Kawabata Yasunari và cái đẹp nơi phù thế
Kawabata Yasunari - một trong những nhà văn vĩ đại nhất Nhật Bản - từng đoạt giải Nobel Văn chương năm 1968 nhưng cuộc đời ông là chuỗi ngày dài sống trong bi kịch
Ở Việt Nam trong vòng khoảng 30 năm, đã có 3 bản dịch khác nhau của "Người đẹp say ngủ", một trong những tác phẩm giúp Kawabata Yasunari đoạt giải Nobel Văn chương. Bản Vũ Đình Phòng dịch từ tiếng Pháp (xuất bản năm 1990), bản "Người đẹp ngủ mê" của Quế Sơn dịch từ tiếng Anh (xuất bản năm 2000) và mới đây là bản do Uyên Thiểm dịch từ nguyên tác tiếng Nhật (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn ấn hành 2019). "Những người đẹp say ngủ" có sức hấp dẫn vượt thời gian?
Thân phận con người
Kawabata Yasunari viết "Người đẹp say ngủ" năm 1961, kể chuyện ông già Eguchi tìm đến một chốn lầu xanh đặc biệt, nơi các trinh nữ bị chuốc thuốc mê cho ngủ say nằm bên cạnh khách. Trong căn nhà của những người đẹp ngủ mê ấy có một luật lệ, dù nằm cạnh bên những thiếu nữ khỏa thân đã mất ý thức nhưng khách chỉ được phép ôm ấp mà không tiến xa thêm. Điều này tưởng khó mà không khó, khi phần lớn người được phép đến chốn này thật ra toàn những ông già bất lực. Họ tìm trên thân thể những người đẹp chút mùi hương xuân sắc, tìm lại chút dư vị của tuổi trẻ.
Khoái lạc ở đây không đến từ những cuộc truy hoan mà đến từ việc dấn thân vào một trò chơi có luật lệ, ở đó khách làng chơi trở thành một lữ nhân dò tìm lại những cảm giác sinh động bị thời gian xóa vết.
Đêm đêm, Eguchi tìm đến những người đẹp say ngủ, ôm ấp những thân thể căng tràn nhựa sống để nhận ra chính tuổi già của mình. Trong cơ thể nằm ngủ kia, sự sống vẫn đang đập rộn; còn trong cơ thể đang thức này, cuộc sống đang đi nốt những đoạn cuối cuộc đời của nó. Các thiếu nữ chính là tấm gương soi của Eguchi, ở đó ông thấy đời mình, thấy thực tại của mình, thấy quá khứ của mình và thấy tương lai đầy chết chóc của mình. Hành động siết ghì lấy những thân thể trẻ trung của Eguchi chính là đang ghì siết chính mình, ghì siết thời gian hữu hạn đang biến dần đi, tuổi già là hình - tuổi trẻ là bóng. Eguchi như vầng trăng thiên thu vạn tải nhìn xuống bóng mình nơi đáy nước và tự thán rằng nó đẹp. Cả ông và người đẹp đều là những kẻ mộng du bước đi giữa trung ấm của cõi sống và cõi chết, giữa quá khứ và hiện tại, giữa thực tế và phù ảo.
"Người đẹp say ngủ" được dựng lên từ những tương phản, tuổi già hư hoại của những vị khách với tuổi trẻ ngồn ngộn sự sống của các du nữ. Một tinh thần tỉnh táo trú ngụ trong một thân xác bất lực với sự vô tri trong thân thể trẻ trung bất động. Giống như trong tiểu thuyết "Xứ tuyết" của ông, là sự đối lập giữa băng tuyết và ánh lửa, của thế giới u mộng ở xứ tuyết với thế giới xô bồ chốn thị thành, sự đối chọi giữa các sắc thái thiên nhiên trong cùng miền băng tuyết.
Khúc bi thương
Cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông khởi thảo từ năm 1937, chỉ thật sự viết xong năm 1947. Quãng mười năm ấy là một thời kỳ đầy biến động đối với thế giới cũng như Nhật Bản. Thất bại trong Đệ nhị thế chiến khiến nước Nhật mất đi sự tự chủ, sự thần thánh của Thiên Hoàng bị giải trừ. Kawabata tuyên bố: "Từ đó trở đi tôi chỉ viết những khúc bi thương!" Từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên đến cuốn tiểu thuyết cuối cùng, nhà văn đã trung thành tuyệt đối với lời thề ấy. Kawabata hoàn thành "Người đẹp say ngủ" khi đã bước sang tuổi 60, bắt đầu thấm mệt nỗi đời bước sang tuổi già và càng lúc càng gần với cái chết.
Phải nói cả đời Kawabata đã sống trong cõi chết, cái chết của những người thân yêu, của bè bạn, do uy tín hay một lý do nào không rõ, ông thường xuyên chủ trì các tang lễ của bạn bè mình. "Người đẹp say ngủ" vì thế có một ý nghĩa lớn trong sự nghiệp văn chương của nhà văn, nó như lời chào vĩnh biệt tuổi sung mãn để bước vào tuổi già, đồng thời nó như một bài thơ từ thế của ông báo trước cho người đương thời. "Người đẹp say ngủ" có dung lượng ngắn, khi dịch sang những ngôn ngữ như tiếng Anh, nó thường được in kèm với một số truyện ngắn khác để đầy đặn bản in. Bản chất như một bài thơ, nó kết tinh những thành tựu nghệ thuật của Kawabata và vì thế rất được văn hào Gabriel García Márquez - tác giả của "Trăm năm cô đơn" - yêu thích, ta có thể tìm thấy nguồn cảm hứng "Người đẹp say ngủ" trong tiểu thuyết "Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi" của García Márquez. Điều đó có thể thấy sự quan tâm của người yêu văn chương với chỉ riêng tác phẩm này của Kawabata.
Năm 1963, ông viết "Bất tử" - một dạng "truyện ngắn trong lòng bàn tay" kể về một ông cụ vừa qua đời hội ngộ linh hồn cô gái ông yêu chết lúc trẻ. Dù tin rằng cõi chết chính là cõi bất tử nhưng ông vẫn phản đối hành động tự sát của văn hào Mishima Yukio (1925-1970). Vậy mà 2 năm sau, khi bước vào tuổi "thất thập cổ lai hy", ông quyết định tự tử hệt như cái chết của những người đẹp trong tiểu thuyết, ra đi trong giấc ngủ vùi.
Trưởng thành trong nỗi cô đơn
Mồ côi cha mẹ từ năm 2 tuổi, phải về sống với ông bà ngoại, lên 7 thì bà ngoại mất, 9 tuổi thì mất chị và 14 tuổi thì mất luôn ông ngoại. Đó là dòng tóm tắt cuộc đời từ lúc sinh ra đến tuổi thiếu niên của một trong những nhà văn vĩ đại nhất Nhật Bản: Kawabata Yasunari (1899-1972). Ta thấy gì từ tiểu sử ấy? Một thời thơ ấu tràn ngập cái chết như thể một lời nguyền bám riết lấy cuộc đời nhà văn. Trưởng thành trong nỗi cô đơn vô hạn của kiếp người, Kawabata đi lang thang trên cuộc thế suốt 73 năm rồi quyết định quyên sinh bằng khí gas, trong giấc ngủ. Dường như ông đã tiên báo về cái chết của mình trong đoản thiên "Người đẹp say ngủ".
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/kawabata-yasunari-va-cai-dep-noi-phu-the-20190705210751528.htm