Karl Lagerfeld và Yves Saint Laurent: Đôi bạn 'bằng mặt không bằng lòng' trứ danh làng mốt quốc tế
Là bạn bè suốt vài thập kỷ nhưng Karl Lagerfeld và Yves Saint Laurent luôn cạnh tranh nhau trong cả sự nghiệp thiết kế và cuộc sống riêng tư.
Karl Lagerfeld và Yves Saint Laurent là hai nhà thiết kế huyền thoại mang đến rất nhiều di sản vô giá cho thế giới thời trang. Duyên nợ của họ bắt đầu vào năm 1954 khi Karl Lagerfeld 21 tuổi và Yves Saint Laurent 18 tuổi.
Hôm đó, tại lễ trao giải Woolmark Prize (sau này giải thưởng mới được đặt tên như vậy), Lagerfeld giành vị trí đầu bảng cho hạng mục áo khoác còn Yves Saint Laurent nhận được giải thưởng cao nhất cho hạng mục trang phục dạ hội.
Hai chàng trai trẻ, một người đến từ Đức và một người đến từ Algeria, không ai biết được rằng họ sẽ sớm trở thành hai huyền thoại định hình thời trang Pháp cho cả một thế hệ. Ban đầu, họ làm quen bằng tất cả sự thân thiện. Nhưng sau này, họ dần trở nên cạnh tranh trong cả sự nghiệp và cuộc sống cá nhân. Mối quan hệ của họ không phải bạn, cũng không phải là kẻ thù. Hai nhà thiết kế giống như hai nửa âm-dương, luôn song hành, gắn kết chặt chẽ với nhau như một chuỗi DNA của ngành thời trang.
Chỉ vài năm sau khi giành được giải Woolmark, Saint Laurent đã được đứng vào hàng ngũ những nhà thiết kế hàng đầu Paris. Christian Dior thuê ông vào làm. Và sau cái chết đột ngột của Dior vào năm 1957, Saint Laurent được chọn vào "ghế nóng" thay cho ông chủ khi mới 21 tuổi.
Những bộ sưu tập đầu tiên của ông được đón nhận nồng nhiệt nhưng khi pha trộn cảm hứng beatnik trẻ trung vào tinh thần cổ điển của Dior thì ông bị chỉ trích nặng nề. Năm 1960, ông bị Dior sa thải. Nhưng cái tên Saint Laurent sinh ra để thành công. Ông thành lập công ty cùng tên vào năm 1961. Thương hiệu Saint Laurent là một bước ngoặt táo bạo và đúng đắn của nhà thiết kế, bằng chứng là nó vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Về Lagerfeld, chúng ta đều biết ông là một nhân vật quan trọng đối với thương hiệu Chanel. Nhưng đó là câu chuyện ở độ tuổi 40 của nhà thiết kế. Trước đó, ông đã phải lăn lộn trong hậu trường suốt nhiều thập kỷ.
Sau khi đoạt giải Woolmark, ông đến làm việc cho Balmain. Lagerfeld lần đầu tiên được nếm thử thiết kế thời trang cao cấp cho Jean Patou với nghệ danh là “Roland Karl”. Lúc đó các thiết kế của ông không được báo chí thời trang chú ý. Sau đó, ông chuyển sang làm việc tự do cho nhiều hãng khác nhau, đó là lúc ông gặt hái được nhiều thành công hơn.
Ông thiết kế áo khoác cho Fendi vào năm 1965 (mối quan hệ mà ông sẽ duy trì cho đến khi qua đời), đóng góp một vài bộ cánh cho Chlóe cho đến khi công ty quyết định thuê ông thiết kế toàn bộ bộ sưu tập. Trong suốt tuổi trẻ của mình, ông đã làm việc cho rất nhiều thương hiệu khác nhau như Charles Jourdan, Cúriel, Krizia, Ballantyne, Isetan, Tiziani của Rome…
Saint Laurent có xu hướng phát triển từ cốt lõi. Ông sáng tạo cho chính thương hiệu của mình. Ông cũng thích làm việc với một nhóm đồng nghiệp, nàng thơ quen thuộc trong suốt cuộc đời. Do bị ám ảnh bởi suy nghĩ phải dùng siêu phẩm vượt qua siêu phẩm, mỗi thiết kế đối với Karl Lagerfeld đều là một vấn đề cần phải giải quyết.
Ông sẽ thu thập kiến thức cẩn thận về chúng rồi đưa ra một giải pháp nghệ thuật. Lagerfeld sẵn sàng bỏ rơi những người đã từng bỏ rơi ông.
Saint Laurent duy trì truyền thống của một người thợ may chỉ trung thành với thương hiệu của mình và nguồn cảm hứng của riêng mình. Còn Lagerfeld lại là hình mẫu tiên phong của một nhà thiết kế muốn phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của bản thân.
Vào đầu những năm 1970, Yves Saint Laurent đã chụp ảnh khỏa thân cho chiến dịch nước hoa của riêng mình. Còn Lagerfeld thì vẫn âm thầm làm việc như một người Đức mẫu mực. Tưởng như chẳng liên quan đến nhau nhưng chính những sự kiện của thập niên 70 lại khiến tình bạn của hai người kết thúc.
Vào đầu thập kỷ, Lagerfeld gặp gỡ và phải lòng Jacques de Bascher - một chàng trai trẻ người Pháp. Điều đáng nói là De Bascher cũng có một cuộc tình ngắn ngủi với Saint Laurent. Công chúng không hề biết đến điều này cho đến khi nó được đề cập trong cuốn sách năm 2006 của Alicia Drake, The Beautiful Fall.
Dù thế nào đi nữa, vào những năm 80, Lagerfeld cuối cùng cũng đạt được vị trí ngang hàng với Saint Laurent. Ông đảm nhiệm vị trí giám đốc sáng tạo cho Chanel cho đến khi qua đời. Khi đã đứng ở tâm thế thế tự tin, Lagerfeld bắt đầu đưa ra nhiều nhận xét bóng gió về Saint Laurent.
“Yves có một khiếu hài hước đáng kinh ngạc. Anh ấy thích chửi thề và thích những thứ thuộc về dị học. Đúng là một con người cực kỳ hài hước. Thật vô lý khi anh ấy nói anh ấy không có tuổi trẻ. Tôi biết là anh ấy có tuổi trẻ và thời điểm đó anh ấy chỉ có mong muốn duy nhất là được giàu có và nổi tiếng”, Lagerfeld nói trong một cuộc phỏng vấn.
Saint Laurent chuyển giao nhiệm vụ thiết kế đồ may sẵn cho thương hiệu sang cho trợ lý vào năm 1987. Ông nghỉ hưu hoàn toàn khỏi lĩnh vực thiết kế vào năm 2002 (sáu năm trước khi ông qua đời). Karl Lagerfeld thì liên tục sáng tạo chăm chỉ cho đến khi qua đời vào năm 2019.