KBSV: Tăng trưởng tín dụng có thể được nới lỏng trong quý 3
Các ngân hàng đã đạt chuẩn Basel II sẽ được ưu tiên nới tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, với ước tính từ 2 - 3% trong quý 3, thời điểm bắt đầu mùa cao điểm cho vay của các ngân hàng.
Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) công bố báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam quý 2/2020 ghi nhận trong quý gần nhất GDP cả nước tăng 3,82%, thấp nhất trong vòng 10 năm qua và giảm tới 3% so với quý 1/2019.
Trong quý 1, tăng trưởng của hầu hết các lĩnh vực chủ lực đều có xu hướng giảm so với cùng kỳ, dưới tác động của dịch Covid-19.
Bước sang quý 2, tác động của dịch được dự báo sẽ còn sâu rộng hơn do dịch bệnh phức tạp và kéo dài hơn ước tính ban đầu, Chính phủ cũng đã thực hiện việc “cách ly xã hội” khiến các hoạt động kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề.
Dịch Covid-19 đang tác động tới nhu cầu tiêu dùng ở các nước đối tác thương mại chính của Việt Nam như Mỹ và EU, và khiến ngành sản xuất, đặc biệt các nhóm ngành là động lực trong tăng trưởng như dệt may, giày dép, điện tử sẽ bị ảnh hưởng mạnh.
Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt trong số đó là việc nới lỏng tiền tệ.
Trong quý 1/2020, thanh khoản của hệ thống rất dồi dào, với mức chênh lệch phần tăng thêm M2 và tín dụng cao nhất so với cùng kỳ trong 3 năm trở lại đây.
Cụ thểm Ngân hàng Nhà nước đã chủ động bơm tiền vào hệ thống thông qua việc mua ngoại tệ (ước tính 3,6 tỷ USD, tương đương khoảng 84 nghìn tỷ đồng) trong giai đoạn trước Tết Nguyên Đán nhằm hỗ trợ thanh khoản
Dịch bệnh khiến cầu tín dụng yếu đi do các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh. Thanh khoản dư thừa và không thể chảy ra ngoài thị trường đã đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ xuống mức thấp nhất từ trước đến nay.
Ngoài ra, hoạt động trường mở và thị trường liên ngân hàng khá trầm lắng. Tuy nhiên, sự dồi dào thanh khoản ở thị trường liên ngân hàng hiện chưa thể giúp lãi suất huy động và lãi suất cho vay trên thị trường 1 giảm mạnh.
Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã phải sử dụng biện pháp hành chính, bao gồm điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, hạ trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng vào giữa tháng 3. Biện pháp này đã phần nào có tác dụng, khi mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn hơn 6 tháng được điều chỉnh giảm.
Lãi suất cho vay đã được các ngân hàng thương mại giảm từ 0,5 – 2%/năm đối với các khoản cho vay hiện hữu và vay mới từ 1/4/2020 cho nhóm khách hàng chịu ảnh hưởng từ Covid-19 theo Chỉ thị 02/CT-NHNN.
Bước sang quý 2, KBSV đánh giá chính sách tiền tệ sẽ nới lỏng thận trọng sau dịch Covid-19. Công ty chứng khoán này dự báo, NHNN sẽ duy trì mức tăng trưởng cung tiền M2 và tín dụng trong biên độ tăng trưởng 10-14% xuyên suốt năm, nhằm tránh những hệ lụy về sau như nợ xấu và bong bóng giá tài sản (như bất động sản) trong giai đoạn 2009 - 2011.
Mức tăng trưởng này là phù hợp và là mục tiêu Ngân hàng Nhà nước duy trì trong 2 năm qua nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và kích thích tăng trưởng. Các biện pháp hỗ trợ thanh khoản ngắn và trung hạn có thể cần được sử dụng linh hoạt.
Mặc dù thanh khoản hệ thống đang ở trạng thái tương đối dồi dào, rủi ro từ áp lực tỷ giá tác động đáng kể là kịch bản cần được tính đến.
Có thể, NHNN sẽ nới room tín dụng cho từng ngân hàng, ưu tiên các ngân hàng đã đạt Basel II, với ước tính từ 2 - 3 điểm phần trăm trong quý 3, thời điểm bắt đầu mùa cao điểm cho vay của các ngân hàng.
Mặc dù vậy, KBSV nhận định khả năng hấp thụ của nền kinh tế được dự báo sẽ khá yếu và phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh, và khả năng khởi động lại của nền kinh tế sau khi dịch kết thúc.
Đối với mặt bằng lãi suất cho vay, xu hướng giảm nhiều khả năng sẽ rõ rệt hơn trong thời gian tới. Quan sát mối quan hệ giữa lãi suất cho vay và lãi suất điều hành, chúng tôi nhận thấy xu hướng đồng pha rõ rệt, nhất là trong trường hợp thanh khoản hệ thống gặp vấn đề. Xu hướng lệch pha trong thời gian 3 năm trở lại đây chủ yếu do quy định kiểm soát thanh khoản từ Ngân hàng Nhà nước (giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn).