Kẻ bắt nạt trên mạng đầu tiên bị trừng phạt ở Nhật Bản
Thanh niên 26 tuổi đến từ tỉnh Aichi là người đầu tiên bị xử phạt theo luật mới của Nhật Bản khi có hành vi bình luận xúc phạm người khác trên mạng.
Dự luật mới được quốc hội Nhật Bản thông qua ngày 13/6 quy định người phạm tội dùng lời nói để lăng mạ người khác nơi công cộng, kể cả trên mạng xã hội, có thể đối mặt án phạt lên đến một năm tù giam hoặc phạt tiền 300.000 yen (tương đương 2.230 USD).
Trước đó, luật pháp nước này quy định những người bị kết tội lăng mạ, sỉ nhục người khác chịu mức phạt giam giữ dưới 30 ngày hoặc phạt tiền dưới 10.000 yen (74 USD).
Hôm 16/6, một người đàn ông 26 tuổi bị các công tố viên Tokyo truy tố đã trở thành người đầu tiên chịu mức phạt mới vì những bình luận vu khống trên mạng xã hội, South China Morning Post đưa tin.
Người đàn ông không được nêu tên, đến từ tỉnh Aichi (miền Trung Nhật Bản), bị truy tố vì đăng bình luận xúc phạm Takuya Matsunaga, người có vợ và con gái bị một tài xế lớn tuổi tông chết ở Tokyo năm 2019.
Cụ thể, người này đã bình luận vu khống rằng "Matsunaga chỉ kiện tài xế vì muốn tiền và để được chú ý".
Vụ việc của người đàn ông 26 tuổi sẽ được theo dõi và giám sát chặt chẽ, trong bối cảnh dư luận Nhật Bản phản ứng gay gắt trước nhiều vụ bắt nạt trực tuyến những năm gần đây.
Nỗ lực dập tắt bạo lực mạng
Sau khi nữ đô vật Hana Kimura (22 tuổi) tự tử vì trở thành mục tiêu bắt nạt trực tuyến vào năm 2020, vấn đề bạo lực mạng càng được công chúng Nhật Bản quan tâm.
Hana Kimura trở nên nổi tiếng sau khi xuất hiện trong show truyền hình thực tế Terrace House (Nhà tầng thượng). Cô bị khán giả chỉ trích sau lần xích mích với một thành viên nam cùng nhà. Nhiều dân mạng khẳng định tình huống Kimura tát người kia là do nhà sản xuất sắp đặt để gây hiệu ứng.
Nhiều dân mạng bắt đầu có lời lẽ xúc phạm Kimura kịch liệt. Trên các trang mạng, họ yêu cầu cô phải rời chương trình lập tức và chế giễu cô là "ngu ngốc". Nhiều bài đăng còn nói cô "hãy tự đi chết đi".
Trong cuộc họp báo sau khi dự luật mới được thông qua, bà Kyoko Kimura, mẹ của nữ đô vật, bày tỏ sự nhẹ nhõm.
"Luật trước đây không có tác dụng răn đe và thiếu hợp lý. Tôi vui mừng khi thấy luật mới cuối cùng cũng được thông qua", bà nói.
Tuy nhiên, bà Kyoko Kimura cảnh báo rằng luật mới không phải là sự kết thúc của vấn đề. "Mọi chuyện chỉ mới bắt đầu. Việc xử phạt như thế nào còn phụ thuộc vào hành vi của mỗi chúng ta".
Luật mới chưa rõ ràng
Vickie Skorji, giám đốc của dịch vụ tư vấn TELL Lifeline có trụ sở tại Tokyo, cho biết đã có sự gia tăng rõ rệt về các trường hợp bắt nạt trực tuyến trong vài năm qua, và những sửa đổi của luật là một “bước đi đúng hướng”.
"Mọi người đang trong trạng thái thiếu lành mạnh, một phần do ảnh hưởng của đại dịch và những vấn đề liên quan. Tình hình có thể chưa khả quan trong vài năm tới, đặc biệt khi chúng ta đối mặt thách thức về kinh tế", bà nói.
Skorji cho rằng mọi người đang bị kiệt sức. Họ đã phải trải qua những áp lực, căng thẳng hơn bao giờ hết, và nạn bắt nạt đang diễn ra trong trường học lẫn trên các trang mạng xã hội.
"Những gì xảy ra với Hana Kimura đã thu hút sự chú ý vào vấn đề này. Đồng thời, nhiều diễn viên và người nổi tiếng cũng kể ra câu chuyện tương tự khi họ bị bắt nạt trực tuyến. Vì vậy, tôi cho rằng luật mới là một hướng đi đúng".
Tuy nhiên, bà cũng nói thêm rằng không thể phủ nhận Nhật Bản khá tụt hậu so với các quốc gia khác trong vấn đề này.
"Ở Mỹ, Anh và nhiều quốc gia phát triển khác, rõ ràng có các quy tắc và quy định chính xác những gì có thể và không được nói, những gì cấu thành lời nói căm thù hoặc bắt nạt.
Nhưng ở Nhật Bản, vấn đề này vẫn còn mới. Chính phủ đang cố gắng hành động và đó là điều tích cực. Nhưng nó không giúp giải quyết vấn đề trong một sớm một chiều. Những gì luật mới làm là cho mọi người biết đó là hành vi không phù hợp và cảnh báo sẽ có hậu quả".
Bên cạnh sự ủng hộ, luật mới này cũng vấp phải nhiều chỉ trích. Một số người cho rằng các quy định của luật quá mơ hồ về việc xác định những gì thực sự cấu thành hành vi vu khống hoặc bắt nạt trực tuyến.
Một số chính trị gia đảng đối lập và Liên đoàn Luật sư Nhật Bản nói rằng các sửa đổi có thể hạn chế quyền tự do ngôn luận, thậm chí có thể được chính phủ sử dụng để hạn chế chỉ trích các chính sách.
Một số ý kiến khác cho rằng các nhà chức trách nên tạo áp lực lên các công ty truyền thông, buộc họ quản lý và dập tắt các hành vi bắt nạt trực tuyến.
Chisato Kitanaka, phó giáo sư xã hội học tại Đại học Hiroshima chuyên về các vấn đề quấy rối và bạo lực gia đình, cũng có chung quan điểm rằng các nhà chức trách nên phối hợp với công ty truyền thông để kiểm soát bạo lực mạng.