Kể cả hậu đại dịch Covid-19, cạnh tranh Mỹ-Trung chưa có hồi kết
Đại dịch Covid-19 khởi nguồn từ Trung Quốc và hiện Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Dại dịch chưa từng có này đang khiến cả thế giới chật vật và chẳng làm hạ nhiệt cạnh tranh Mỹ-Trung.
Cạnh tranh Mỹ-Trung không có dấu hiệu giảm nhiệt trước cuộc khủng hoảng Covid-19. (Nguồn: Reuters)
Biển Đông - Điểm nóng chiến lược
Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang kêu gọi “chiến tranh nhân dân” chống lại Covid-19, các tàu quân sự của Trung Quốc không ngừng tăng cường sức ép, sự hiện diện tại Biển Đông. Trước tình hình đó, Mỹ liên tục lên tiếng, ra các thông báo phản đối, bày tỏ quan ngại về các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông.
Trong những tháng qua, Lực lượng bờ biển Trung Quốc tiếp tục sử dụng các tàu bán quân sự để đàn áp các tàu cá, tàu quân sự và các dàn khoan của các nước Đông Nam Á: Hải quân Trung Quốc tiến hành diễn tập quân sự với sự tham gia của tàu ngầm, máy bay chiến đấu và tàu tên lửa; đưa vào hoạt động các trạm nghiên cứu dân sự mới tại quần đảo Trường Sa, trên Đá Chữ Thập và Đá Subi; tàu quân sự Trung Quốc đã đâm chìm 1 tàu cá Việt Nam tại khu vực Hoàng Sa, vụ việc thứ 2 trong vòng 1 năm; Tàu hải quân Trung Quốc tiến sát 0,3 hải lý đối với dàn khoan thăm dò 2 lô dầu khí của Malaysia...
Các vụ việc trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế và y tế trong nước, hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt của Mỹ đang phải neo đậu tại Guam và đối mặt với dịch Covid-19 lây lan nhanh trong các thủy thủ (thậm chí đã có thiệt hại về sinh mạng).
Chính quyền Trump đã lên án Trung Quốc “lợi dụng sự mất tập trung của các nước để bành trướng tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông”. Những hoạt động quyết đoán của Bắc Kinh đi ngược lại với hình ảnh mềm mỏng, "hào hiệp" và "sẵn sàng chia sẻ khó khăn chung" mà nước này đang cố gắng tạo ra kể từ đại dịch.
Dù có "giang tay" giúp đỡ thế giới trong cuộc chiến chống Covid-19, những hành động mạnh mẽ ở Biển Đông của Trung Quốc đã làm mất đi hình ảnh 'thân thiện'. (Nguồn: TIME)
Trong khi đó, Trung Quốc đã ủng hộ thiết bị y tế cho hơn 120 quốc gia và cử các chuyên gia y tế tới hỗ trợ nhiều nước. Lãnh đạo Trung Quốc luôn khẳng định viện trợ là hỗ trợ các nước trong khó khăn và không phục vụ mục đích chính trị.
Sau khi có tin Mỹ “quan ngại sâu sắc” đối với việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam tại Biển Đông, nhà phân tích của báo SvD Thụy Điển Jonas Gummesson cho rằng, trò chơi địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông vẫn tiếp tục.
Việc các thủy thủ trên một số tàu sân bay Mỹ bị nhiễm Covid-19 đã tạo ra một khoảng trống quân sự cho Trung Quốc khi với lợi thế gần nhà, các tàu Trung Quốc có thể thực hiện các nhiệm vụ ngắn, nhanh chóng rời về cảng và thay đổi thủy thủ đoàn nếu cần.
Cùng với đó, về mặt địa-chính trị và quân sự, đây là cơ hội vàng cho Trung Quốc. Kể từ khi Covid-19 lây lan nhanh chóng trở thành đại dịch toàn cầu, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự lớn trong khu vực. Trung Quốc đang khai thác việc hạm đội Mỹ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 để tiến lên kiểm soát các vị trí của mình ở Biển Đông.
Trưởng khoa Trung Quốc tại Trường King’s College tại London Kerry Brown cho rằng, đang có một ngã tư trong vai trò của Trung Quốc trên thế giới. Các quốc gia phải xây dựng một loại tường chắn tưởng tượng xung quanh nước này và tránh giao dịch với Trung Quốc, hoặc là chúng ta phải cố gắng phân chia thế giới, nơi mà các phần khác nhau có thể sống bên nhau mà không tìm cách thay đổi lẫn nhau.
Ngược lại sẽ là một cuộc xung đột toàn diện. Điều Trung Quốc đang cố hướng tới không phải là chiếm lấy vai trò của Mỹ trên thế giới, mà muốn được nhìn nhận là một cường quốc có biên giới ổn định và vai trò rõ ràng không chỉ ở châu Á, do vậy, họ muốn được đối xử tôn trọng.
Bất phân thắng bại trong cuộc đua công nghệ
Trong khi đó, Wall Street Journal chỉ ra một số cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ giữa hai nước, theo đó cạnh tranh rõ nhất là trong lĩnh vực mạng 5G, hứa hẹn sẽ là nền tảng cho công nghệ của tương lai.
Sau các thương vụ không thành công, những công ty từng mạnh nhất nước Mỹ như Lucent và Motorola đã bị Nokia (Phần Lan) và Ericsson (Thụy Điển) mua lại. Đến lượt những công ty này cũng đã gặp phải tình trạng mất việc và thua lỗ khi cạnh tranh với Huawei.
Huawei chiếm gần bằng tổng thị phần của các đối thủ ở châu Âu nhờ vào các sản phẩm tối tân và giá thành thấp. Thiết bị di động công nghệ tân tiến và năng lực phân phối nhanh chóng của Huawei giúp Trung Quốc triển khai mạng 5G nhanh, đưa hầu khắp cả nước trở thành nơi thí điểm công nghệ dựa trên nền tảng 5G như xe ô tô tự hành.
Còn sớm để khẳng định Trung Quốc đã thắng trong cuộc đua 5G, đặc biệt khi Mỹ đã đẩy mạnh việc kiềm chế Huawei. Nhưng xét từ góc độ nào thì Mỹ hiện cũng đang thua trong cuộc đua 5G. Huawei tiếp tục lớn mạnh, 5G tại Trung Quốc tiếp tục phát triển nhanh và đa số đồng minh của Mỹ đã phớt lờ những áp lực của Mỹ cấm hợp tác với Huawei phát triển mạng lưới quốc gia 5G vì lý do an ninh.
Cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung cũng không kém phần 'hấp dẫn'. (Nguồn: Nikkei)
Trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), 3 năm trước, Trung Quốc đã tuyên bố kế hoạch trở thành nước dẫn đầu thế giới về AI đến năm 2030, dự kiến ngành AI trong nước sẽ có giá trị tới 150 tỷ USD. Nhưng mặc dù Trung Quốc nghiên cứu AI nhiều hơn và dẫn trước ở một số lĩnh vực quan trọng của AI như nhận diện khuôn mặt, nước này vẫn chưa dẫn đầu toàn cục.
Khi nhắc đến nghiên cứu về AI tổng thể hoặc AI với năng lực tư duy rộng lớn, giống con người hơn, các công ty lớn của Mỹ như Microsoft, Google… rõ ràng vẫn đang dẫn đầu. Những lợi thế của Mỹ là ổn định, ít nhất trong trung hạn. Điều tối quan trọng đối với Mỹ để duy trì lợi thế của mình là không ngừng các hoạt động trao đổi học thuật và thương mại với các chuyên gia Canada, châu Âu, Israel và ngay cả Trung Quốc. Phần thắng thuộc về Mỹ nhưng rất suýt soát.
Tiếp theo là Điện toán lượng tử. Công nghệ này có tiềm năng vượt xa năng lực của các siêu máy tính hiện nay. Mỹ là nước dẫn đầu thế giới về chế tạo máy tính lượng tử. Trung Quốc cũng đã có phiên bản của mình nhưng theo giới phân tích, họ lạc hậu sau Mỹ nhiều năm. Tuy nhiên, công nghệ lượng tử vượt ra ngoài việc chế tạo máy tính và mở rộng vào truyền thông, lĩnh vực mà Trung Quốc có thể giành ưu thế.
Trung Quốc đã thúc đẩy truyền tải thông tin, cảm biến và radar lượng tử, những lĩnh vực đều có tiềm năng sử dụng trong quân sự, với sự dẫn dắt của “cha đẻ lượng tử” Trung Quốc Pan Jian Wei. Từ năm 2016, Trung Quốc đã phóng vệ tinh sử dụng tia photon trong trạng thái lượng tử và đang xây dựng một phòng thí nghiệm khoa học thông tin lượng tử khổng lồ trị giá 10 tỷ USD.
Như vậy, điểm số chia làm 2 phần, Mỹ dẫn đầu về điện toán lượng tử nhưng Trung Quốc dẫn đầu về truyền thông tin và mã hóa lượng tử. Tương lai ngành này là khó dự đoán vì những tiến bộ có khả năng định hình lĩnh vực này vẫn còn phải chờ khoảng 10 năm nữa.
Về chất bán dẫn, Trung Quốc đã chi hàng chục tỷ USD để cố gắng giành ưu thế. Mỹ xuất khẩu chip bán dẫn sang Trung Quốc ở mức độ ổn định trong nhiều năm và các công ty Trung Quốc vẫn chưa đạt được thị phần lớn, ngay cả ở trong nước. Năm 2018, khoảng 47,5% số chip được bán ở Trung Quốc là của Mỹ. Các nước/vùng lãnh thổ láng giềng của Trung Quốc đã có chỗ đứng của riêng mình trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu như Hàn Quốc, Đài Loan.
Ước tính Trung Quốc đại lục lạc hậu sau Mỹ và Đài Loan 5-7 năm về công nghệ chip bán dẫn nhưng có thể phải mất lâu hơn để bắt kịp vì công nghệ chip luôn tiến về phía trước. Tuy nhiên, Trung Quốc đã làm giới chức Mỹ ngạc nhiên khi thay thế các con chip của Mỹ trong nhiều thiết bị điện tử trong nước bằng các con chip sản xuất nội địa hoặc nhập từ các công ty khác ngoài Mỹ. Trong ngắn hạn, chiến lược bán dẫn của Trung Quốc tập trung vào giảm sự phụ thuộc vào Mỹ. Tuy nhiên, lợi thế hiện tại vẫn thuộc về Mỹ.
Cho đến khi nào tham vọng của Trung Quốc còn chưa dập tắt, thì Mỹ vẫn cứ sẽ ra sức ngăn chặn. Với đà này, thật khó có thể nói được đến khi nào cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung mới kết thúc.