Kẻ chủ mưu vụ gian lận thi ở Hòa Bình lạnh lùng chối tội, tươi cười khi rời tòa
Được xác định là chủ mưu trong vụ gian lận điểm thi, thế nhưng Nguyễn Quang Vinh vẫn cho rằng bị xử oan, Vinh luôn rời tòa với khuôn mặt lạnh lùng, nhiều cử chỉ lạ.
Chiều 16/5, vụ xét xử gian lận điểm thi THPT Quốc gia năm 2017-2018 ở Hòa Bình xét xử 15 bị cáo là cựu cán bộ, giáo viên ngành giáo dục, công an tại địa phương này đã tạm nghỉ để bước vào thời gian nghị án.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Chủ tọa phiên tòa, cho biết thời gian nghị án sẽ diễn ra trong vòng 5 ngày và được mở lại vào 8h ngày 21/5.
Trong 6 ngày (từ 11/5 đến 16/5) diễn ra phiên xét xử sơ thẩm, đã có 12 bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Nói lời sau cùng, những người này đã tỏ ra ăn năn, hối hận trước những việc làm "ngu ngốc" của mình và mong nhận được sự khoan hồng để sớm trở về với cuộc sống đời thường, có cơ hội chuộc lại lỗi lầm.
Tuy nhiên, vẫn có 3 bị cáo một mực chối tội là Nguyễn Quang Vinh (cựu Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình); Khương Ngọc Chất (cựu thượng tá, cựu Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Hòa Bình) và Đào Ngọc Thuật, cựu giáo viên Trường THPT Mường Bi.
Trong vụ án này, VKSND xác định đây là vụ án có tổ chức và kẻ cầm đầu được xác định là Nguyễn Quang Vinh. Tuy nhiên, xuyên suốt quá trình xét xử, bị cáo này cho rằng mình bị xử oan, không lợi dụng chức vụ, quyền hạn và thừa nhận mình làm sai quy chế, do tin thưởng nên để cấp dưới phạm tội.
Đại diện VKSND tỉnh Hòa Bình trong quá trình luận tội, đối chất lại với bị cáo Vinh và luật sư bào chữa vẫn khẳng định Vinh là chủ mưu và giữ nguyên quan điểm đã truy tố.
Đáng chú ý, trong suốt quá trình xét xử, Vinh luôn tỏ ra lạnh lùng, điềm tĩnh, đối chất gay gắt khi được xét hỏi. Thậm chí, khi rời tòa, nhiều lúc cựu Trưởng phòng Khảo thí còn cười rất tươi, có những cử chỉ rất lạ khi giơ tay hướng về phía người thân.
Từ 11/5 đến 16/5, TAND tỉnh Hòa Bình đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự gian lận điểm thi năm 2017-2018 với 15 bị cáo là cựu cán bộ, giáo viên, công an ở tỉnh này về các tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; "Nhận hối lộ" và "Đưa hối lộ".
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các bị can đã cấu kết, can thiệp nâng điểm bài thi cho 65 thí sinh (TS) gồm 64 em dự thi năm 2018 và 1 em dự thi năm 2017.
Các TS này sử dụng kết quả sai nói trên để xét tốt nghiệp THPT và dự tuyển vào các trường đại học. Trong đó, 45 TS trúng tuyển nhưng bị buộc thôi học; 10 TS đang theo học vì kết quả chấm thẩm định vẫn đủ điểm xét tuyển; 6 TS trúng tuyển nhưng không nhập học; 1 TS xét tuyển nhưng không trúng tuyển; 3 TS không xét tuyển.
Video: Cựu giám đốc Sở nói gì về vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình?