Joe Biden khơi dậy sự lạc quan với các doanh nghiệp ở trung tâm sản xuất Trung Quốc
Các công ty Trung Quốc tại các trung tâm sản xuất như Quảng Đông nhìn thấy quan hệ thương mại Mỹ - Trung được cải thiện dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden. Biden có khả năng sẽ mang lại môi trường kinh doanh ổn định hơn, nhưng mâu thuẫn song phương dự kiến sẽ vẫn tiếp tục.
Các doanh nhân ở các trung tâm sản xuất của Trung Quốc như Guandong tự tin rằng thương mại sẽ được thúc đẩy dưới thời Joe Biden. Ảnh: AP
Các doanh nhân tại cường quốc sản xuất Trung Quốc tin rằng sự phát triển kinh tế và công nghệ của quốc gia này có thể sẽ tăng vọt trong những năm tới vì Tổng thống Mỹ Joe Biden có khả năng sẽ có lập trường ít đối đầu hơn đối với Trung Quốc.
Theo các doanh nhân và nhà kinh tế, Biden dự kiến sẽ thu hẹp lại phong cách đối kháng vốn là dấu ấn của cựu Tổng thống Donald Trump và áp dụng chiến lược Trung Quốc giống như chiến lược của chính quyền Obama.
Nhiều người tin rằng thương mại sẽ được thúc đẩy dưới thời tổng thống mới và một số mức thuế trong chiến tranh thương mại thậm chí có thể được giảm bớt.
David Wang, người điều hành một công ty tư vấn kinh doanh tại tỉnh Quảng Đông, trung tâm sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc cho biết: “Hầu hết các ông chủ ở Đông Quan không chú ý nhiều đến việc ai là tổng thống Mỹ. Hy vọng duy nhất của họ là chiến tranh thương mại giữa hai nước sẽ không leo thang, bởi vì kinh doanh là quan trọng nhất đối với họ”.
Stone Xie, một nhà kinh doanh vải sofa ở tỉnh Chiết Giang, tỏ ra lạc quan về triển vọng thương mại Mỹ - Trung sau năm 2020 “đặc biệt tốt”.
Bà nói: “Mọi người đều rất bi quan khi cuộc chiến thương mại mới bắt đầu. Nhưng, trên thực tế, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ và ra thế giới tăng trưởng mạnh trong chiến tranh thương mại. Năm ngoái, giá trị sản lượng của nhiều doanh nghiệp Trung Quốc vừa và nhỏ là hơn 100 triệu nhân dân tệ (15,4 triệu USD) trở lên - thực sự là một năm rất tốt”.
Bà cho biết hầu hết các doanh nghiệp nghĩ rằng sẽ có sự phục hồi hơn nữa trong xuất khẩu dưới thời Biden vì thậm chí phải chịu áp lực nặng nề trong năm ngoái nhưng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ vẫn tăng.
Tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc đã tăng lên 4,65 nghìn tỷ USD vào năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 1950, theo số liệu do Tổng cục Hải quan công bố.
Tính theo USD, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 18,1% và nhập khẩu tăng 6,5% so với một năm trước đó - cả hai đều vượt kỳ vọng của các nhà phân tích trong một cuộc khảo sát của Bloomberg.
Một số quan chức chính quyền địa phương và các nhà kinh tế đều đang mang tâm lý tích cực và tin rằng áp lực và các lệnh trừng phạt cực đoan giống như ông Trump sẽ tiêu tan và chính sách của Mỹ sẽ dễ đoán hơn dười thời Tổng thống Biden.
Shen Jianguang, nhà kinh tế trưởng tại JD Digits, chi nhánh fintech của gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com, cho biết mặc dù chính sách của Mỹ nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc có sự đồng thuận giữa các bên, nhưng sẽ có một môi trường kinh doanh ổn định hơn khi căng thẳng giảm bớt.
Shen nói: “Sự không chắc chắn về chính sách sẽ giảm bớt khi Biden sẽ đưa ra một cách tiếp cận rõ ràng khi ông ấy nhậm chức. Biden sẽ xác định ranh giới của cạnh tranh Mỹ-Trung và phạm vi hợp tác.”
Zhao Zheng, một nhà sáng lập start-up công nghệ tại Thâm Quyến từng học và làm việc tại Mỹ cho biết, chính quyền Biden dự kiến sẽ tiếp tục kiểm soát xuất khẩu cứng rắn đối với các công nghệ cốt lõi như công nghệ truyền thông thế hệ tiếp theo, trí tuệ nhân tạo và chất bán dẫn nhân danh an ninh quốc gia, đồng thời thúc đẩy công nghệ và tiêu chuẩn của Mỹ ra toàn cầu.
Trong các lĩnh vực công nghệ khác, đặc biệt là những lĩnh vực phụ thuộc vào thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc, việc trao đổi nhân sự và đầu tư song phương dự kiến sẽ tiếp tục.
Zhao nói: “Chinh sách tách rời công nghệ do Donald Trump khởi xướng đã thực sự gây tổn hại cho các công ty công nghệ lớn của Mỹ bởi vì Trung Quốc phụ thuộc vào công nghệ tiên tiến của Mỹ trong nhiều lĩnh vực và các công ty Mỹ cần thị trường lớn của Trung Quốc”.
“Trong những năm trước, nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ của Trung Quốc ở Thâm Quyến rất háo hức và phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, đặc biệt là từ Mỹ, nhưng tương lai sẽ được định hướng nhiều hơn vào các chiến lược công nghệ của Bắc Kinh.”
“Trong các lĩnh vực mà chính phủ Trung Quốc muốn đột phá, chính quyền trung ương và địa phương sẽ đổ một lượng tiền khổng lồ vào R & D và hỗ trợ mạnh mẽ điều này bằng việc nới lỏng định lượng. Những gã khổng lồ công nghệ hoặc các công ty khởi nghiệp nên đón đầu xu hướng ”.
Đối với các công ty Trung Quốc, thậm chí có thể có cơ hội trong những năm tới để đầu tư ra nước ngoài.
Tổng cộng 630 công ty - đứng đầu là các công ty liên quan đến người tiêu dùng - đã tuyên bố phá sản vào năm 2020, con số cao nhất kể từ năm 2010, theo phân tích của S&P Global Market Intelligence.
Do đó, bây giờ sẽ là thời điểm thích hợp để vốn Trung Quốc được tập trung vào các hoạt động mua bán và sáp nhập, đặc biệt là khi đồng nhân dân tệ tăng giá và Trung Quốc đã điều chỉnh các đánh giá bảo mật vĩ mô để tạo điều kiện cho tài chính xuyên biên giới.