Nằm trên đại lộ Hữu Nghị (thành phố Thuận An, Bình Dương), cách TP.HCM khoảng 20 km, Khu công nghiệp Việt Nam Singapore VSIP I được hình thành từ năm 1996 dựa trên ý tưởng hợp tác giữa Việt Nam và Singapore, do Thủ tướng Võ Văn Kiệt đề xuất với Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong.
Hoàn thiện vào năm 1997 với quy mô 500 ha cùng hệ thống quản lý và cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn quốc tế, KCN này đã trở thành một trong những khu công nghiệp kiểu mẫu của Việt Nam.
Dự án do Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, một liên doanh giữa Tổng công ty Becamex IDC và tập đoàn Sembcorp Industries làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư cho KCN VSIP I lên đến hơn 1,5 tỷ USD.
Sau 24 năm hoạt động, KCN đã được phủ kín 100% với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 3,2 tỷ USD từ 231 dự án.
Khu VSIP I được lựa chọn là điểm đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có nhiều thương hiệu lớn đến từ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc... Tại đây, một số ngành được khuyến khích và ưu đãi đầu tư như công nghệ cao, thân thiện với môi trường lắp ráp linh kiện điện tử, cơ khí chính xác và ngành may mặc.
Doanh nghiệp đầu tư tại đây sẽ được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với thời gian hoạt động 50 năm kể từ ngày cấp. Nơi đây được thiết kế là một KCN với cơ sở hạ tầng hiện đại, hoàn chỉnh bao gồm hệ thống điện, nước, xử lý chất thải, thông tin liên lạc và cả nhà máy phát điện.
Hệ thống giao thông được quy hoạch lên đến 64 m ngang cho trục đường chính, trong khi các đường nhánh nội bộ là 24 m, mật độ xây dựng ở mức 60%. Khoảng cách từ đây đến đến Cảng nước sâu Cát Lái là 28 km, đến Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là 20 km.
Trước nhu cầu thuê xưởng sản xuất, nhà máy, kho vận ngày càng cao của doanh nghiệp trong và ngoài nước đến Bình Dương, đến năm 2006, VSIP tiếp tục phát triển dự án VSIP II sau 10 năm, nằm cách cơ sở một 15 km về phía Bắc với diện tích khoảng 345 ha. Khu công nghiệp nằm trong Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bình Dương có quy mô 4.196 ha, thuộc địa bàn thị xã Bến Cát, Tân Uyên và TP Thủ Dầu Một.
Đến năm 2008, cơ sở này tiếp tục được mở rộng thêm khoảng 1.700 ha với 1.000 ha phát triển khu công nghiệp và 700 phát triển khu đô thị và dịch vụ, nâng tổng quy mô của dự án VSIP II lên 2.045 ha.
Đến nay, KCN VSIP II đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng, lấp đầy 99% diện tích KCN với sự có mặt của gần 340 dự án, thu hút nguồn vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD.
Cũng như các dự án khác của chủ đầu tư, các ngành nghề được khuyến khích đầu tư trong KCN này gồm các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường, lắp ráp linh kiện điện tử, cơ khí chính xác, sản xuất chế biến hàng tiêu dùng, sản xuất lắp ráp ôtô, xe máy...
Tại đây, các doanh nghiệp đến đầu tư được được cung cấp đất có sẵn hạ tầng, tiện ích cơ bản như điện, nước, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống truyền thông và dễ dàng kết nối đến các khu vực công cộng.
Giá thuê đất đã có hạ tầng trong KCN này khoảng 85 USD/m2/chu kỳ thuê với diện tích thuê tối thiểu là 5.000 m2. Mức giá này cao hơn khá nhiều so với các khu công nghiệp có quy mô nhỏ của các chủ đầu tư trong nước trong khu vực.
Để đáp ứng nhu cầu của những doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất một cách linh hoạt, chủ đầu tư cũng cung cấp dịch vụ nhà xưởng xây sẵn cho thuê được thiết kế đồng bộ. Khách thuê chủ yếu của nhà xưởng xây sẵn là các doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ước tính, hai KCN VSIP I và II đang cung cấp việc làm cho khoảng 155.000 lao động (công nhân trong các nhà máy và công nhân vận hành khu công nghiệp) với mức thu nhập 250 - 500 USD/tháng.
Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore đang tiếp tục triển khai dự án VSIP III tại xã Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên và xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với tổng diện tích dự kiến 1.000 ha, tổng mức đầu tư 6.407 tỷ đồng.
Quỳnh Danh - Hà Bùi