Kể chuyện âm nhạc truyền thống bằng nhạc cổ điển và hiện đại
'Solla Music - Hòa nhạc sân trường' đã đem đến cho người nghe những câu chuyện từ âm nhạc truyền thống, được kể bằng ngôn ngữ của âm nhạc hiện đại và cổ điển, trong một đêm diễn đầy cảm xúc giữa trời mưa nhẹ của Hà Nội lúc chuyển mùa.
“Solla Music - Hòa nhạc sân trường” lần đầu tiên diễn ra tại trường PTTH Chu Văn An - Hà Nội. Dù chương trình mở màn lúc 19 giờ nhưng từ 18 giờ khán giả đã chật kín khuôn viên trường.
Ở phần đầu chương trình, khán giả được thưởng thức những bản nhạc nổi tiếng qua phần biểu diễn của các nghệ sĩ trẻ cùng Dàn nhạc thính phòng Hà Nội, do nhạc trưởng Nguyễn Khắc Thành chỉ huy. Nhạc cổ điển vốn được được coi là âm nhạc bác học, khó tiếp cận nhưng Solla Music đã mang chúng đến gần hơn với khán giả đại chúng.
Ở Solla Music, khán giả đã thực sự “chạm” vào tận cùng cảm xúc khi thưởng thức các tác phẩm kinh điển kết hợp giữa nhạc cụ phương Tây với nhạc cụ dân tộc của Việt Nam như: “The Dark World” (Brain Tyler, nhạc phim “Thor”), “Unbending Tree” (Havasi), “Godfather” (Morricone), Earth Song (Michael Jackson)… Sự hòa quyện của các loại nhạc cụ tưởng chừng như rất khó kết hợp này đã mang đến những màu sắc mới mẻ và thú vị cho âm nhạc cổ điển.
Khán giả đặc biệt ấn tượng với phần biểu diễn tác phẩm nổi tiếng của V. A. Mozart - Piano concerto no1 in F Major của nghệ sĩ khiếm thị 17 tuổi Bùi Quang Khánh (Hải Phòng).
Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với cây đàn Piano, Bùi Quang Khánh kể: “Từ nhỏ em không có trò gì chơi, chỉ ao ước có đôi mắt sáng để được học tập, vui chơi như các bạn. Một hôm, được bố mẹ đưa tới nhà một người bạn chơi, tình cờ em ngồi trúng vào nơi có cây đàn Piano. Khi bấm tay xuống đàn, nghe âm thanh vang lên có sức hút vô cùng kỳ lạ. Từ đó, em có niềm đam mê đặc biệt với cây đàn. Em coi cây đàn Piano giống như người bạn tri kỷ, trải lòng những cảm xúc yêu thương, vui buồn…”.
Bùi Quang Khánh chia sẻ, em ước mơ trở thành nghệ sĩ Piano, giảng viên dạy Piano để truyền đam mê cho những thế hệ sau này, đồng thời truyền cảm hứng và nghị lực sống cho những người có cùng cảnh ngộ như mình hay những người gặp khó khăn. “Em muốn giúp họ biến khó khăn thành sức mạnh, vượt qua nghịch cảnh và chạm tới ước mơ của mình” - Quang Khánh nói.
Trong chương trình còn có màn biểu diễn đầy ấn tượng, kết hợp độc đáo giữa sáo Mèo với Violin và âm nhạc điện tử của Hà Quang Thái (16 tuổi) - người dân tộc Thái ở Pù Luông, Bá Thước, Thanh Hóa. Hà Quang Thái có một niềm đam mê âm nhạc đặc biệt nhưng ở vùng sâu vùng xa, điều kiện gia đình khó khăn nên phải tự mày mò học hỏi. Cậu may mắn được ê-kíp Sollar Music phát hiện tài năng và đài thọ kinh phí cho theo học ở trường Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Việc nâng đỡ và hỗ trợ Hà Quang Thái trong việc theo đuổi đam mê âm nhạc cũng thể hiện giá trị gắn cộng đồng với âm nhạc của Sollar Music.
Phần biểu diễn tác phẩm “The Schindler’ list” (John Williams) của nghệ sĩ Violin Phạm An Phúc, tác phẩm “Alla Turka” (V. A. Mozart) qua phần thể hiện của nghệ sĩ Marimba Nguyễn Trần Minh Anh, hay những bản nhạc phim… để lại nhiều ấn tượng cho khán giả.
Ở phần 2 của chương trình, khán giả được thưởng thức một không gian âm nhạc hoàn toàn khác, sôi động, trẻ trung hơn. Khi ban nhạc Ngũ Cung vừa xuất hiện thì mưa bắt đầu rơi. Mặc dù vậy, những khán giả trẻ vẫn sôi nổi tiến lại gần sân khấu, theo lời đề nghị của các thành viên Ngũ Cung, cùng hòa mình bùng cháy với những bản nhạc Rock “Gió bấc”, “Tuyết trắng và hoa đỗ quyên đỏ”, “Nỗi đau”, “Linh tinh tình phộc”, “Cô Đôi Thượng ngàn”, “Cướp vợ”… Trời mưa ngày càng lớn nhưng cũng không làm giảm sức nóng của chương trình. Khán giả đã đứng dưới mưa cùng hòa giọng và nhảy với các thành viên Ngũ Cung. Đáp lại sự hưởng ứng nồng nhiệt của khán giả, các thành viên ban nhạc cũng “cháy” hết mình, cống hiến những phút thăng hoa, rực cháy trên sân khấu.
Hoàng Hiệp - Trưởng nhóm Ngũ Cung, bày tỏ: “Trời bất ngờ đổ mưa khi ban nhạc biểu diễn nhưng nhiệt huyết cũng như sự bùng cháy của khán giả không hề giảm đi. Khán giả trẻ có sự tương tác đầy nhiệt huyết với nghệ sĩ. Chương trình hết sức ý nghĩa và đặc biệt, nói lên rằng âm nhạc là cầu nối, là tiếng nói chung, không có khoảng cách giữa các thế hệ”.
Xuất hiện ở phần cuối chương trình, 4 thành viên của Da LAB tiếp tục khuấy động bầu không khí Solla Music với loạt hit: “Thanh xuân”, “Chạy khỏi thế giới này”, “Thức giấc”, “2 ngày 1 đêm”, “Gác lại âu lo”, mashup “Bài ca tuổi trẻ - Một nhà”…
Không chỉ đem tới những bản hit của nhóm, Da LAB còn mang tới những thông điệp và những câu chuyện thú vị qua lời kể của các thành viên.
“Solla Music - Hòa nhạc sân trường” do Co-founder Phạm Trần Thọ, Tiến sĩ âm nhạc Triệu Tú My và nhạc sĩ Trí Minh thực hiện, là một chuỗi Festival âm nhạc được tổ chức tại các sân trường PTTH và THCS trên toàn quốc với sự hỗ trợ về chuyên môn và tham gia biểu diễn của hơn 100 nghệ sĩ/nhà giáo trong lĩnh vực âm nhạc từ Học viện Âm nhạc Quốc gia, Dàn nhạc thính phòng Hà Nội, trường PTTH/THCS, Trung tâm nghệ thuật uy tín.
Mục tiêu của “Solla Music - Hòa nhạc sân trường” là mở rộng âm nhạc cổ điển và truyền thống tới khán giả trẻ, từ đó xây dựng một nền tảng văn hóa vững vàng cho các thế hệ kế tiếp, vừa tạo lập sân chơi cho các nghệ sĩ trẻ, sinh viên/học sinh yêu âm nhạc và năng khiếu, vừa hướng tới phát triển một cộng đồng cảm thụ âm nhạc - nghệ thuật làm nền tảng cho một xã hội văn minh, phát triển thịnh vượng… “Solla Music - Hòa nhạc sân trường” cũng nhằm tạo dựng những giá trị cộng đồng, phục vụ xã hội và giúp các em học sinh hướng thiện.