Kaspersky Labs ngừng hoạt động ở Mỹ sau khi bị cấm bán phần mềm antivirus

Kaspersky Labs cho biết sẽ dần ngừng hoạt động tại Mỹ từ ngày 20.7, gần một tháng sau khi chính quyền Biden tuyên bố kế hoạch cấm bán sản phẩm của công ty này tại Mỹ.

Sẽ loại bỏ tất cả nhân viên tại Mỹ, Kaspersky Labs (có trụ sở tại Moscow, thủ đô Nga) không cho phép người tiêu dùng Mỹ mua bất kỳ sản phẩm nào trên trang web của mình vào đầu ngày 20.7, với lý do "mua hàng không khả dụng cho khách hàng ở Mỹ".

Tháng trước, Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Gina Raimondo đã tuyên bố kế hoạch cấm bán phần mềm antivirus do Kaspersky Labs sản xuất tại nước này, viện dẫn rủi ro an ninh do ảnh hưởng của Nga lên công ty an ninh mạng này.

Chính phủ Biden cũng áp dụng các lệnh trừng phạt vào tháng 6 với ban lãnh đạo cấp cao của Kaspersky Labs, bao gồm giám đốc phát triển kinh doanh, giám đốc điều hành, giám đốc pháp lý và giám đốc truyền thông doanh nghiệp, viện dẫn rủi ro an ninh mạng.

Tin tức về kế hoạch rời khỏi Mỹ của Kaspersky Labs lần đầu tiên được CNN đưa tin.

Các hạn chế mới từ chính phủ Mỹ với việc bán phần mềm Kaspersky Labs nhập khẩu sẽ có hiệu lực vào ngày 29.9, gồm cấm tải xuống các bản cập nhật, cấm bán lại và không cấp phép sản phẩm.

Các hoạt động kinh doanh mới của Kaspersky Labs tại Mỹ sẽ bị chặn 30 ngày sau khi các hạn chế được công bố lần đầu tiên vào ngày 20.6.

Kaspersky Labs cho biết sẽ dần ngừng hoạt động tại Mỹ từ ngày 20.7, gần một tháng sau khi chính quyền Biden tuyên bố kế hoạch cấm bán phần mềm của công ty này tại Mỹ - Ảnh: Reuters

Kaspersky Labs cho biết sẽ dần ngừng hoạt động tại Mỹ từ ngày 20.7, gần một tháng sau khi chính quyền Biden tuyên bố kế hoạch cấm bán phần mềm của công ty này tại Mỹ - Ảnh: Reuters

Hồi tháng 5.2022, chính quyền Biden bắt đầu tăng cường điều tra an ninh quốc gia với phần mềm anvirus của Kaspersky Lab trong bối cảnh căng thẳng quan hệ với Nga, theo Reuters.

Nguồn tin của Reuters cho biết vụ việc đã được Bộ Tư pháp Mỹ chuyển đến Bộ Thương mại vào năm 2021. Thế nhưng, Bộ Thương mại Mỹ đã đạt được rất ít tiến triển cho đến khi Nhà Trắng và các quan chức chính quyền Biden khác thúc giục họ tiến hành vào tháng 3.2022.

Vấn đề được Mỹ đặt ra là nguy cơ Nga có thể sử dụng phần mềm antivirus, có đặc quyền truy cập vào hệ thống của máy tính, để lấy cắp thông tin nhạy cảm từ máy tính Mỹ hoặc giả mạo chúng khi căng thẳng leo thang giữa Nga và phương Tây.

Ba nguồn tin cho biết việc truy cập vào mạng lưới của các nhà thầu liên bang và các nhà điều hành cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ như lưới điện được coi là mối quan tâm đặc biệt.

Các nhà quản lý Mỹ đã cấm chính phủ liên bang sử dụng phần mềm của Kaspersky Lab và cuối cùng có thể buộc công ty thực hiện các biện pháp để giảm rủi ro do những sản phẩm này gây ra hoặc cấm người Mỹ sử dụng chúng hoàn toàn.

Cuộc điều tra cho thấy chính quyền Biden đang tập trung đối phó Nga trong nỗ lực bảo vệ công dân và doanh nghiệp Mỹ khỏi các cuộc tấn công mạng từ Nga.

Các cơ quan quản lý khác không còn quyền hạn cho phép chính phủ chặn khu vực tư nhân sử dụng phần mềm do Kaspersky Lab sản xuất, vốn bị giới chức Mỹ từ lâu coi là mối đe dọa nghiêm trọng với an ninh quốc gia.

Kaspersky Lab trong nhiều năm đã phủ nhận hành vi sai trái hoặc bất kỳ mối quan hệ hợp tác bí mật nào với tình báo Nga.

Cuộc điều tra tăng cường đó được chính phủ Mỹ thực hiện bằng cách sử dụng nhiều quyền lực do chính quyền Trump tạo ra, cho phép Bộ Thương mại Mỹ cấm hoặc hạn chế các giao dịch giữa các công ty Mỹ với các công ty internet, viễn thông và công nghệ từ quốc gia "đối thủ nước ngoài", gồm cả Nga và Trung Quốc.

Bộ Thương mại Mỹ có quyền lực để cấm sử dụng phần mềm của Kaspersky Lab, cấm công dân Mỹ mua phần mềm của hãng này hoặc cấm tải xuống các bản cập nhật thông qua một quy định trong sổ đăng ký liên bang.

Cuối tháng 10.2023, Canada đã thực hiện việc cấm sử dụng phần mềm anvirus Kaspersky và ứng dụng nhắn tin WeChat (Trung Quốc) trên các smartphone và những thiết bị di động khác của chính phủ nước này vì lý do bảo mật và quyền riêng tư.

Thời điểm đó, một tuyên bố cho biết các ứng dụng này sẽ bị xóa ngay lập tức khỏi thiết bị do chính phủ Canada cấp và người dùng sẽ bị chặn tải chúng xuống trong tương lai.

Chủ tịch Hội đồng Tài chính Anita Anand, người giám sát dịch vụ công của Canada, cho biết Giám đốc Cơ quan thông tin quốc gia đã xác nhận rằng quyền riêng tư và nội dung bảo mật "có nguy cơ cao bị xâm phạm" khi sử dụng các ứng dụng này.

Bà Anita Anand cho rằng phương pháp thu thập dữ liệu của các nền tảng này trên thiết bị di động "mang lại quyền truy cập đáng kể nội dung trên chúng".

Theo quan chức này, quyết định xóa và chặn ứng dụng anvirus Kaspersky cùng WeChat được đưa ra để đảm bảo rằng mạng, dữ liệu của chính phủ Canada được bảo vệ an toàn và phù hợp với cách tiếp cận của các đối tác quốc tế.

Theo báo cáo từ Kaspersky Lab, doanh thu toàn cầu của công ty năm 2023 đạt 785 triệu USD, tăng 3% so với 2022.

Kaspersky Lab được thành lập vào năm 1997 bởi Eugene Kaspersky và vợ cũ là Natalya Kaspersky.

Eugene Kaspersky là chuyên gia bảo mật máy tính nổi tiếng người Nga, được biết đến với việc phát hiện ra virus Cascade vào năm 1989 và hiện là Giám đốc điều hành Kaspersky Lab.

Natalya Kaspersky đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập và phát triển công ty này trong giai đoạn đầu.

Ngoài ra, Kaspersky Lab còn có đội ngũ nhân viên tài năng gồm các nhà nghiên cứu bảo mật, kỹ sư phần mềm và chuyên gia kinh doanh.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/kaspersky-labs-ngung-hoat-dong-o-my-sau-khi-bi-cam-ban-phan-mem-antivirus-219614.html