Kazakhstan sử dụng tuyến xuất khẩu dầu mới không đi qua Nga vào năm 2023
Kazakhstan hy vọng sẽ cung cấp tới 1,5 triệu tấn dầu qua đường ống Baku-Tbilisi-Ceyhan vào năm 2023 như một phần của nỗ lực ngày càng tăng nhằm tìm kiếm các tuyến đường xuất khẩu không qua Nga.
Thủ tướng Kazakhstan Alikhan Smailov mới đây nói rằng, kỳ vọng của Chính phủ là các chuyến hàng hàng năm qua đường ống Baku-Tbilisi-Ceyhan sẽ đạt 6 - 6,5 triệu tấn.
Hiện tại, hơn 2/3 lượng dầu xuất khẩu của Kazakhstan thường đến châu Âu thông qua Nga. Nhưng gần đây người ta nhấn mạnh vào việc phát triển năng lực của nơi được mệnh danh là "Hành lang giữa" - nghĩa là Biển Caspi và một chuỗi các quốc gia bao gồm Azerbaijan, Georgia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo ông Smailov, chiến lược đa dạng hóa tuyến đường xuất khẩu của Kazakhstan dựa vào việc sử dụng các tàu chở dầu từ cảng Aktau để cung cấp dầu vào đường ống Baku-Supsa, có ga cuối trên bờ Biển Đen của Gruzia, và các chuyến tàu chạy dọc theo tuyến đường sắt Baku-Batumi, điển hình như các chuyến tàu đi từ vùng giàu dầu mỏ Atyrau đến Uzbekistan và Trung Quốc.
Ông Smailov nói: "Công việc hiện đang được tiến hành trong tất cả các lĩnh vực để mở rộng và tăng tiềm năng xuất khẩu dầu".
Việc thúc đẩy xuất khẩu dầu sẽ đòi hỏi đầu tư vào phương tiện vận chuyển. Tengizchevroil, nhà khai thác dầu lớn nhất ở Kazakhstan, đang phát triển mỏ Tengiz ở khu vực Atyrau, đã tăng gấp đôi số lượng toa chở dầu và đã bắt đầu thực hiện các chuyến hàng thử nghiệm bằng tàu hỏa tới Georgia và Uzbekistan, ông Smailov nói thêm.
Tuy nhiên, khối lượng dầu được vận chuyển dọc theo các tuyến đường thay thế vẫn còn rất nhỏ. Năm ngoái, Kazakhstan đã gửi 54 triệu tấn dầu tới châu Âu thông qua tuyến đường của Hiệp hội Đường ống Caspian đi qua Nga dài hàng trăm km trước khi kết thúc tại cảng Novorossiysk ở Biển Đen. Phần lớn còn lại trong tổng số 86 triệu tấn mà Kazakhstan khai thác được chuyển đến Trung Quốc.
Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev vẫn lạc quan về dài hạn. Phát biểu tại một sự kiện công cộng ở vùng Mangystau hôm 7/11, ông nói rằng khối lượng dầu được vận chuyển dọc theo tuyến đường xuyên Caspi qua hai cảng của Kazakhstan, Aktau và Kuryk, cuối cùng sẽ tăng lên 20 triệu tấn mỗi năm.
Vấn đề hậu cần là một vấn đề cấp bách vì Kazakhstan có ý định tăng sản lượng dầu. Theo Nurlan Zhumagulov, Giám đốc điều hành của Liên minh các công ty dịch vụ mỏ dầu, Kazakhstan có kế hoạch nâng sản lượng hàng năm lên 100 triệu tấn vào năm 2025, chủ yếu bằng cách tăng công suất đầu ra tại Tengizchevroil và siêu mỏ Kashagan.