Kaly Tran 'chắp cánh' cho âm nhạc dân gian Tây Nguyên
Người Bahnar ở làng Kon Klor (TP. Kon Tum) vốn quen với thanh âm quen thuộc từ các nhạc cụ dân gian Tây Nguyên vang lên từ ngôi nhà sàn của anh Kaly Tran. Người nghệ sĩ trẻ này đã từ bỏ con đường nghệ thuật chuyên nghiệp lẫn sự hào nhoáng của TP. Hồ Chí Minh để trở về sống bình yên bên dòng Đak Bla hiền hòa, mang những kiến thức học được 'chắp cánh' cho âm nhạc dân gian Tây Nguyên bay xa.
Nghệ sĩ trẻ đa tài
Sáng sớm hôm tôi đến, ngôi nhà của Kaly rộn ràng hơn khi đón một số bà con người Xê Đăng ở làng Kon Gung (xã Đak Mar, huyện Đak Hà, tỉnh Kon Tum) tới thăm. Già làng A Theoh cho biết, nghe tiếng chàng trai đa tài ở làng Kon Klor hát hay, biết chơi nhạc cụ dân tộc, lại biết chỉnh sửa cồng chiêng nên bà con tìm đến mong Kaly sửa giúp dàn chiêng bị lạc tiếng. Già làng A Theoh cho biết, cả 2 bộ chiêng của làng Kon Gung đều bị lỗi nhịp, âm thanh không còn ngân vang như trước. Ban đầu, bà con nghi ngờ khả năng chỉnh chiêng của Kaly vì đây vốn dĩ là công việc của những nghệ nhân lớn tuổi. Nhưng tận thấy chàng trai này lần lượt lấy lại âm thanh chuẩn cho từng chiếc chiêng lạc tiếng sau nhiều giờ đồng hồ nhẫn nại, già A Theoh hoàn toàn yên tâm. Vị già làng người Xê Đăng chia sẻ: “Mình không ngờ một người trẻ như Kaly lại có được khả năng đặc biệt này. Nay mai mình sẽ cho các cháu học sinh trong làng xuống đây học tập Kaly. Chàng trai này chơi thạo các nhạc cụ truyền thống, biết chỉnh sửa cồng chiêng, lại sẵn sàng truyền dạy kiến thức ấy cho thế hệ trẻ”.
Nghệ sĩ trẻ đa tài Kaly Tran trở nên nổi tiếng khắp vùng còn bởi đam mê anh dành cho âm nhạc dân tộc qua công tác nghiên cứu, sưu tầm, chế tác nhạc cụ, cải tiến thang âm trên dàn cồng chiêng truyền thống để chơi được nhiều bài hơn. Anh cho rằng, âm nhạc Tây Nguyên trở thành một nốt lặng giữa nhiều dòng nhạc hiện đại cũng bởi những chủ nhân của nó ngày càng xa rời văn hóa dân tộc. Chỉ có cách làm cho âm nhạc dân tộc trở nên hấp dẫn hơn, đại chúng hơn thì tự nhiên người ta sẽ tìm về.
Đưa âm nhạc Tây Nguyên đến gần công chúng
Ông Phan Văn Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum: “Kaly có niềm đam mê đặc biệt với nhạc cụ dân gian từ nhỏ, lại được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp từ trường đại học nên hội tụ đủ năng khiếu lẫn tri thức âm nhạc. Kaly không chỉ sưu tầm, nghiên cứu, chế tác nhạc cụ mà còn truyền dạy cho học sinh các trường dân tộc thiểu số của tỉnh. Anh cũng là cầu nối, là người truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số sự đam mê, yêu thích các giá trị văn hóa truyền thống”.
Sau khi tốt nghiệp Khoa Thanh nhạc Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tại TP. Hồ Chí Minh, Kaly có thời gian hoạt động nghệ thuật ở thành phố sôi động bậc nhất cả nước. Thế nhưng, một ngày, anh quyết định lối rẽ bất ngờ: Trở về với cội nguồn của mình ở một ngôi làng Bahnar thơ mộng bên dòng Đak Bla. Anh chia sẻ, ngoài mong muốn cá nhân là được trở về với làng buôn, với không gian tự nhiên để dưỡng nuôi cảm xúc âm nhạc còn bởi mong muốn làm điều gì đó cho văn hóa dân tộc. Kaly nói: “Âm nhạc hiện đại đang phát triển rất nhanh trong đời sống văn hóa tinh thần, mình phải làm sao để âm nhạc dân tộc theo kịp với nhu cầu hưởng thụ của giới trẻ mới có thể chinh phục họ. Sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu, mình có thể chơi nhạc hiện đại trên dàn cồng chiêng cải tiến, trên đàn trưng hay các loại nhạc cụ làm từ chất liệu thiên nhiên… Mình muốn truyền dạy những kỹ thuật ấy cho các bạn trẻ để họ vừa bắt kịp với xu hướng âm nhạc đương đại vừa có thể quay về với âm nhạc dân tộc”.
Theo Kaly, người Bahnar vốn tài hoa. Từ khi sinh ra, họ đã được tưới đẫm trong âm thanh của đại ngàn. Nhưng âm nhạc dân tộc sẽ đi về đâu nếu không còn sức hút đối với giới trẻ? Kêu gọi bảo tồn văn hóa truyền thống, nhất là âm nhạc dân gian Tây Nguyên buộc phải có điều kiện để các em được tiếp xúc, học tập, cảm nhận sự kỳ diệu của tự nhiên thông qua từng nhạc cụ. Đó cũng là lý do anh tích góp để mở “Trung tâm âm nhạc dân gian Kaly”, đồng thời thành lập ban nhạc Kaly với hơn 100 thành viên, đa phần là những người Bahnar vốn chỉ quen việc nương rẫy.
Kaly còn kiên trì sưu tầm, chế tác các loại nhạc cụ truyền thống của người Tây Nguyên. Đến nay, anh sở hữu bộ sưu tập phong phú như cồng chiêng, đàn đá, trưng, ting ning, klông pút, đinh pút, đinh pơng, đing pă… Đến “Trung tâm âm nhạc dân gian Kaly”, ta không chỉ được xem một nghệ sĩ đích thực của núi rừng Tây Nguyên biểu diễn nghệ thuật trên những nhạc cụ truyền thống mà còn được sống trong niềm đam mê âm nhạc theo một phong cách rất trẻ trung, sôi động, phù hợp với giới trẻ. Anh James-thành viên ban nhạc Kaly-cho biết, cơ duyên để đến với âm nhạc dân tộc là nhờ Kaly. James kể: “Hình ảnh Kaly chơi nhạc cụ dân tộc đã tác động rất lớn đến những bạn trẻ. Từ nhỏ đến lớn, mình chưa bao giờ thấy ở đâu có nhiều nhạc cụ dân tộc như ở trung tâm của Kaly. Mình nhận ra vẻ đẹp và sự phong phú của âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên, từ đó càng đam mê theo học nhạc lý, chế tác nhạc cụ… Mình rất tự hào khi nhạc cụ Tây Nguyên không chỉ chơi được nhạc truyền thống mà còn chơi được âm nhạc đương đại làm cho các bạn trẻ rất thích thú. Nhờ Kaly mà nhiều loại nhạc cụ được “sống” dậy”.
Ban nhạc Kaly chuyên sử dụng nhạc cụ dân tộc, từng tham gia nhiều sự kiện văn hóa lớn và để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả. Đặc biệt, âm nhạc Tây Nguyên còn được nhóm nhạc của Kaly mang đến gần với công chúng cả nước trên các sân khấu lớn ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. “Lâu nay, các sân chơi âm nhạc lớn cả nước ít có sự xuất hiện của các ban nhạc dân tộc. Mình tham gia không phải vì giải thưởng mà qua chương trình lớn đó muốn cho khán giả thấy rõ hơn vẻ đẹp, sức hấp dẫn của âm nhạc Tây Nguyên”.