Joe Biden gợi ý tạo ra sáng kiến để cạnh tranh với Vành đai và Con đường của Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đã đề nghị các nước dân chủ hợp tác với nhau để tài trợ cho cơ sở hạ tầng ở các nước kém phát triển hơn trong cuộc gọi với Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Hôm thứ Năm (25/3), Tổng thống Biden cho biết ông sẽ ngăn Trung Quốc vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, cam kết đầu tư mạnh mẽ để đảm bảo Mỹ giành ưu thế trong cuộc cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới - Ảnh: Kevin Lamarque / Reuters

Bài liên quan

Tổng thống Biden mời Nga và Trung Quốc tham dự Hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu

Joe Biden dọa Triều Tiên, buộc Trung Quốc tuân theo luật trong lần đầu họp báo

Hướng dẫn chiến lược an ninh tạm thời: Bí quyết hành động của chính quyền Biden

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden gợi ý với Thủ tướng Anh Boris Johnson trong một cuộc điện đàm hôm thứ Sáu (26/3) rằng, các nước dân chủ nên có kế hoạch cơ sở hạ tầng để cạnh tranh với sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

“Tôi đề nghị rằng chúng ta nên có, về cơ bản, một sáng kiến tương tự, lấy từ các quốc gia dân chủ, giúp đỡ những cộng đồng trên toàn thế giới mà trên thực tế, cần được giúp đỡ”, ông Biden nói.

Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc (BRI) là một kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ đô la do Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2013 liên quan đến các sáng kiến phát triển và đầu tư trải dài từ Đông Á sang Châu Âu.

Dự án sẽ mở rộng đáng kể ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc, gây lo ngại ở Mỹ và các nơi khác.

Nhận xét của Tổng thống Biden được đưa ra sau khi ông cho biết hôm thứ Năm (25/3) rằng ông sẽ ngăn Trung Quốc vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, cam kết đầu tư mạnh mẽ để đảm bảo Mỹ giành ưu thế trong cuộc cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tổng thống Biden có kế hoạch công bố một kế hoạch trị giá hàng tỷ đô la để nâng cấp cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ vào tuần tới. Ông cho biết, điều này sẽ đảm bảo tăng cường đầu tư của Hoa Kỳ vào các công nghệ mới đầy hứa hẹn, chẳng hạn như điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học.

Trong khi bày tỏ quan ngại của mình và tìm cách khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư cho các dự án ở nước ngoài để cạnh tranh với các dự án của BRI, Washington vẫn chưa thể thuyết phục các nước rằng họ có thể đưa ra một giải pháp thay thế cho tầm nhìn kinh tế được nhà nước hậu thuẫn do Bắc Kinh đưa ra theo BRI.

Hơn 100 quốc gia đã ký thỏa thuận với Trung Quốc để hợp tác trong các dự án BRI như đường sắt, cảng, đường cao tốc và các cơ sở hạ tầng khác. Theo cơ sở dữ liệu của Refinitiv, tính đến giữa năm ngoái, hơn 2.600 dự án với chi phí 3,7 nghìn tỷ đô la đã được liên kết với sáng kiến này.

Tuy nhiên, năm ngoái, Trung Quốc cho biết khoảng 20% các dự án BRI đã bị “ảnh hưởng nghiêm trọng” bởi đại dịch virus Corona.

Cũng có sự phản đối với BRI từ các quốc gia đã chỉ trích các dự án là tốn kém và không cần thiết. Bắc Kinh thu hẹp một số kế hoạch sau khi một số quốc gia tìm cách xem xét, hủy bỏ hoặc giảm quy mô các cam kết, với lý do lo ngại về chi phí, xói mòn chủ quyền và tham nhũng.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/joe-biden-goi-y-tao-ra-sang-kien-de-canh-tranh-voi-vanh-dai-va-con-duong-cua-trung-quoc-post125141.html