Jordan, Ai Cập và LHQ đồng tổ chức hội nghị khẩn cấp về Gaza

Nguồn tin khu vực cho biết Ai Cập và Jordan, LHQ sẽ đồng tổ chức một hội nghị quốc tế khẩn cấp vào ngày 11/6 để tìm kiếm giải pháp ứng phó cho cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay ở Dải Gaza.

Xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo tại Dải Gaza ngày 21/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo tại Dải Gaza ngày 21/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Các nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu các chính phủ, cũng như các tổ chức nhân đạo và cứu trợ quốc tế sẽ tham dự hội nghị trên theo lời mời của Quốc vương Jordan Abdullah II, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres.

Hội nghị được tổ chức nhằm tìm cách tăng cường nỗ lực ứng phó của cộng đồng quốc tế đối với thảm họa nhân đạo đang bủa vây cuộc sống của khoảng 2,3 triệu người Palestine tại Dải Gaza, cũng như đảm bảo về phản ứng phối hợp tập thể trong giải quyết tình hình nhân đạo ở dải đất ven Địa Trung Hải này.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng hướng tới việc xác định các biện pháp và thủ tục để giải quyết hiệu quả các nhu cầu của người dân Gaza. Theo thống kê, kể từ khi nổ ra xung đột Hamas - Israel ngày 7/10/2023 tới nay, đã có hơn 36.280 người Palestine thiệt mạng và hơn 80.000 người khác bị thương, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Việc Israel phong tỏa hầu hết nguồn cung cấp lương thực, nước sinh hoạt và nhiên liệu cho Gaza đã gây ra tình trạng gần như nạn đói tại dải đất này. Cuộc tấn công trên bộ của Israel vào TP Rafah từ đầu tháng trước càng làm trầm trọng thêm các điều kiện nhân đạo ở Gaza.

Cho đến nay, đã có hơn 800.000 người trong tổng số khoảng 1,3 triệu người tị nạn ở Rafah tiếp tục phải di dời chỗ ở. Trong khi đó, các hoạt động vận chuyển hàng cứu trợ vào Rafah nói riêng và Gaza nói chung đã bị thu hẹp đáng kể sau khi cửa khẩu nối giữa Rafah và Ai Cập bị đóng lại do các cuộc tấn công của Israel.

Không có xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo nào đi qua cửa khẩu này để vào Gaza kể từ đầu tháng 5 tới nay.

Cùng ngày 31/5, LHQ cảnh báo hàng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza đang không được chuyển tới những người có nhu cầu, đồng thời hối thúc Israel thực thi trách nhiệm pháp lý trong vấn đề này.

Người phát ngôn của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) Jens Laerke nhấn mạnh vấn đề chính hiện nay là hàng viện trợ đang không tới tay của người dân.

Ông đã nêu bật vai trò của giới chức Israel tại cửa khẩu Kerem Shalom - điểm tiếp nhận hàng viện trợ chính vào Gaza, kể từ khi quân đội Israel chặn cửa khẩu Rafah giữa Ai Cập và Gaza vào ngày 7/5 vừa qua. Ông kêu gọi Israel thực thi trách nhiệm pháp lý, tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng viện trợ qua biên giới.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo tình hình nhân đạo tại Gaza vẫn đang rất thảm khốc, đặc biệt là việc vận chuyển hàng cứu trợ tới người dân. Phát biểu tại họp báo ở Prague (Czech), ông Blinken nhận định việc cửa khẩu Rafah vẫn bị đóng là vấn đề rất lớn, đồng thời khẳng định Mỹ đang nỗ lực để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân tại Gaza.

Liên quan tới tình hình xung đột, quân đội Israel xác nhận các lực lượng nước này đang đẩy mạnh hoạt động tại khu vực trung tâm của Rafah. Trong chiến dịch, các binh sĩ đã phát hiện các bệ phóng rocket, đường hầm, phá bỏ kho vũ khí của phong trào Hamas tại trung tâm thành phố.

Israel đã triển khai chiến dịch trên bộ tại Rafah vào ngày 6/5 vừa qua, chủ yếu hoạt động tại các quận phía Đông của thành phố và gần biên giới Ai Cập.

Cùng ngày, quân đội Israel thông báo đã kết thúc các hoạt động tại trại tị nạn Jabalia, phía Bắc Gaza. Sau hơn 200 cuộc không kích trong những tuần qua, quân đội đã phá hủy 10km đường hầm và một số cơ sở sản xuất vũ khí, tìm thấy thi thể của 7 con tin. Hiện quân đội Israel đã rút khỏi khu vực này.

Liên quan đến đàm phán thỏa thuận giữa Israel và phong trào Hamas, một quan chức an ninh cấp cao của Israel khẳng định nước này sẽ không chấp nhận một thỏa thuận mà thiếu điều kiện trả tự do cho các con tin.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi phong trào Hamas tuyên bố sẵn sàng đạt được một “thỏa thuận đầy đủ”, bao gồm một thỏa thuận trao đổi con tin-tù nhân toàn diện, nếu Israel dừng cuộc chiến ở Dải Gaza.

Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại Ai Cập dẫn nguồn tin cho biết các quan chức của nước này cùng với Mỹ và Israel dự kiến sẽ có cuộc họp tại Cairo vào tuần tới để thảo luận về việc mở lại cửa khẩu biên giới Rafah ở phía Nam dải Gaza.

Theo lời của giới chức Mỹ, các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào kế hoạch mở lại cửa khẩu biên giới Rafah mà không có sự hiện diện của quân đội Israel ở khu vực này.

Ngoài ra, quan chức ba nước cũng sẽ thảo luận về kế hoạch đảm bảo an ninh ở khu vực biên giới giữa Ai Cập và Gaza.Phái đoàn Mỹ do ông Terry Wolff, Giám đốc cấp cao về Trung Đông tại Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, dẫn đầu dự kiến sẽ đến Ai Cập trong những ngày tới.

Trong khi đó, phái đoàn quan chức an ninh của Israel cũng sẽ đến Cairo để tham gia cuộc họp với các quan chức Mỹ và nước chủ nhà. Cửa khẩu Rafah giữa Gaza với Ai Cập đã bị đóng lại kể từ khi Israel leo thang các hoạt động quân sự tại đây, trong đó có việc triển khai lực lượng tới thành phố này từ hôm 7/5 vừa qua.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 31/5 cho biết Israel đã đưa ra “lộ trình” hướng tới lệnh ngừng bắn toàn diện ở Dải Gaza để đổi lấy hành động trả tự do cho các con tin, đồng thời kêu gọi Hamas chấp thuận đề nghị mới, cho rằng đó là cách tốt nhất để chấm dứt xung đột.

Tổng thống Biden - vốn đang phải đối mặt với nhiều áp lực yêu cầu chấm dứt cuộc xung đột đã bước sang tháng thứ 8 ở Dải Gaza - bày tỏ: “Đây thực sự là thời điểm mang tính quyết định. Đã đến lúc chấm dứt cuộc chiến này, với tiến trình bắt đầu từ ngày 2/6”.

Đề xuất mới được nhà lãnh đạo Mỹ công bố bao gồm 3 giai đoạn, bắt đầu với lệnh ngừng bắn “đầy đủ và toàn diện” kéo dài 6 tuần. Trong khoảng thời gian này, các lực lượng Israel sẽ rút khỏi Gaza và các con tin - bao gồm người cao tuổi, phụ nữ và người bị thương - sẽ được đổi lấy hàng trăm tù nhân Palestine.

Dân thường Palestine sẽ trở về Gaza, trong đó có miền Bắc Gaza, và mỗi ngày sẽ có 600 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo vào vùng lãnh thổ của Palestine. Trong giai đoạn thứ hai, Hamas và Israel sẽ đàm phán các điều khoản nhằm chấm dứt vĩnh viễn tình trạng thù địch. Tổng thống Biden khẳng định lệnh ngừng bắn “sẽ vẫn được duy trì chừng nào tiến trình đàm phán còn tiếp diễn”.

Giai đoạn thứ ba sẽ bao gồm kế hoạch tái thiết lớn dành cho Gaza. Theo ông, đề xuất này đã được Qatar chuyển tới Hamas. Tổng thống Biden đánh giá Hamas hiện “không còn khả năng” tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn khác vào Israel. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng hối thúc những nhân vật ở Israel đang thúc đẩy chiến tranh thay đổi suy nghĩ.

Ông nhận định nhiều người ở Israel “sẽ không đồng ý với kế hoạch này và sẽ kêu gọi tiếp tục chiến tranh vô thời hạn,” trong đó có một số nhân vật “thậm chí còn thuộc liên minh chính phủ… muốn tiếp tục chiến đấu trong nhiều năm và con tin không phải là ưu tiên hàng đầu của họ”. Tổng thống Biden “đã kêu gọi lãnh đạo Israel ủng hộ thỏa thuận này, bất chấp mọi áp lực xảy đến”.

Văn phòng Thủ tướng Israel và Hamas hiện chưa đưa ra bình luận về tuyên bố trên của Tổng thống Mỹ.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/92/317005/jordan-ai-cap-va-lhq-dong-to-chuc-hoi-nghi-khan-cap-ve-gaza.html