Kẻ bắt cóc bé trai, tống tiền 15 tỷ đồng đối diện mức án nào?
Theo luật sư, hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là tội phạm hình sự đặc biệt nghiêm trọng, nghi phạm có thể phải chịu mức cao nhất của khung hình phạt.
Công an TP Hà Nội cho biết, Giám đốc Công an thành phố đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra phối hợp các đơn vị khẩn trương điều tra, củng cố hồ sơ, tài liệu để khởi tố vụ án, khởi tố bị can, mở rộng điều tra vụ bắt cóc bé trai 7 tuổi ở quận Long Biên.
Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp) cho rằng, hành vi của nghi phạm Nguyễn Đức Trung (31 tuổi) rất manh động, thể hiện thái độ coi thường pháp luật.
Vụ việc giống như kịch bản trong phim hành động mà ít xảy ra trong thực tế ở Việt Nam. Nghi phạm sẽ phải chịu mức cao nhất của khung hình phạt, có thể là 20 năm tù hoặc tù chung thân
"Hành vi này là vi phạm pháp luật, liền một lúc xâm phạm đến nhiều khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ nên việc cơ quan điều tra khẩn trương vào cuộc, khống chế bắt giữ đối tượng là cần thiết để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật", Tiến sĩ Đặng Văn Cường nêu quan điểm.
Luật sư Cường phân tích, hành vi của đối tượng là bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, đây là tội phạm hình sự đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm quyền sở hữu hợp pháp tài sản của người khác, đồng thời xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do thân thể của công dân, đe dọa uy hiếp đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng của nạn nhân và những người khác.
Với số tiền có ý định chiếm đoạt 15 tỷ đồng, nghi phạm sẽ phải đối mặt với khung hình phạt có mức hình phạt cao nhất là tù chung thân theo quy định tại khoản 4, Điều 169 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là một trong các tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu tài sản.
Hành vi bắt, giam, giữ nạn nhân là hành vi nguy hiểm cho xã hội, riêng hành vi này cũng có thể cấu thành một tội phạm độc lập nếu như đối tượng không có mục đích chiếm đoạt tài sản (tội bắt, giữ, giam người trái pháp luật).
Trường hợp đối tượng thực hiện hành vi bắt, giữ, giam người trái pháp luật nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi này còn có tính chất nguy hiểm hơn bởi hành vi không chỉ xâm phạm đến quyền tự do thân thể của công dân mà còn xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp tài sản của người khác, gây hoang mang trong dư luận xã hội.
Hành vi này thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm kể từ thời điểm xâm phạm đến quyền tự do thân thể của công dân với mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản.
Khi đối tượng bắt giữ nạn nhân và thông báo cho gia đình về số tiền chuộc là hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào việc đối tượng đã chiếm đoạt được tài sản của nạn nhân hay chưa.
"Do tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội nên dưới góc độ pháp lý tội phạm có cấu thành hình thức, chỉ cần đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội (không đòi hỏi hậu quả phải chiếm đoạt được tài sản xảy ra) thì hành vi đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm", ông Cường nhấn mạnh.
Trong vụ việc này, mặc dù tên bắt cóc chưa chiếm đoạt được số tiền như mong muốn là 15 tỷ đồng nhưng hắn vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự liên quan đến số tiền mà kẻ này đã đưa ra làm cơ sở xác định tính chất vụ việc và làm cơ sở để tòa án lựa chọn loại hình phạt cho phù hợp với tính chất của hành vi phạm tội.
Trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ khẩu súng mà Nguyễn Đức Trung sử dụng có nguồn gốc từ đâu, vụ án có đồng phạm hay không để giải quyết triệt để vụ án theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt hành vi trốn chạy, chống trả lực lượng chức năng cho thấy tính chất manh động, ngoan cố, coi thường pháp luật của đối tượng này. Hành vi gây ra thương tích cho người thi hành công vụ, bởi vậy nghi phạm sẽ bị áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, đồng thời là căn cứ để tòa án quyết định mức hình phạt nghiêm khắc.
Việc quyết định hình phạt cụ thể sẽ do tòa án quyết định, căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/ke-bat-coc-be-trai-tong-tien-15-ty-dong-doi-dien-muc-an-nao-ar813075.html