JLL 'hiến kế' đưa mô hình khu công nghiệp sinh thái vào thực tế

Rào cản để đưa mô hình khu công nghiệp sinh thái vào thực tế trên diện rộng còn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, JLL đã chỉ ra các biện pháp phải được thực hiện ngay mà không thể trì hoãn thêm.

Động lực chính thúc đẩy xanh hóa

Trong báo cáo tại Diễn đàn Bất động sản Công nghiệp Việt Nam 2024 do Báo Đầu tư tổ chức chiều 30/7, JLL Việt Nam cho biết, có nhiều động lực thúc đẩy xanh hóa trong phát triển bất động sản công nghiệp.

Trên thế giới, thân thiện với môi trường trở nên cần thiết khi người tiêu dùng dần cân nhắc hơn đến việc tác động đến môi trường. Do đó, các doanh nghiệp hiện nay sẽ phải thể hiện rõ rệt những đóng góp của họ trong việc làm cho thế giới thành một nơi bền vững hơn và giải quyết các vấn đề lâu dài như biến đổi khí hậu và mất cân bằng sinh thái.

Ở châu Âu, Liên minh châu Âu bắt đầu áp dụng chi phí phát thải carbon đối với hàng hóa nhập khẩu vào năm 2023. Điều này bao gồm các ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng, tài nguyên và nguy cơ gây ô nhiễm cao như xi măng, thép, nhôm, nhà máy lọc dầu, giấy, thủy tinh, hóa chất, phân bón ... và dự kiến tương lai sẽ mở rộng quy định này cho nhiều ngành khác.

Ở Việt Nam, nước ta đang nỗ lực chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn dựa trên ba trụ cột chính, bao gồm thiết kế và kéo dài tuổi thọ vật liệu, giảm chất thải và khí thải cũng như khôi phục hệ sinh thái. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tuyên bố phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 - “Net zero carbon” vào 2050 tại COP26.

Tính đến 2024, Việt Nam đã và đang làm việc với các tổ chức Quốc tế để đẩy nhanh việc hoàn thiện lộ trình hướng tới nền kinh tế Trung hòa Carbon năm 2050. Trong đó các nhóm hành động chính được đề xuất bao gồm: tăng tỷ lệ năng lượng được sản xuất/tiêu thụ từ các nguồn tái tạo; sử dụng năng lượng hiệu quả; chuyển đổi sang sử dụng phương tiện công cộng, phương tiện sử dụng năng lượng điện.

Trong tiến trình xanh hóa, thị trường công nghiệp đang dẫn đầu trong việc đạt được các chứng nhận công trình xanh trong mọi khâu từ phát triển bất động sản đến vận hành và sản xuất.

Đáng chú ý, đã có một vài chủ đầu tư trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp tham gia vào chương trình thí điểm mô hình khu công nghiệp sinh thái do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) hợp tác để hỗ trợ chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang mô hình này, trong số đó có Amata (Amata City Biên Hòa) và DeepC (KCN Đình Vũ Hải Phòng).

Nhận diện rào cản, hành động kịp thời

Từ các dự án thí điểm của Amata và DeepC, JLL chỉ ra rào cản để đưa mô hình khu công nghiệp sinh thái vào thực tế trên diện rộng còn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Khó khăn đầu tiên là thiếu lộ trình triển khai toàn diện và khung pháp lý hỗ trợ.

JLL chỉ ra có nhiều vấn đề pháp lý về việc hình thành, phát triển khu công nghiệp sinh thái, chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái, thiếu những quy định cụ thể. Hệ thống pháp luật liên quan đến khu công nghiệp sinh thái vẫn chưa được đầy đủ, đồng bộ. Các yêu cầu về khu công nghiệp xanh - thông minh được cho là vẫn còn rải rác trong nhiều bộ luật, quy định khác nhau nên việc thực hiện còn phức tạp và khó khăn.

Bên cạnh đó, quy chuẩn hướng dẫn về tuần hoàn, tái sử dụng chất thải chưa được quy định rõ. Có sự chồng chéo và nhầm lẫn giữa các cơ quan và các ngành về các quy định quản lý việc sử dụng lại chất thải công nghiệp. Luật pháp quy định rằng chất thải phải được quản lý bởi các đơn vị chuyên môn thay vì trở thành nguyên liệu thô cho các nhà máy lân cận. Ngoài ra là thiếu giấy phép cho các doanh nghiệp tái sử dụng hoặc kinh doanh nước thải đã xử lý.

Khó khăn thứ hai là thiếu động lực tài chính hoặc lợi ích tài chính chưa thể hiện rõ.

JLL cho rằng, Việt Nam chưa có chính sách hỗ trợ về thuế thu nhập cho các doanh nghiệp đã đạt được chứng nhận doanh nghiệp sinh thái, cũng như những chính sách về thuế đối với nhà phát triển hạ tầng để khuyến khích triển khai, xây dựng khu công nghiệp đạt chứng nhận khu công nghiệp sinh thái.

Việc thiếu hụt ưu đãi tài chính cũng chưa tạo đủ động lực cho các nhà phát triển trong việc theo đuổi các sáng kiến có lợi cho môi trường.

Từ những phân tích trên, các nhà phân tích của JLL đánh giá, Việt Nam đang ở ngã rẽ quan trọng trong tiến trình phát triển. Để đạt được hoài bão xanh, JLL chỉ ra các biện pháp phải được thực hiện không thể trì hoãn thêm.

Về khung pháp lý, Việt Nam cần đẩy nhanh việc phát triển một lộ trình rõ ràng để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 bằng cách hợp tác hiệu quả với các cố vấn hoặc quốc tế như UNIDO và Chính phủ Thụy Sĩ. Theo sau đó cần có các phương án, các kế hoạch triển khai và hướng dẫn rõ ràng cụ thể, dễ tiếp cận cho tất cả các bên liên quan. Điều này yêu cầu sự chú trọng trong giai đoạn đầu thực hiện và cũng là giai đoạn quan trọng nhất.

Chính phủ cần nhanh chóng thiết lập các quy định để hướng dẫn thực hiện các cơ chế trao đổi và bù đắp tín dụng carbon, cũng như các quy định liên quan đến đấu giá, chuyển nhượng và trao đổi các định mức khí thải nhà kính (GHG).

Về ưu đãi tài chính và tài chính xanh, cần thúc đẩy thị trường tài chính xanh và tạo điều kiện để chủ đầu tư dễ dàng tiếp cận các lựa chọn tài chính xanh; cung cấp các ưu đãi và hỗ trợ tài chính cụ thể cho công nghệ xanh là những bước quan trọng hướng tới quá trình chuyển đổi này.

Ngoài ra, các nhà phát triển và nhà đầu tư cần khám phá và tích hợp các yếu tố bền vững vào tất cả các dự án để sẵn sàng cho những thay đổi mới trong yêu cầu phát triển khi Việt Nam cố gắng đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Còn các đơn vị bao gồm cả tổ chức công và tư nhân cần tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về phát triển bền vững và các sáng kiến giảm phát khí thải. Đồng thời, khuyến khích tất cả các bên liên quan chú ý và xem xét các khía cạnh bền vững của mọi hoạt động.

Hồng Ân

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/jll-hien-ke-dua-mo-hinh-khu-cong-nghiep-sinh-thai-vao-thuc-te-post350456.html