Karaoke ở TP. HCM mở rồi lại đóng: Liệu có cần thiết?

Nhiều doanh nghiệp, người lao động ở TP. HCM bối rối trước thông báo tạm đóng cửa karaoke, massage,.. tại vùng dịch cấp độ 3. Chuyên gia y tế cho rằng, việc mở rồi đóng các loại hình dịch vụ trên để kiểm soát dịch là không cần thiết và kém hiệu quả.

Doanh nghiệp gánh lỗ gần cả trăm triệu đồng/tháng

Mặc dù đã tạm đóng cửa, nhiều quán karaoke trên đường Sư Vạn Hạnh (phường 5, quận 10) vẫn mở đèn, có nhân viên túc trực. Theo tìm hiểu, lí do là vì các quán này có chi nhánh ở các phường khác, nằm tại vùng dịch cấp độ 1, 2. Vì thế, quán mở cửa để khi có khách đến, có thể hướng dẫn khách di chuyển tới các chi nhánh đó.

Bài liên quan

Những di chứng hậu COVID cần lưu ý

Ngày 11/3: Ghi nhận 169.114 ca nhiễm COVID-19

Hội chứng sương mù não hậu COVID-19

Bộ Y tế: Xử lý nghiêm việc lợi dụng dịch bệnh tăng giá xét nghiệm COVID-19

Chia sẻ với phóng viên báo Nhà báo & Công Luận, anh Nguyễn Thành Trung (25 tuổi, quê Lâm Đồng, quản lý quán karaoke Gia Đình E3) cho biết, kể từ khi nhận thông báo tạm dừng hoạt động quán karaoke ở vùng dịch cấp độ 3, cả chủ quán và toàn bộ nhân viên đều chưa hết bàng hoàng. Sau đợt giãn cách và nhiều lần mở rồi đóng, quán từ 6 chi nhánh nay chỉ còn 2 chi nhánh hoạt động.

Quán karaoke trên đường Sư Vạn Hạnh dù không hoạt động, nhưng vẫn mở đèn để hướng dẫn khách hàng đến các chi nhánh khác ở vùng dịch cấp độ 1, 2.

"Một tháng chỉ tiền mặt bằng thôi là đã gần 100 triệu, nghỉ mấy tháng trời giờ cứ đóng mở liên tục, nhân viên thì ăn ngủ ở đây luôn. Từ 6 chi nhánh mà trả mặt bằng, san mặt bằng hết 4 cái rồi", anh Trung nói.

Cùng chung tâm lý hoang mang trước thông báo đóng cửa, ông Minh Hùng (52 tuổi, ngụ TP. HCM, nhân viên quán Gia Đình E3) lo sợ rằng, thu nhập của người lao động nghèo như ông sẽ giảm hoặc "không cánh mà bay".

Nhân viên phải ăn, ngủ tại quán karaoke chờ thông báo mờ cửa.

"Giờ cũng ở đây chờ thông báo tiếp theo thôi. Mỗi lần nghe tin đóng cửa là sợ lắm. Sợ là sợ không biết khi nào cho mở cửa lại. Hằng ngày sống nhờ đồng lương này thôi, giờ quán đóng cửa tiền đâu mà sống. Nghe tin đóng cửa là lật đật đi xin việc làm khắp nơi", ông Hùng chia sẻ.

Bên cạnh đó, tại quán Karaoke FYou cũng có nhân viên túc trực bên ngoài để dễ dàng hướng dẫn khách. Đáng chú ý, phía trước quán còn có một xe đẩy bán nước giải khát. Sau tìm hiểu, quầy nước này là do nhân viên quán đứng ra kinh doanh, kiếm thu nhập sống qua ngày.

"Giờ nhân viên cũng chờ thôi chứ không biết làm gì. Ở đây chúng tôi cùng ra bán nước giải khát, kiếm đồng ra đồng vào qua ngày", một nhân viên tại đây nói.

Một quyết định kém hiệu quả

Theo PGS. TS. Bác sĩ Vũ Minh Phúc, việc tạm dừng hoạt động đối với các quán karaoke, massage,... tại các địa bàn có dịch cấp độ 3 là điều không cần thiết.

"Nếu cấm ở đây thì người dân họ cũng qua chỗ khác để vui chơi, khiến cho khu vực đó trở thành vùng cam, thành ra rất kém hiệu quả. Ngoài ra, điều này còn đưa doanh nghiệp, người lao động vào 'thế khó' nữa. Theo tôi, nên xem xét lại quy định này vì chúng ta đã phủ vaccine ngừa Covid-19 rồi", bác sĩ Phúc nói.

PGS. TS. Bác sĩ Vũ Minh Phúc.

Bên cạnh đó, PGS. TS. cho rằng tới thời điểm này khái niệm vùng cam, vùng đỏ thật ra không còn cần thiết. Bởi mặc dù chủng Omicron dễ lây nhanh, bằng chứng là số người nhiễm có xu hướng tăng, song, số người tử vong lại thấp.

"Chúng ta đã có thể xem Covid-19 như một bệnh cảm cúm thông thường. Quan trọng là cần theo dõi nhóm người có nguy cơ, người lớn tuổi, trẻ em, những người chưa được tiêm vaccine,...", bác sĩ chia sẻ.

Bác sĩ Phúc nói thêm, việc các ca mắc tăng nhanh sau Tết Nguyên đán 2022 là điều đã được dự đoán trước. Vì thế, mối lo ở đây là câu hỏi "liệu các ca tử vong có làm quá tải hệ thống y tế hay không?".

Tuy nhiên, sự thật là các ca tử vong rất thấp, việc quá tải hệ thống y tế cũng không xảy ra ở TP. HCM. Bác sĩ cho rằng, việc quá tải hệ thống cơ sở thật ra có nhiều hướng giải quyết.

"Số ca mắc ở thành phố hằng ngày có thể nhiều hơn dữ liệu mà chúng ta thu thập được. Bởi có không ít bệnh nhân mắc Covid-19 gọi điện cho tôi để xin thuốc nhưng họ cũng không báo cáo cho địa phương. Vì thế, chúng ta chỉ cần sử dụng những cách khác để quản lý người bệnh. Ví dụ như thu thập dữ liệu người mua thuốc trị Covid-19 từ các nhà thuốc trên địa bàn. Từ đó, có thể tạm suy ra được số người nhiễm Covid-19. Thay vì bắt người bệnh phải đi xin giấy xác nhận ở phường", bác sĩ Minh Phúc nói.

Thúy Vy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/karaoke-o-tp-hcm-dong-roi-lai-mo-lieu-co-can-thiet-post185052.html