Kazakhstan chìm trong hỗn loạn, các ngân hàng tạm dừng hoạt động
Ngân hàng Trung ương Kazakhstan vừa yêu cầu toàn bộ các ngân hàng trong nước và sàn giao dịch chứng khoán ngừng hoạt động giữa lúc chiến dịch ổn định biểu tình được triển khai.
Phát ngôn viên Olzhas Ramazanov của Ngân hàng Trung ương Kazakhstan cho biết động thái này nhằm bảo vệ sức khỏe và an toàn cho nhân viên, cũng như khách hàng trong bối cảnh “chiến dịch chống khủng bố” được triển khai, theo Interfax.
Lực lượng quân đội được điều động về nhiều nơi để ổn định tình hình. Ảnh: Getty Images.
Hãng tin TASS đưa tin việc tạm ngừng các hoạt động dự kiến chỉ diễn ra trong ngày 6/1.
Thông báo trên được đưa ra sau khi chính quyền Kazakhstan áp đặt tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Tổng thống Kassym Jomart Tokayev đã điều động các lực lượng quân đội đến nơi diễn ra bạo loạn để chống lại nhóm người mà ông gọi là “băng nhóm khủng bố được đào tạo chuyên nghiệp tại nước ngoài”.
Theo NetBlocks, một cơ quan giám sát có trụ sở tại London, vương quốc Anh, tình trạng mất điện tiếp tục diễn ra trên khắp đất nước sau khi mạng lưới Internet bị gián đoạn.
Tình hình bất ổn tại Kazakhstan khiến nhiều hoạt động tài chính bị gián đoạn, giữa lúc các cuộc đụng độ bạo lực đặt ra thách thức lớn đối với giới lãnh đạo nước này trong nhiều thập kỷ.
Nguyên nhân do đâu?
Tình hình bất ổn tại Kazakhstan khiến nhiều hoạt động tài chính bị gián đoạn. Ảnh: AFP.
Ngay từ những ngày đầu năm mới, Kazakhstan đối mặt với làn sóng bất ổn, khi hàng nghìn người đổ xuống đường biểu tình, đốt phá, gây bạo loạn, đẩy quốc gia Trung Á vào cuộc khủng hoảng lớn nhất trong nhiều thập kỷ.
Bất ổn xã hội tại Kazakhstan bùng phát sau khi giá nhiên liệu tăng đột biến, đặc biệt tại khu vực phía tây đất nước. Chỉ trong vòng vài ngày, giá nhiên liệu nhiều nơi tăng gấp đôi.
Mọi thứ bắt đầu khi chính phủ Kazakhstan chấm dứt chính sách trợ giá khí hóa lỏng (LPG), một loại nhiên liệu carbon thấp mà nhiều người Kazakhstan sử dụng cho ôtô thay xăng. Từ năm 2019, chính phủ nước này dần giảm trợ cấp cho LPG, với mục đích để thị trường tự điều tiết giá loại nhiên liệu này.
Khi chính sách trợ giá LPG chấm dứt hoàn toàn vào ngày 1/1 vừa qua, giá mặt hàng này lập tức tăng gấp đôi, từ 60 tenge (0,14 USD) lên 120 tenge (0,28 USD) mỗi lít.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng cuộc biểu tình có nguyên nhân sâu xa hơn, trong đó có nỗi phẫn nộ với tình trạng bất bình đẳng về kinh tế - xã hội ngày càng trở nên trầm trọng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tại Kazakhstan. Theo thống kê của chính phủ, mức lương trung bình ở Kazahstan ở mức 570 USD/tháng/người, nhưng trên thực tế, thu nhập của một số người còn ít hơn rất nhiều.
Phong trào biểu tình dường như đã được đẩy lên cao hơn thành làn sóng bất bình lớn về chính phủ và nạn tham nhũng tràn lan, khiến cho một nhóm nhỏ giới tinh hoa giàu lên nhanh chóng.
Biểu tình bùng phát từ ngày 2/1 ở thị trấn Zhanaozen, tỉnh Mangystau, miền tây Kazakhstan rồi lan rộng ra nhiều địa phương trên cả nước, với mức độ bạo loạn ngày càng tăng.
Tại thành phố lớn nhất và thủ đô cũ của Kazakhstan – Almaty – những người biểu tình đã chiếm sân bay quốc tế và phóng hỏa dinh tổng thống, cũng như tòa thị chính. Các nhà chức trách sau đó cho biết sân bay đã hoạt động trở lại.
Chính quyền Tổng thống Tokayev đã tìm cách dập tắt các cuộc biểu tình bằng cách ban bố tình trạng khẩn cấp, chặn các mạng xã hội nhiều người dùng như Facebook, WhatsApp, Telegram và cả ứng dụng WeChat của Trung Quốc. Các cuộc biểu tình chưa được cấp phép ở Kazakhstan đều bị coi là bất hợp pháp.
Khi làn sóng biểu tình tăng nhiệt, yêu cầu của nhóm biểu tình cũng mở rộng hơn, từ đòi hỏi giảm giá nhiên liệu tới các yêu sách chính trị. Trong số những thay đổi chính trị mà họ tìm kiếm có yêu cầu bầu cử trực tiếp thống đốc vùng, thay vì cơ chế lãnh đạo địa phương do tổng thống bổ nhiệm như hiện nay.
Nga cùng các đồng minh cam kết sẽ điều động quân đội nhằm giúp chính quyền Tổng thống Tokayev dặp tắt các cuộc biểu tình.
Hương Vũ (Tổng hợp)