Joel Quispe - kẻ làm tiền giả thật nhất

Ngày 3/9/2013, cảnh sát Peru bắt giữ một cậu bé 13 tuổi ở ngoại ô thủ đô Lima khi cậu đang đi bộ, trên vai là chiếc bao tải cũ kỹ. Tiến hành kiểm tra vì nghi ngờ cậu bé vận chuyển cocain nhưng lúc mở bao, họ sững người khi nhìn thấy hàng bó những tờ 100 USD mới tinh.

Kết quả kiểm đếm cho thấy trong bao có 700.000 USD nhưng qua phân tích, tất cả đều là tiền giả ngoại trừ giấy in tiền là giấy thật! Từ vụ việc này, cảnh sát Peru phối hợp với Cục Điều tra liên bang Mỹ FBI đã tìm ra Joel Quispe, kẻ được mệnh danh là “ kẻ làm tiền giả thật nhất”…

1. Việc bắt cậu bé 13 tuổi với 700.000 USD tiền giả đã đặt cảnh sát Peru trước một thách thức mới bởi lẽ từ năm 2010 đến giữa 2013, 103 triệu USD giả “made in Peru” đã bị thu giữ. Tất cả đều sử dụng kỹ thuật in phun, thực hiện bởi những máy móc tối tân. Cũng vì thế, năm 2012 Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã chính thức mở văn phòng tại thủ đô Lima để đối phó với các tổ chức làm tiền giả. Đại tá Segundo Portocarrero, trưởng bộ phận chống gian lận tài chính, cảnh sát Peru cho biết nhược điểm duy nhất của những đồng tiền giả xuất hiện ở Peru từ 2013 trở về trước là chất lượng giấy. Ông nói: “Theo quy định của Bộ Tài chính Mỹ, các tờ USD - từ 1 đồng đến 100 đồng đều được in bằng loại giấy gồm sợi cotton pha lẫn sợi lanh theo một tỉ lệ nhất định, bọn làm tiền giả không bắt chước được. Tuy nhiên với 700.000 USD vừa bị tịch thu, tất cả đều là giấy in tiền thật”.

Các công đoạn chụp ảnh, làm âm bản, chế bản tờ 100 USD thu được từ xưởng in của Joel Nique Quispe.

Các công đoạn chụp ảnh, làm âm bản, chế bản tờ 100 USD thu được từ xưởng in của Joel Nique Quispe.

Tiến hành điều tra cậu bé, cậu cho biết có người đã thuê cậu giao cho một người khác với tiền công 20 USD nhưng cậu không biết trong bao đựng cái gì. Địa điểm giao nhận là một ngôi nhà ở ngoại ô Lima. Đại tá Segundo Portocarrero nói: “Trao đổi với ông Richard Taylor, người đứng đầu văn phòng FBI ở Lima, chúng tôi quyết định giữ bí mật vụ bắt giữ và vẫn để cậu bé thực hiện việc giao hàng dưới sự giám sát chặt chẽ của các đặc vụ đồng thời tiến hành biện pháp nghi binh”. Vì thế chỉ đến khi kẻ nhận 700.000 USD từ cậu bé và khi kẻ này vượt biên giới Peru vào Colombia với 700.000 USD tiền giả ngụỵ trang bằng những thùng đựng chuối, hắn mới bị cảnh sát Colombia còng tay rồi trao trả cho Peru theo thỏa thuận giữa hai quốc gia trong lĩnh vực chống buôn lậu tiền giả.

Với người giao hàng, vẫn theo khai báo của cậu bé, cảnh sát Peru biết anh ta làm việc tại công ty in ấn tư nhân Los Nique. Chủ công ty này là Joel Nique Quispe. Phải mất gần nửa năm sau khi cài cắm được người vào nhà in, kỹ thuật làm tiền giả của Joel Nique Quispe mới bị phát hiện. Đại tá Segundo Portocarrero nói: “Công ty Los Nique ra đời năm 2008, chuyên về in ấn pa nô, áp phích, tờ rơi, quảng cáo cho một số loại sản phẩm dân dụng lẫn công nghiệp. Hệ thống máy in, máy khắc bản kẽm quang học, thiết bị chế bản của họ đều nhập từ nước ngoài và là những loại mới nhất, tiên tiến nhất. Từ Công ty Los Nique, chúng tôi phát hiện thêm 3 công ty nữa cũng ở thủ đô Lima, chuyên làm tiền giả”. Ông Richard Taylor, người đứng đầu văn phòng FBI ở Lima nói thêm: “Cả 4 công ty này là nơi sản xuất USD giả hàng đầu thế giới”.

Việc làm USD giả ở Công ty Los Nique khởi sự bằng những nhóm thu mua những tờ 1, 2 USD thật ngoài thị trường cùng những tờ 10 Bolivar của Venezuela vì 2 loại tiền này có cấu tạo giấy gần giống như nhau. Tiếp theo, tiền được ngâm trong một dung dịch đặc biệt để tẩy trắng. Và bởi vì trong quá trình tẩy trắng, bề mặt của tờ USD sẽ mất đi phần nào độ nhám khi vuốt đầu ngón tay vào nên Joel Nique Quispe đã dùng bột mì trộn keo, tráng lên tờ tiền. Khi nó đã khô, bề mặt của nó có độ gợn y như tiền thật. Đại tá Segundo Portocarrero nói do đã trộn keo nên nếu tay của người cầm tiền bị ướt, bột mì không thể loang ra.

Cũng trong quá trình tẩy trắng, giải băng bảo hiểm nằm suốt chiều dọc của tờ 1 hoặc 2 USD sẽ được rút ra rồi thay vào đó là giải băng tương ứng với tờ tiền mệnh giá 100 USD. Tất cả đều được làm thủ công với một cây kim nhỏ. Urcia Bernabe, sĩ quan cảnh sát Peru với kinh nghiệm của 20 năm chống tiền giả cho biết: “Họ thực hiện khéo léo đến nỗi khi hoàn thành và sau khi tờ tiền giả được ép lại bằng hơi nóng, có soi dưới kính lúp cũng không phát hiện được”.

Đến công đoạn thứ hai, tất cả những tờ USD thật đều có in chìm mệnh giá của đồng tiền, là một hàng chữ nhỏ xíu chỉ nhìn thấy nếu soi bằng đèn cực tím. Báo cáo của đặc vụ chìm nằm trong nhà in cho thấy người của Joel Nique Quispe sửa chữa những con số này bằng tay: “Chỉ sau vài phút, dòng chữ USA ONE hoặc USA TWO sẽ biến hành USA HUNDRES”.

Với đồng 10 Bolivia của Venezuela, lúc đã hoàn tất quá trình tẩy trắng, chân dung của Guaicaipuro, một thủ lĩnh bản địa người Venezuela sẽ được được thay bằng hình của Tổng thống Mỹ Benjamin Franklin bằng cách sử dụng phần mềm Corel Draw trước khi chuyển cho bộ phận quang khắc, thực hiện trên những tấm kim loại rồi đem đi in. Và bởi vì tờ 10 Bolivia có giải băng bảo hiểm màu hoa cà trong lúc giải băng bảo hiểm của 100 USD lại là màu đỏ và xanh lam nên nó cũng được thay thế. Nhân viên đặc vụ nằm trong nhà in Công ty Los Nique cho biết Joel Nique Quispe là bậc thầy làm tiền giả. Chỉ với 12 người gồm 2 phụ trách tẩy trằng, 1 chế bản, 1 đứng máy in, 2 thay thế giải băng bảo hiểm, 2 sửa chữa mệnh giá in chìm, 2 cắt xén và 2 đóng gói, cứ mỗi tuần họ cho ra 5 triệu USD tiền giả. Cứ 100.000 USD tiền giả, người mua phải trả cho Joel Nique Quispe 20.000 USD tiền thật nếu là khách quen hoặc 25.000 nếu mới mua lần đầu trong lúc chi phí bỏ ra để làm 1 tờ 100 USD chỉ là 3 USD. Với tờ 10 Bolivia, nó còn rẻ hơn nữa bởi 10 tờ 10 Bolivia mới bằng 1 USD!

Đại tá Segundo Portocarrero và những tờ 100 USD giả.

Đại tá Segundo Portocarrero và những tờ 100 USD giả.

2. Khi những tờ tiền giả đã hoàn tất, thị trường tiêu thụ lớn nhất của Joel Nique Quispe và của những băng nhóm làm tiền giả khác vẫn là nước Mỹ nhưng trước đó, nó được đưa sang Colombia, Mexico, Venezuela, Chile, Uruguay, Ecuador…, để “rửa”. Hình thức rửa tiền thông dụng nhất là qua những thương vụ mua bán giữa các băng nhóm xã hội đen, USD giả sẽ được chuyển từ công ty này sang công ty khác với tỉ lệ chiết khấu 2% cho đến khi nó trở nên cũ. Và bởi vì quy định của Hải quan Mỹ cho phép mỗi người được mang không quá 10.000 USD khi nhập cảnh Mỹ nên Joel Nique Quispe có sẵn một đội quân, tiếng lóng gọi là “chim tha mồi”, hàng ngày mang USD giả qua cửa khẩu với tiền công 100 USD cho mỗi chuyến đi. Sau đó, nó sẽ được giao cho các băng nhóm chuyên tiêu thụ tiền giả trên đất Mỹ. Ông Richard Taylor, người đứng đầu văn phòng FBI ở Lima nói: “Nếu kẻ mang tiền giả không mua hàng ở những cửa hàng miễn thuế thì chẳng ai kiểm tra. Hải quan Mỹ chỉ làm việc trong trường hợp khách nhập cảnh mang hơn 10.000 USD mà không khai báo”.

Tuy nhiên, “chim tha mồi” chỉ là một góc nhỏ trong việc đưa tiền giả vào Mỹ. Bằng cách sử dụng máy bay, tàu biển, xe container chở hàng, các băng nhóm sau khi mua USD giả từ Joel Nique Quispe có trăm phương nghìn kế để qua mặt các cơ quan chức năng Mỹ. Walter, đặc vụ FBI cho biết chỉ riêng năm 2009, phía Mỹ đã thu được 75 triệu USD tiền giả ngay trong nội địa, tất cả đều là tờ 100 USD, được làm từ một số quốc gia nhưng đó là con số bắt được, còn số “lọt lưới” chắc chắn sẽ nhiều hơn. Don Brewer, người đã có 26 năm làm việc ở FBI và là người đứng đầu bộ phận chống tiền giả của cơ quan này cho biết: “Tại Mỹ và phần lớn châu Âu, việc mua bán, sử dụng máy in offset được các đơn vị chống tiền giả theo dõi rất chặt chẽ. Tuy nhiên ở Peru, máy in offset có thể mua bất cứ lúc nào mà chẳng ai kiểm soát. Chả thế mà ở Lima, bạn dễ dàng mua hộ chiếu giả, bằng lái xe giả, bằng đại học giả, giấy tờ nhà giả và bây giờ là tiền giả”.

Vẫn theo Don Brewer, một trong những nghề kiếm tiền nhiều nhất ở Peru là thợ sửa bản in. Sau khi chụp ảnh tờ 100 USD thật rồi chuyển sang âm bản, nó thường không giữ được hết những chi tiết nhỏ trên tờ tiền nên thợ phải chỉnh lại bằng tay. Ông nói: “Trong vụ đột kích vào xưởng in tiền giả của Joel Nique Quispe, chúng tôi đã thu giữ những âm bản của tờ 100 USD, được phóng lớn với kích thước 50cm để thợ sửa bản in có thể nhìn thấy rõ…”.

Tháng 9/2014, sau khi đã có đủ chứng cứ, cảnh sát Peru phối hợp với Văn phòng FBI ở Lima ập vào xưởng in Los Nique, ông chủ Joel Nique Quispe bị bắt cùng với 18 người khác. Richard Taylor, người đứng đầu văn phòng FBI ở Lima cho biết ông rất kinh ngạc trước quy mô làm tiền giả của Joel Nique Quispe: “Với hy vọng ngăn chặn những kẻ làm tiền giả, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra một loạt các thiết kế với tờ 100 USD, bao gồm bổ sung các tính năng, cả công khai lẫn bí mật để nó khó sao chép, chẳng hạn như ảnh 3 chiều, mực nổi, giải băng bảo mật… Tuy nhiên tại xưởng in của Joel Nique Quispe, tất cả những bản khắc quang học của tờ 100USD đều có những tính năng này”.

Cuối năm 2015, Joel Nique Quispe ra tòa với tội danh làm tiền giả. Theo các công tố viên Peru, hành vi của ông ta là “làm giả tiền của một quốc gia khác chứ không làm giả đồng Nuevo Sol của Peru” nên Joel Nique Quispe chỉ bị phạt tù 12 năm nhưng khi mãn án, Joel Nique Quispe còn phải đối mặt với lệnh dẫn độ sang Mỹ. Tại đó, cho dù Joel Nique Quispe có thỏa thuận nhận tội chăng nữa, mức án dành cho ông ta chí ít cũng 10 năm.

Thay đổi giải băng bảo hiểm của tờ 100 USD chỉ bằng 1 cây kim.

Thay đổi giải băng bảo hiểm của tờ 100 USD chỉ bằng 1 cây kim.

3. Không lâu sau khi Joel Nique Quispe bị bắt, các nhà máy in tiền ở Mỹ đã sử dụng loại mực từ tính công nghệ cao vào tờ 100 USD, cho phép các máy đếm tiền ở các ngân hàng, siêu thị, các cơ sở kinh doanh dễ dàng phát hiện tiền thật và tiền giả. Vì thế, qua theo dõi của Văn phòng FBI Lima, làn sóng tiền giả ở Peru có vẻ như đang quay lại cấp độ bán lẻ trên đường phố, chủ yếu là tờ 20, 50 USD. Đại tá Segundo Portocarrero, trưởng bộ phận chống gian lận của cảnh sát Peru nói: “Bọn làm tiền giả chắc chắn sẽ không bỏ cuộc bởi lẽ nếu so với buôn bán cocain, làm tiền giả mang lại lợi nhuận nhiều hơn vì sản xuất cocaine chi phí cao hơn, vận chuyển cũng phức tạp hơn và hình phạt nếu bị bắt cũng nặng hơn…”.

Theo số liệu của Ngân hàng trung ương Mỹ, hiện tại tổng lượng tiền giấy USD đang lưu hành trên toàn thế giới đã vượt quá 500 tỷ, trong đó khoảng 250 đến 350 tỷ được giao dịch bên ngoài nước Mỹ, chiếm gần hoặc hơn 50%. Riêng với tiền giả, FBI đánh giá vào khoảng 100 đến 120 tỉ, chủ yếu vẫn là tờ 100 USD. Kể từ khi Bộ Tài chính Mỹ đưa vào sử dụng những kỹ thuật mới như giải băng bảo mật 3D, mực chuyển màu, ảnh 3D nhỏ chuyển động khi xoay tờ tiền, thông điệp ẩn trên cổ áo của hình Tổng thống Ben Franklin, hình chiếc chuông Tự do đổi từ màu đồng sang màu xanh khi nghiêng tờ tiền…, thì những vụ làm giả có giảm nhưng chưa biết nó sẽ giảm được chừng nào. Ông Don Brewer, người đứng đầu bộ phận chống tiền giả của FBI nửa đùa nửa thật: “Mỗi khi có thiết kế mới trên tờ 100 USD xuất hiện, chúng tôi thường tổ chức những buổi thảo luận mà trong đó, câu hỏi luôn được đặt ra là “bao lâu nữa nó sẽ lại bị làm giả?”.

Vũ Cao (Theo Latin America Today)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/joel-quispe-ke-lam-tien-gia-that-nhat-i734502/