JPMorgan: Chứng khoán Đông Nam Á sẽ còn giảm sâu trước khi bật lại

Thị trường chứng khoán Đông Nam Á sẽ có chuyển động tương tự việc nhảy bungee trong năm 2023, đồng nghĩa với việc tiếp tục lao dốc mạnh trước khi hồi lại vào nửa cuối năm 2023.

MSCI ASEAN sẽ còn giảm sâu

Báo cáo mới nhất từ JPMorgan nhận định, thị trường chứng khoán Đông Nam Á sẽ có diễn biến tương tự việc nhảy bungee - giảm rất mạnh với tốc độ nhanh, đồng nghĩa với việc sẽ có thêm các cú sập trước khi chạm tới đáy thực sự. Nguyên nhân xuất phát từ bối cảnh sức mua giảm khi chính sách tiền tệ thắt chặt, tiết kiệm giảm xuống và chi phí vay mượn gia tăng khi lãi suất đi lên.

JPMorgan dự báo, chỉ số MSCI ASEAN sẽ thử lại đáy mới trong năm nay và thậm chí sẽ còn giảm sâu hơn nữa trong nửa đầu năm 2023. Kể từ mức đỉnh gần nhất vào tháng 2/2022 tới nay, chỉ số MSCI ASEAN đã giảm 22%, ngay cả khi đã tăng lại 10% so với đáy vào tháng 10/2022 nhờ kỳ vọng thị trường Trung Quốc mở cửa và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm dần mức tăng lãi suất.

Chỉ số MSCI ASEAN bao gồm 170 cổ phiếu vốn hóa lớn và vừa tại các thị trường ASEAN, bao gồm Singapore, Indonesia, Malaysia, Phiippines, Thái Lan và Việt Nam.

Báo cáo của JPMorgan nhận định, Fed sẽ nâng lãi suất lên mức 5%/năm tính tới tháng 5/2023 và nền kinh tế Mỹ sẽ bước vào suy thoái vào cuối năm tới. Đáng chú ý, diễn biến này chưa được các thị trường chứng khoán phản ánh hết vào giá cho tới khi suy thoái thực sự diễn ra.

Các quốc gia có hoạt động ngoại thương mạnh trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và nhu cầu hàng hóa tiêu dùng yếu đi. Chưa kể, việc Trung Quốc mở cửa trở lại còn nhiều yếu tố khó đoán định.

Ví dụ, nền kinh tế Thái Lan được dự báo sẽ chịu tác động mạnh nhất đối với lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư vốn tư nhân và sản xuất. Theo JPMorgan, tăng trưởng kinh tế Thái Lan sẽ giảm xuống còn 2,7% trong năm 2023, so với dự báo đưa ra trước đó là 3,3%.

Nền kinh tế Singapore cũng sẽ đối diện nhiều khó khăn. Nhu cầu quốc tế suy giảm tiếp tục khiến lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Singapore đi xuống. Bên cạnh đó, việc nước này tăng thuế với hàng hóa và dịch vụ từ 7% lên 8% cũng sẽ làm suy yếu nhu cầu và triển vọng tăng trưởng.

Kỳ vọng thị trường Trung Quốc mở cửa

Đáng chú ý, theo báo cáo của JPMorgan, tác động của việc Trung Quốc mở cửa lại sau chiến dịch chống dịch Covid-19 sẽ không quá tích cực trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy thoái.

“Lợi ích từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại bị ăn mòn bởi suy thoái tại các thị trường phát triển”, chiến lược gia của JPMorgan chia sẻ với CNBC. Trong khi đó, các thị trường Đông Nam Á đang có mối liên hệ mật thiết với các nền kinh tế phát triển, bởi đây là thị trường xuất khẩu và tiêu thụ lớn với các sản phẩm, dịch vụ.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở cửa sẽ thúc đẩy du lịch, tạo ảnh hưởng tích cực. Ví dụ, với nền kinh tế Singapore, du khách Trung Quốc chiếm tỷ trọng 20% lượng khách quốc tế trong năm 2019. Nếu du khách Trung Quốc quay trở lại, các lĩnh vực từng chịu tổn thương lớn như tiêu dùng, nhà hàng, nghỉ dưỡng sẽ hồi phục.

Dù vậy, JPMorgan ước tính, mức độ hồi phục sẽ hạn chế, bởi điều kiện kinh tế hạn hẹp hơn trong bối cảnh suy thoái toàn cầu và mức độ mở cửa của Trung Quốc chưa rõ ràng.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/jpmorgan-chung-khoan-dong-nam-a-se-con-giam-sau-truoc-khi-bat-lai-d179965.html