Kahuzi-Biega: Từ thiên đường thành địa ngục trần gian

Bất kỳ du khách nào ghé thăm đất nước Congo cũng đều muốn một lần đến với Công viên quốc gia Kahuzi-Biega. Khu bảo tồn rộng 600.000 ha này là ngôi nhà của nhiều loài động vật quý hiếm vùng Trung Phi, trong đó nổi tiếng nhất là giống khỉ đột đã được đưa vào sách đỏ. Hiện nay chỉ còn 125 cá thể khỉ đột còn sống tại Kahuzi-Biega. Phần lớn lợi nhuận thu từ hoạt động du lịch sẽ được dành cho việc bảo tồn và nhân giống khỉ đột cùng những loài có nguy cơ tuyệt chủng khác.

Tuy mục tiêu cao cả như vậy nhưng Kahuzi-Biega lại đang trở thành “địa ngục trần gian” với những thổ dân sống trong lòng công viên. Hơn 200 người dân tộc Batwa đã bị buộc phải bỏ lại nhà cửa đi sơ tán sau khi thân nhân của họ bị tàn sát. Điều kinh khủng hơn nữa là kẻ thủ ác lại là lực lượng kiểm lâm, những người đã thề bảo vệ bình yên cho khu bảo tồn.

Tấn thảm kịch của người bản xứ

Nhà báo Mỹ Robert Flummerfelt là người có công nhất trong việc vạch trần tội ác ở Kahuzi-Biega. Cùng với một nhà nghiên cứu Congo, ông tổng hợp lời khai của những nạn nhân người Batwa để viết ra bản báo cáo tường trình mọi việc. Nhà báo viết trên đầu bản báo cáo: “Mục tiêu lớn nhất của ban quản lý Kahuzi-Biega là biến khu bảo tồn trở thành một “thiên đường hoang dã” không bóng người nhằm tăng độ hấp dẫn đối với khách du lịch. Để đạt được mục tiêu này, họ đang mở một chiến dịch khủng bố nhằm buộc người Batwa phải rời bỏ mảnh đất do tổ tiên để lại”.

Tình hình tại Kahuzi-Biega đang căng thẳng.

Tình hình tại Kahuzi-Biega đang căng thẳng.

Flummerfelt mô tả thi thể của 20 nạn nhân mà ông có dịp được khám nghiệm. Đa số nạn nhân bị đâm hoặc bắn chết ở khoảng cách rất gần. Riêng ba thanh niên bị mổ bụng bằng dao rựa. Sau khi vụ tàn sát xảy ra, người nhà của nạn nhân bèn bí mật báo cho ông Flummerfelt để nhờ ông làm chứng. Khi nhà báo đến nơi, nhiều ngôi nhà của dân làng vẫn còn đang cháy âm ỷ.

Cô Kibibi Kaloba tường thuật vụ khủng bố nhắm vào làng Bugumande của cô: “Tôi đang làm rẫy thì nghe người ta nói có kẻ vào làng đốt nhà. Tôi chạy về chỉ kịp nhìn thấy nhà mình bị thiêu rụi rồi, không cứu được. Tôi dùng que bới đám tro lên thì chạm vào hộp sọ của con tôi. Bọn chúng dùng dây thừng buộc chặt cửa nhà rồi mới châm lửa đốt để bọn trẻ không chạy đi đâu được”.

Hai người con của cô Kibibi Kaloba, một bé bốn và một bé năm tuổi, chết trong cơn hỏa hoạn. Người mẹ cùng ba đứa con còn lại phải bỏ làng đi tị nạn. Vậy nhưng họ vẫn còn may mắn. Theo báo cáo do nhà báo Flummerfelt tổng hợp, trong vòng ba năm qua, kiểm lâm và quân đội quốc gia Congo đã giết chết ít nhất 20 người Batwa, hãm hiếp tập thể 15 phụ nữ và phóng hỏa đốt nhà của hơn 100 gia đình.

Cô Namondokolo là một trong những nạn nhân bị cưỡng hiếp. Cô kể lại sự việc kinh khủng ấy cho Flummerfelt: “Họ xông vào nhà tôi, trói tay chân tôi, buộc vải che mắt tôi lại rồi mới thay nhau hãm hiếp tôi. Họ vừa cưỡng hiếp vừa luôn miệng nói với tôi rằng họ làm thế vì tôi không nghe lời họ chuyển nhà đi nơi khác”.

Người Batwa sống trong khu bảo tồn nơm nớp lo sợ cho mạng sống của mình.

Người Batwa sống trong khu bảo tồn nơm nớp lo sợ cho mạng sống của mình.

Trong bản báo cáo gửi các tổ chức quốc tế còn có lời khai của hai kiểm lâm viên. Họ yêu cầu được giấu tên nhằm bảo vệ tính mạng của mình. Trước đó đã có một kiểm lâm bị sát hại vì công khai chỉ trích ban quản lý khu bảo tồn. Một trong hai kiểm lâm viên cho biết: “Người Batwa dựng làng ba lần thì ba lần chúng tôi phá nhà họ. Nhóm chúng tôi có 75 người gồm cả kiểm lâm lẫn binh lính được trang bị AK-47 và pháo cối. Chúng tôi được lệnh đốt nhà của người Batwa để buộc họ phải bỏ đi nơi khác. Người ra lệnh cho chúng tôi là giám đốc công viên De-Dieu Bya’Ombe.”.

Đây không phải lần đầu tiên trong lịch sử người Batwa phải trải qua thảm kịch như thế này. Vào thập niên 1960, sau khi Congo dành được độc lập từ nước Bỉ, nhà bảo tồn tự nhiên Adrien Deschryver thuyết phục chính phủ quốc gia này dùng vũ lực để đuổi người Batwa khỏi những ngôi làng của họ rồi sau đó lập quy hoạch biến Kahuzi-Biega thành công viên quốc gia. Ước tính hơn 6.000 người Batwa đã phải đi lánh nạn nơi khác. Ngày nay đa số họ sống trong những ngôi làng nghèo khó ở ngay bên rìa khu bảo tồn. Chỉ còn một số ít ỏi còn trụ lại được trong rừng như dân làng Bugumande. Những ngôi làng này chỉ mới tạm ổn định được chỗ ở từ năm 2008 sau khi chính phủ Đức tài trợ tái định cư cho họ. Đến tháng 11 năm ngoái, tất cả những ngôi làng trong khu bảo tồn đã bị thiêu trụi.

Không ai ngờ rằng chính các kiểm lâm lại là người gây ra thảm cảnh tại Kahuzi-Biega.

Không ai ngờ rằng chính các kiểm lâm lại là người gây ra thảm cảnh tại Kahuzi-Biega.

Cuộc chiến đẫm máu

Chính phủ Đức là nhà tài trợ lớn nhất của công viên Kahuzi-Biega thông qua quỹ hỗ trợ kinh tế BMZ, ngân hàng phát triển KfW và tổ chức hợp tác quốc tế GIZ. Kahuzi-Biega chỉ là một trong sáu khu bảo tồn quốc gia của Congo đang được Berlin tài trợ. Vụ khủng bố tại Kahuzi-Biega liên quan trực tiếp đến chính phủ Đức, vậy nên họ mở một hội đồng điều tra sự việc có sự tham gia của cả phía Đức và Congo.

Robert Flummerfelt cho biết ông từng gửi báo cáo của mình cho hội đồng điều tra, nhưng phải gần nửa năm sau mới nhận được trả lời từ họ. Đại diện của hội đồng cho biết họ đã tổ chức một cuộc họp giữa đại sứ Đức ở Congo, các tổ chức phi chính phủ và đại diện cho cộng đồng người Batwa để làm rõ sự việc. Hội đồng kết luận sau buổi họp rằng: “Không có đủ bằng chứng cho biết là đã xảy ra khủng bố ở Kahuzi-Biega”.

Vậy nhưng theo thông tin Flummerfelt thu thập được, buổi họp diễn ra hoàn toàn trái ngược với những gì hội đồng điều tra đã nói với ông. Già làng Majafa làm chứng trong buổi họp: “Họ đốt nhà người Batwa, giết thanh niên Batwa và hãm hiếp phụ nữ Batwa. Và họ đang ngồi đây, trong căn phòng này. Các ông nói là muốn giúp chúng tôi, nhưng các ông một tay cầm dao, một tay cầm đuốc kéo vào làng chúng tôi”.

Ngoài ông Majafa còn có già làng Mbuwa đứng ra làm chứng. Ông kể: “Có ba người từ phía ICCN (Viện Bảo tồn tự nhiên Congo trực tiếp quản lý các khu bảo tồn) đến khám nghiệm hiện trường. Tôi dẫn họ đi xem khu mộ của những người bị giết. Họ xem xét qua loa ba ngôi mộ thì lên xe về. Họ nói là do trời sắp mưa nên không muốn đi xem những ngôi mộ khác”.

Hai vị già làng sau đó có nói với Flummerfelt rằng từ lúc ra làm chứng, họ liên tục nhận được những lời đe dọa từ ICCN và quân đội Congo. Già làng Majafa nói: “Ba ngày sau buổi họp, tôi phải đem cả gia đình chạy đi nơi khác. Họ muốn giết không chỉ tôi mà là cả dân tộc Batwa, muốn xóa sạch mọi dấu vết của chúng tôi để không còn ai ngáng đường họ nữa”.

Quân đội Congo thường xuyên hành quân qua Công viên quốc gia Kahuzi-Biega để săn tìm quân nổi dậy Mayi-Mayi Kirikicho. Người phát ngôn của quân đội Congo phủ nhận việc binh lính của họ cùng với kiểm lâm tham gia khủng bố dân thường. Các nạn nhân người Batwa bị giết được liệt vào nhóm “tổn thất ngoài ý muốn” do quân nổi dậy thường xuyên trà trộn với dân làng.

Sau khi những kẻ thủ ác thực hiện xong hành vi phạm tội, chúng đốt nhà của nạn nhân để phi tang chứng cứ.

Sau khi những kẻ thủ ác thực hiện xong hành vi phạm tội, chúng đốt nhà của nạn nhân để phi tang chứng cứ.

Đấu tranh để tìm ra sự thật

Người đứng đầu hội đồng điều tra các vụ khủng bố tại Kahuzi-Biega là ông George Muzibaziba, giám đốc ICCN và người trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý công viên quốc gia Kahuzi-Biega. Nhà báo Flummerfelt phàn nàn: “Tuy nói là hội đồng của Đức nhưng mọi hoạt động điều tra trên hiện trường đều do ICCN thực hiện. Thế thì chẳng khác nào cho ICCN điều tra chính tội ác của họ. Không đời nào họ đưa ra phán quyết công bằng”.

Phóng viên hãng tin Al Jazeera đã bí mật lấy được cuộn băng ghi âm các phiên họp của hội đồng. Trong đoạn ghi âm có thể nghe rõ ông Muzibaziba nói với già làng Majafa rằng: “Ông đang giúp một người Mỹ xỉ nhục công viên, xỉ nhục đất nước chúng ta”.

Ông Muzhibaziba còn có nhiều lời lẽ đe dọa các nhân chứng khác. Khi một phụ nữ đứng ra làm chứng về việc mình bị hãm hiếp tập thể, vị giám đốc ICCN bèn pha trò với các thành viên khác trong hội đồng thẩm vấn. Các hành vi trên vi phạm mọi quy chuẩn về đạo đức và công bình trong điều tra. Ngay cả trước khi hội đồng đưa ra phán quyết cuối cùng, nhiều nhà phân tích đã tỏ ra nghi ngờ tính trung thực của họ.

Báo cáo của hội đồng điều tra mới được tuyên bố vào 1-7, trong đó họ cho biết kiểm lâm trực thuộc ICCN và quân đội Congo không hề gây ra bất kỳ tội ác nào. Bản báo cáo công nhận rằng quả thật có một số người Batwa bị bắn chết, nhưng họ trở thành nạn nhân do đã che chở cho các đối tượng săn trộm.

Nhà báo Flummerfelt viết trên tờ The Guardians: “Bản báo cáo do hội đồng điều tra đưa ra chẳng khác nào cục nước bọt nhổ vào người Batwa, vào phụ nữ, trẻ con Batwa… Tôi từng phải từ chối tham gia hội đồng điều tra vì tính thiếu trung thực và vụ lợi của họ. Thay vì đưa ra kết luận dựa vào nhân chứng, vật chứng, họ lại nói bừa. Ngay từ lần đầu tiếp xúc họ, tôi đã nhận ra rằng các thành viên trong hội đồng điều tra chỉ muốn rũ bỏ trách nhiệm của họ đối với vụ khủng bố”.

Cả nhà báo lẫn người cộng sự Congo của ông đều đang phải lẩn trốn ở nước ngoài mà không dám trở về Congo. Họ cho biết rằng sau khi chính phủ Congo sa thải De-Dieu Bya’ombe vì vụ scandal, ông này cùng lực lượng kiểm lâm dưới quyền đã lên kế hoạch giết người trả thù nhà báo và nhà nghiên cứu.

Một số tổ chức đa quốc gia đang lên tiếng hối thúc Liên hiệp quốc điều tra việc kiểm lâm viên ở Kahuzi-Biega được huấn luyện bởi lính đặc công Israel, trong khi chính phủ Congo hoàn toàn không có bất kỳ thông báo nào gửi lên Hội đồng Bảo an. Việc này vi phạm nghiêm trọng lệnh cấm vận quân sự đang được Liên hiệp quốc áp đặt lên chính phủ Congo.

Một câu hỏi khác được đặt ra là nên cứu trợ các nạn nhân như thế nào. Hiện nay hơn 200 người Batwa đang phải ở tạm tại một bệnh viện đang xây dở cách công viên Kahuzi-Biega vài cây số. Họ không có đồ ăn, nước uống hay thuốc men, lại còn bị kiểm lâm thường xuyên đe dọa. Tuy vậy, theo già làng Mbuwa, người Batwa vẫn sẵn sàng trở về nơi ở cũ của mình: “Dân làng đã xác định rằng, nếu có chết thì cùng phải chết trên quê cha đất tổ. Chúng tôi sẽ không chạy trốn nữa. Đất đai do cha ông để lại cho người Batwa nên cho dù chỉ còn một người sống, chúng tôi vẫn sẽ không rời khỏi Biega!”.

Vũ Lê (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/kahuzi-biega-tu-thien-duong-thanh-dia-nguc-tran-gian-i660610/