Kể câu chuyện gia đình, nữ sinh nhận thư trúng tuyển 6 đại học Mỹ
Kể câu chuyện gia đình trong bài luận cùng với hoạt động ngoại khóa ấn tượng, Nguyễn Trần Trang Linh liên tiếp trúng tuyển từ 6 trường đại học Mỹ.
Trang Linh (học sinh lớp 12 tại Hà Nội) nhớ như in ngày biết kết quả tuyển sinh sớm của Đại học Boston (trường xếp hạng thứ 41 trong các trường đại học quốc gia của Mỹ, theo US News và xếp thứ 57 trường đại học thế giới, theo QS). Sau khi nhận email thông báo, lo lắng kết quả không như ý, Linh phải mất một lúc mới đăng nhập vào trang thông tin nội bộ của trường.
Một màn hình đen xuất hiện, dù thư trúng tuyển chưa hiện ra, pháo hoa đã bắn lên, đồng nghĩa với việc nữ sinh đã trúng tuyển. Trang Linh ôm chầm lấy anh trai, vỡ òa hạnh phúc.
“Em bất ngờ và hạnh phúc. Dù là lá thư trúng tuyển thứ 3, Đại học Boston vẫn là ngôi trường em yêu thích nhất và đặt nguyện vọng 1 khi gửi hồ sơ dự tuyển tới Mỹ”, Trang Linh chia sẻ với Zing.
Ghi điểm nhờ bài luận và hoạt động ngoại khóa
Dự định đi du học từ năm lớp 10, tuy nhiên, phải đến đầu năm lớp 11, Trang Linh mới bắt tay vào việc chuẩn bị hồ sơ. GPA 3.9/4.0 và IELTS 7.0, Trang Linh tập trung vào thế mạnh bài luận và hoạt động ngoại khóa.
Nữ sinh cho biết các trường em dự định nộp hồ sơ đều yêu cầu trên 10 hoạt động ngoại khóa, trong khi đó, em lại chưa tham gia quá nhiều.
"Em lo sợ sẽ không kịp chuẩn bị trong một năm, chưa kể, bản thân em là người không giỏi giao tiếp, hay ngại ngùng và từng tự ti về bản thân", Linh kể.
Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu các dự án, hoạt động ở trường, nữ sinh mạnh dạn đăng ký làm thành viên của một số câu lạc bộ. Dần dần, từ vị trí thành viên, tình nguyện viên, Linh mạnh dạn thử sức ở việc thành lập và duy trì các dự án. Cuối cùng, em đã tham gia 12-15 hoạt động, đạt được mục tiêu đề ra.
“Các vị trí em tham gia hoặc dự án em thành lập đều liên quan đến truyền thông hoặc marketing, phù hợp với định hướng học tập sau này. Trong một năm, em thay đổi tích cực, có thêm trải nghiệm, kinh nghiệm, kiến thức… Nhưng điều quan trọng nhất, em đã bước qua giới hạn của bản thân", nữ sinh nói.
Về bài luận, Trang Linh cho biết em mất khá nhiều thời gian để lên ý tưởng cho bài luận chính cũng như trả lời câu hỏi ở bài luận phụ. Theo nữ sinh, để có bài luận đạt chất lượng, người viết phải có trải nghiệm thực, thể hiện bản sắc cá nhân và truyền cảm hứng tới người khác.
Trước đó, Linh dự định viết về chủ đề bình đẳng giới. Nhưng cuối cùng, em quyết định viết về gia đình - đề tài mà nhiều người cho rằng nhàm chán, không mang tính cá nhân cao.
“Đối với em, gia đình là thứ em muốn khai thác nhiều nhất bởi ở đó, em đã có những điều bất ngờ, thú vị và trưởng thành", Linh chia sẻ.
Linh kể hè năm lớp 11, gia đình em chào đón 2 thành viên mới. Đó cũng là lúc người chị 17 tuổi đang bận rộn hoàn thành các mục tiêu trong hồ sơ du học.
“Từ em út trong gia đình, em trở thành người chị lớn, phải có trách nhiệm hơn. Nhưng đôi khi, mọi thứ quá tải, không ít lần, em ‘trốn việc nhà' để tham gia hoạt động, dự án. Điều này khiến ba mẹ em buồn lòng và lo lắng về sức khỏe của em”, Linh nói.
Sau nhiều lần nhận “phàn nàn" từ bố mẹ và cảm xúc tức giận của bản thân, Linh nhận ra em cần cân bằng, sắp xếp hài hòa mọi thứ. Bản thân em phải học cách linh hoạt và thích ứng, tích hợp các công việc với nhau. Đây cũng là những kỹ năng em chuẩn bị cho tương lai.
Theo đuổi ngành Marketing
Với câu chuyện của mình, tính tới thời điểm hiện tại, Trang Linh đã trúng tuyển 6 trường đại học Mỹ, trong đó, 4 trường đồng ý trao học bổng cho 4 năm học, bao gồm: Đại học Boston, Đại học Santa Clara, Đại học Depauw (134.000 USD), Đại học Fordham (50.000 USD), Đại học Drexel (42.000 USD), Đại học Depaul (100.000 USD).
Tháng 3 tới, Linh sẽ nhận thêm kết quả từ một số trường khác. Tuy nhiên, nữ sinh đã quyết định theo đuổi ngành Marketing tại trường Kinh doanh Questrom, Đại học Boston.
Chia sẻ về lựa chọn này, Linh cho biết ban đầu, em dự định theo học ngành Truyền thông, tuy nhiên, sau khi trải nghiệm các hoạt động ngoại khóa, nhận sự tư vấn của bố cũng như tự đánh giá bản thân, Linh biết bản thân phù hợp với ngành Marketing - ngành học em cho là thú vị, năng động, có khả năng điều hướng dư luận và giải quyết ngay cả những vấn đề xã hội sâu xa nhất.
Ngoài ra, nữ sinh chia sẻ bản thân từng rất tự ti về bản thân và có trải nghiệm về bất bình đẳng giới. Vì vậy, việc theo học Marketing phần nào giúp em có cách giải quyết bài toán xã hội này.
“Em từng tự ti với cơ thể của mình, sợ hãi trước đám đông và thường lo lắng bị đánh giá ngoại hình. Sau này, khi đã bước qua sợ hãi, em luôn nuôi hy vọng sẽ giúp mọi người tự tin vào bản thân, ngoại hình thông qua các chiến lược marketing. Đó cũng là một phần lý do em theo đuổi ngành này”, Trang Linh bộc bạch.
Chính từ lý do đó, trong các hoạt động ngoại khóa trước đây, Linh cũng luôn truyền đạt thông điệp về bình đẳng giới, vẻ đẹp của phụ nữ, chống lại sự kỳ thị và phát triển các chiến dịch nâng cao nhận thức.
Trong tương lai, nữ sinh dự định thực hiện một nghiên cứu về tiếp thị thực phẩm chức năng lành mạnh nhằm tạo ra thị trường an toàn hơn cho phái đẹp của Việt Nam.
Với kế hoạch của mình, Trang Linh nhận định trường Kinh doanh Questrom, Đại học Boston, sẽ là nơi em được học và phát triển tốt nhất.
Theo Linh, các khóa học tại trường rất đa dạng, phong phú như Advertising in the Digital Age (Quảng cáo trong thời đại kỹ thuật số - PV), Global Marketing Management (Quản lý tiếp thị toàn cầu - PV), Consumer Insights (Thông tin chi tiết về người tiêu dùng - PV). Những khóa học này sẽ giúp Linh học được cách tận dụng tác động văn hóa của tiếp thị để thay đổi quan điểm của công chúng về các vấn đề của phụ nữ.
Ngoài ra, Đại học Boston cũng cung cấp các chương trình trải nghiệm thực tế, có hoạt động ngoại khóa đa dạng, Linh sẽ có cơ hội áp dụng những kiến thức được học, đồng thời trau dồi thêm kỹ năng cho công việc marketing sau này.