Karamay – thành phố duy nhất trên thế giới lấy dầu mỏ làm tên ở Trung Quốc
Karamay nằm ở phía Tây Bắc Khu tự trị Tân Cương. Thành phố này được mệnh danh là 'Thánh địa phía Tây' của ngành công nghiệp dầu mỏ Trung Quốc.
Đây cũng là thành phố duy nhất trên thế giới dùng dầu mỏ để đặt tên và được mệnh danh là “tiểu Dubai” của Trung Quốc.
Karamay có nghĩa là “dầu đen” trong tiếng Duy Ngô Nhĩ. Ngày 29/10/1955, giếng dầu “Karamay 1” đã phun trào những dòng dầu thô đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của mỏ dầu công nghiệp lớn đầu tiên của nước Trung Quốc mới. Chủ tịch Mao Trạch Đông khi đó đã ra chỉ thị kêu gọi cả nước hỗ trợ xây dựng mỏ dầu Karamay. Ba năm sau đó, vào ngày 29/5/1958, Karamay chính thức được thành lập với tư cách là một thành phố, mọc lên trên một vùng đất hoang vu giữa sa mạc Gobi.
Đúng như tên gọi, người ta có thể thấy dấu ấn của dầu ở khắp nơi tại đây. Cách trung tâm thành phố chỉ hơn 2km là Núi Dầu Đen với những hố dầu lộ thiên nằm rải rác. Dưới ánh nắng mặt trời, chúng như những tấm gương đen bóng, quánh đặc dầu. Người ta có thể nhìn thấy rõ những bong bóng dầu nổi lên phập phồng trên bề mặt như trực trào ra khỏi miệng hố.
Xung quanh hố, những dòng dầu chảy xuống như những khe nước màu đen, sau nhiều năm hình thành nên các gò nhựa đường, trong đó gò lớn nhất cao 13 m, có diện tích khoảng 200.000 m2.
Theo chị Tưởng Lộ Dương, thuyết minh ở Núi Dầu Đen, đây là một điểm đến không thể bỏ qua của nhiều người khi đến thành phố này: “Thực ra dầu thô trên Núi Dầu Đen của chúng tôi đã phun trào từ 1,6 triệu năm trước. Đến nay, Núi Dầu Đen đã trở thành nơi phát tích của ngành công nghiệp dầu Karamay, đồng thời cũng là nơi để nhiều người biết hơn về Karamay và nguồn gốc những giếng dầu của chúng tôi".
Không chỉ lưu giữ những hố dầu tự nhiên, nơi khoan được giếng dầu công nghiệp đầu tiên “Karamay 1” giờ cũng đã trở thành điểm du lịch và được gọi với cái tên Quảng trường sinh nhật thành phố. Một bong bóng dầu khổng lồ được dựng lên ngay chỗ giếng dầu và nhiều bong bóng lớn nhỏ khác xung quanh trên quảng trường đã trở thành điểm nhấn và biểu tượng của Karamay.
Nếu như Karamay là trung tâm dầu khí của Tân Cương, thì quận Urho chiếm tới 60% tài nguyên dầu thô của thành phố này. Ông Sawuraxun Iysa, một người Duy Ngô Nhĩ sống ở quận Urho, cho biết con trai cả của ông đang làm việc ở một giếng dầu trong thành phố. "Con trai tôi làm lái xe cho công ty dầu khí, thu nhập rất tốt, khoảng 10.000 tệ (33 triệu) mỗi tháng. Con dâu tôi cũng làm ở công ty dầu khí. Quanh nơi tôi sinh sống có khá nhiều người làm việc tại đây".
Từ một vùng hoang mạc không cỏ, không nước, nhờ có dầu mỏ, sau 65 năm, thành phố có diện tích 7.733 km2 với dân số 487.000 người này giờ đã trở thành thành phố công nghiệp kiểu mới trọng điểm và thành phố thí điểm nền kinh tế tuần hoàn của Tân Cương.
Ông Trần Khải, Thị trưởng Karamay, khi phát biểu tại Hội nghị quốc tế về truyền thông Internet tổ chức ở đây hồi cuối tháng 7, cho biết: “Karamay của chúng tôi sinh ra từ dầu mỏ, được đặt tên theo dầu mỏ và được mệnh danh là ‘người con trai cả’ của ngành dầu mỏ nước Cộng hòa (Nhân dân Trung Hoa). Trong 68 năm qua, chúng tôi đã sản xuất hơn 430 triệu tấn dầu thô và hơn 100 tỷ m3 khí tự nhiên cho đất nước. Chúng tôi đã xây dựng nên một hệ thống công nghiệp dầu mỏ và hóa dầu tích hợp vận chuyển, lưu trữ và tinh chế".
Chính nhờ sản xuất dầu, Karamay còn được mệnh danh là “tiểu Dubai” của Trung Quốc. Dù chưa thể sánh với vẻ phồn hoa thịnh vượng cùng những tòa nhà chọc trời lung linh tráng lệ của Dubai, song đây vẫn là thành phố có GDP bình quân đầu người đứng thứ 2 toàn Trung Quốc, đạt hơn 240.000 nhân dân tệ vào năm 2022 (tương đương khoảng 35.000 USD nếu tính theo tỉ giá cuối năm 2022), vượt cả 4 thành phố hạng nhất là Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến.