29 hãng công nghệ, gồm cả Meta Platforms, Microsoft, Google và Amazon. Họ hạ mục tiêu giá cổ phiếu Meta Platforms (công ty mẹ Facebook, Instagram) lần thứ hai trong vòng 10 ngày, từ 725 USD xuống còn 600 USD, giảm 17%. Cổ phiếu Meta Platforms đang ở mức 504 USD, giảm 10% trong 5 ngày gần đây.
Các nhà phân tích của Jefferies hạ dự báo lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu của Meta Platforms năm 2025 đến 13%.
Mục tiêu giá là ước tính giá trị cổ phiếu mà nhà phân tích cho rằng hợp lý. Còn lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) là chỉ số quan trọng để đánh giá khả năng sinh lời và sức khỏe tài chính của một công ty.
Các nhà phân tích của Jefferies hạ mục tiêu giá cổ phiếu Microsoft 5%, từ 500 USD xuống còn 475 USD. Cổ phiếu Microsoft đang ở mức 360 USD, giảm 3,5% trong 5 ngày gần đây.
Các nhà phân tích thuộc Jefferies đã hạ ước tính EPS năm 2025 cho Google và Amazon lần lượt là 2% và 1%, nhưng không thay đổi mục tiêu giá cổ phiếu hai gã khổng lồ công nghệ Mỹ này.

Giá cổ phiếu các hãng công nghệ lớn đều giảm mạnh sau khi Tổng thống Trump áp thuế đối ứng với hầu hết quốc gia trên thế giới - Ảnh: Getty Images
Meta Platforms và Amazon có một phần lớn doanh thu đến từ các nhà quảng cáo Trung Quốc nhắm tới người tiêu dùng Mỹ. Các chuyên gia tiếp thị nói với trang Insider rằng thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc có thể khiến họ tạm ngừng quảng cáo tại Mỹ.
"Với các hãng công nghệ, quý 2/2025 có khả năng là giai đoạn đỉnh điểm sự bất ổn, sau đó là nửa cuối năm có triển vọng tích cực hơn khi kỳ vọng được điều chỉnh và có thêm sự rõ ràng về rủi ro vĩ mô lẫn thuế quan", các nhà phân tích của Jefferies viết.
Thị trường chao đảo
Các nhà phân tích của Jefferies không phải là những người duy nhất điều chỉnh kỳ vọng. Các doanh nghiệp từ Target đến Best Buy đến Ferrari đều cho biết sẽ tăng giá để ứng phó với việc tăng thuế nhập khẩu.
Tuần trước, Tổng thống Trump đã công bố thuế quan đối ứng với hầu hết quốc gia trên thế giới. Trong số đó có cả các trung tâm sản xuất và nguyên liệu thô lớn, gồm mức thuế đối ứng với Trung Quốc là 34%, 26% với Ấn Độ và 32% với Indonesia. Hôm 4.4, Trung Quốc đã đáp trả bằng cách áp thuế 34% với tất cả hàng nhập khẩu của Mỹ từ ngày 10.4.
Cơn hoảng loạn về chiến tranh thương mại lan rộng ra thị trường và chứng khoán Mỹ đã phải chịu mức lỗ trong một ngày tồi tệ nhất kể từ năm 2020 vào tuần trước. Khi thị trường đóng cửa hôm 4.4, S&P 500 giảm 6%, Dow Jones giảm 5,5% và Nasdaq composite giảm 5,8%. Hợp đồng tương lai Dow Jones giảm 2,5% vào đêm 6.4, báo hiệu một phiên giao dịch thảm hại khác trong tuần này.
1. S&P 500 là một chỉ số chứng khoán quan trọng của Mỹ, đại diện cho 500 công ty đại chúng lớn nhất đang niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ như NYSE (Sở giao dịch chứng khoán New York) và NASDAQ.
Nó được xem là chỉ số đại diện tốt nhất cho toàn bộ nền kinh tế Mỹ vì bao gồm các công ty thuộc nhiều ngành nghề khác nhau như công nghệ, tài chính, y tế, năng lượng, tiêu dùng,...
Một số công ty nổi bật trong S&P 500 có thể kể đến Apple, Microsoft, Amazon, Alphabet, Nvidia, Meta Platforms, Tesla..
Khi nói thị trường tăng hay giảm, họ thường đang nói đến chỉ số S&P 500 vì nó phản ánh khá chính xác sức khỏe của thị trường chứng khoán Mỹ nói chung.
2. Dow Jones là một trong những chỉ số chứng khoán lâu đời và nổi tiếng nhất thế giới. Dow Jones là thước đo sức khỏe tổng thể của nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là các tập đoàn lớn và ổn định, được theo dõi rộng rãi trên toàn thế giới và thường xuất hiện trên các bản tin tài chính.
3. Nasdaq Composite là một trong những chỉ số chứng khoán quan trọng nhất tại Mỹ, đại diện cho hiệu suất của hơn 3.000 công ty được niêm yết trên sàn Nasdaq. Đây là chỉ số có trọng số vốn hóa thị trường, chủ yếu tập trung vào các hãng công nghệ, bao gồm những gã khổng lồ như Apple, Microsoft, Amazon, Alphabet (công ty mẹ Google), Nvidia, Tesla, Meta Platforms.
Đặc điểm chính của Nasdaq Composite:
- Tập trung vào công nghệ: Khác với chỉ số S&P 500 hay Dow Jones, Nasdaq Composite có tỷ trọng lớn từ các công ty công nghệ và tăng trưởng nhanh.
- Vốn hóa thị trường lớn: Các công ty trong Nasdaq thường có vốn hóa cao và ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính toàn cầu.
- Tính biến động cao: Do tập trung nhiều vào công ty công nghệ, Nasdaq Composite thường có biến động mạnh hơn so với S&P 500 hay Dow Jones.
4. Hợp đồng tương lai Dow Jones là công cụ tài chính cho phép các nhà đầu tư dự đoán và đặt cược vào biến động của chỉ số Dow Jones trong tương lai.
Hôm 7.4, cổ phiếu châu Á lao dốc. Nikkei của Nhật Bản giảm 6,5%, Kospi của Hàn Quốc giảm 4,5%. Hang Seng của Hồng Kông (Trung Quốc) nằm trong số những chỉ số bị ảnh hưởng nặng nề nhất và giảm 9,9% vào cuối buổi sáng nay.
1. Nikkei là một trong những chỉ số chứng khoán quan trọng nhất của Nhật Bản, tương tự như Dow Jones ở Mỹ, phản ánh sức khỏe nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, được giới đầu tư quốc tế sử dụng để theo dõi biến động thị trường châu Á.
2. KOSPI là chỉ số chứng khoán chính của Hàn Quốc, đại diện cho tất cả cổ phiếu phổ thông được giao dịch trên Sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc, tương đương S&P 500 ở Mỹ. Nó là thước đo sức khỏe kinh tế và thị trường tài chính Hàn Quốc.
3. Hang Seng là chỉ số thị trường chứng khoán chính của Hồng Kông. Nó theo dõi và phản ánh hiệu suất của các công ty lớn nhất và có tính thanh khoản cao nhất được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông.
"Chưa bao giờ một giờ phát biểu của Tổng thống (hôm 2.4) lại khiến nhiều người mất mát như vậy. Ước tính thiệt hại do chính sách thuế hiện đã gần chạm mức 30.000 tỉ USD", Larry Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, viết trên mạng xã hội X hôm 3.4.