Kdang: Chuyển biến tích cực trong học tập và làm theo Bác
Trong 5 năm (2016-2021), Đảng bộ xã Kdang (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã chú trọng tổ chức thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cuộc vận động có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân.
Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở
Để nâng cao hiệu quả học tập và làm theo Bác, Đảng bộ xã Kdang luôn quan tâm duy trì giải pháp tổ chức học tập, quán triệt thực hiện các nội dung chuyên đề hàng năm cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đồng thời đa dạng các hình thức tuyên truyền hiệu quả đến các tầng lớp nhân dân. Cùng với đó, Đảng ủy xã đã đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành nội dung thường xuyên trong sinh hoạt chi bộ, gắn với thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo quy định.
Mặt khác, Đảng ủy xã chú trọng đào tạo, quy hoạch tạo nguồn cán bộ, mạnh dạn giới thiệu những cán bộ trẻ, cán bộ nữ vào các chức danh chủ chốt, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nhận thức chính trị. Đồng thời, bố trí, sắp xếp cán bộ, đảng viên phù hợp với vị trí công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ông Trần Quốc Tân-Bí thư Đảng ủy xã-cho biết: “Đảng bộ xã hiện có 250 đảng viên thuộc 16 chi bộ. 10/10 chi bộ thôn, làng có cấp ủy, 8/10 thôn, làng có bí thư là người tại chỗ, 7/10 trưởng thôn là đảng viên, 2/10 thôn, làng có bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Tổng số cán bộ, công chức của xã là 33 người, 100% đạt chuẩn theo quy định. Đảng ủy xã cũng đã tập trung củng cố một số chức danh ở xã và thôn, làng đảm bảo hoạt động hiệu quả theo đúng tiêu chí số 18 về xây dựng nông thôn mới”.
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động bộ máy, UBND xã đưa nhiệm vụ cải cách hành chính vào kế hoạch thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội của địa phương. Cán bộ, công chức thực hiện phong cách làm việc gần dân, hiểu dân, tôn trọng dân. Bà Văn Thị Tường Vi-công chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND xã-chia sẻ: “Xã có gần 44% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều trường hợp giấy tờ tùy thân của bà con không trùng khớp thông tin, nhiều người phải làm lại hồ sơ giấy tờ cá nhân, gây quá tải. Trong năm, xã đã tiếp nhận giải quyết gần 2.000 hồ sơ làm lại giấy khai sinh. Vì vậy, cán bộ, công chức xã tranh thủ làm cả ban đêm để kịp tiến độ cấp căn cước công dân cho người dân”.
Quan tâm đời sống người dân
Là địa bàn vùng dân tộc thiểu số, Đảng ủy xã chú trọng thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân. Bí thư Đảng ủy Trần Quốc Tân cho biết thêm: “Đảng ủy xã thường xuyên chỉ đạo UBND xã tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, chỉ đạo MTTQ và các đoàn thể, cán bộ các thôn, làng đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân nhận thức hậu quả phát sinh khi sang nhượng, cho thuê đất, cũng như tình trạng thiếu đất sản xuất và đói nghèo. Đồng thời, phối hợp các ngân hàng tạo điều kiện vay vốn sản xuất, giúp đồng bào dân tộc thiểu số giữ gìn quỹ đất hiện có để sản xuất ổn định lâu dài. Chính quyền và MTTQ, các đoàn thể của xã vào cuộc kịp thời để giải thích, tuyên truyền giúp người dân đồng thuận thực hiện. Kết quả, 720 hộ của 6 làng dân tộc thiểu số đã ký cam kết không cho thuê và sang nhượng đất trái pháp luật”.
Cùng với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cán bộ xã thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn người dân phát triển cây trồng chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, lúa nước...duy trì ổn định diện tích gieo trồng hàng năm, tiếp cận vốn vay phát triển sản xuất kinh doanh, các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn. Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đinh Đan cho biết: “Đến nay, các loại cây trồng chủ lực phát triển ổn định với 3.440 ha cà phê, 268 ha lúa, hơn 90 ha cao su, 274 ha hồ tiêu... Năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi cải thiện nên đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững mạnh. Xã Kdang đang tiếp tục duy trì 19/19 tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới”.
Làng Bla-Trek có 214 hộ với hơn 1.030 khẩu, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm gần 74%. Học tập và làm theo Bác, cán bộ và dân làng luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước và cuộc vận động. Ông Y Ven-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng-cho hay: “Dân làng Bla-Trek đã có nhiều chuyển biến trong nếp nghĩ, cách làm để tiến tới thoát nghèo bền vững. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm. Làng còn 4 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo chủ yếu do thiếu phương tiện sản xuất, sức lao động, già yếu, bệnh tật. Làng phấn đấu cuối năm nay hoàn thành các tiêu chí làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số theo Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy”.