Kể chuyện Đồng Nai qua những tác phẩm nghệ thuật
Không cần phải vào bảo tàng hay mở sách sử, người dân và du khách vẫn có thể cảm nhận hơi thở của lịch sử, văn hóa và con người Đồng Nai mới qua những công trình điêu khắc, tượng đài, biểu trưng… nằm rải rác khắp các không gian văn hóa công cộng.

Họa sĩ Nguyễn Quốc Trọng đang thực hiện tượng chân dung Bác Hồ. Ảnh: NVCC
Những công trình ấy không đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật ngoài trời, mà còn đóng vai trò như những “sợi chỉ đỏ” kết nối giữa quá khứ - hiện tại - tương lai.
Nghệ thuật… kể chuyện đất và người
Nằm nép mình phía sau Nhà bái đường Văn miếu Trấn Biên, Vườn tượng nghệ thuật Hào khí Trấn Biên được xem là một trong những “điểm nhấn” trong không gian văn hóa mang đậm tinh thần “hiếu học - trọng đạo - trọng nhân tài” của vùng đất Đồng Nai. Các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc trưng bày tại đây với nhiều chủ đề khác nhau như: từ thuở mang gươm, lan tỏa, hoa sen, kết nối, cổng tri thức… Mỗi cụm tượng là một câu chuyện, một lát cắt lịch sử được diễn đạt bằng ngôn ngữ tạo hình đa dạng.
Họa sĩ, nhà điêu khắc Nguyễn Quốc Trọng là một trong những nghệ sĩ của Đồng Nai đưa nhiều câu chuyện của văn hóa, lịch sử lên tác phẩm điêu khắc đá. Nổi bật có tác phẩm Vườn tri thức (khắc đá, trưng bày tại Văn miếu Trấn Biên), Lộc mới (khắc đá, trưng bày tại Vườn tượng Chiến khu Đ)… Nhiều tác phẩm điêu khắc chân dung nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa của anh khi tham gia các cuộc thi trong và ngoài tỉnh đoạt các giải cao.
“Để có những tác phẩm nghệ thuật mang đậm hơi thở của vùng đất, con người Đồng Nai, tôi thường xuyên có những trải nghiệm thực tế, từ đó hình thành nên ý tưởng mới cho thiết kế. Không chỉ tôi, mà tất cả văn nghệ sĩ Đồng Nai đều rất hạnh phúc khi có những tác phẩm điêu khắc, công trình nghệ thuật trưng bày tại các không gian văn hóa công cộng. Chúng tôi xem đó là cơ hội quý giá để nghệ thuật không chỉ được nhìn thấy, mà còn được sống cùng cộng đồng, chạm vào cảm xúc của mỗi người” - họa sĩ Quốc Trọng chia sẻ.
Không chỉ điêu khắc, họa sĩ Đào Tấn Hưng, hội viên Ban Mỹ thuật, Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, còn có nhiều công trình tượng đài, biểu trưng được đặt tại nhiều địa phương trong tỉnh. Ông tâm niệm, người nghệ sĩ không chỉ tạo hình, mà còn tạo mạch kết nối giữa người với người, giữa hiện tại với ký ức, giữa cá nhân và cộng đồng. Khi nghệ thuật được hiện diện trong đời sống một cách tự nhiên và chân thành thì sẽ tự khắc tìm được vị trí trong lòng người xem. Đó là lúc nghệ sĩ không đứng một mình, mà cùng công chúng đồng hành trên hành trình kể chuyện đất và người Đồng Nai.
Thời gian qua, Đồng Nai tổ chức nhiều trại sáng tác điêu khắc và những cuộc thi thiết kế biểu trưng, tượng đài mang tính sáng tạo cao. Đã có những công trình tượng đài tiêu biểu được định hình như biểu tượng văn hóa đặc trưng của Đồng Nai như: Tượng đài Chiến thắng Đồng Xoài; Tượng đài Phước Long chiến thắng; Tượng đài Chiến thắng Long Khánh; Tượng đài chiến sĩ đặc công rừng Sác; Tượng đài Chiến thắng La Ngà; Tượng đài Chiến thắng Sân bay Biên Hòa… Các công trình góp phần kể chuyện lịch sử Đồng Nai, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay.
Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai PHẠM HIẾN chia sẻ: “Việc sáp nhập Bình Phước và Đồng Nai đã mở rộng cho lực lượng sáng tác văn học nghệ thuật với tiềm năng đa dạng và phong phú. Vùng đất Đồng Nai hôm nay được kỳ vọng sẽ mở ra không gian mới để văn nghệ sĩ sáng tạo nhiều tác phẩm hấp dẫn phục vụ công chúng”.
Kết nối cộng đồng, lan tỏa giá trị văn hóa
Là người trẻ và đang học tập trong lĩnh vực nghệ thuật, Nguyễn Phương Anh, sinh viên Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, chia sẻ: “Em cảm thấy tự hào khi Đồng Nai có nhiều công trình được đầu tư chỉn chu, hiện diện của các tác phẩm điêu khắc, tượng đài giàu giá trị văn hóa lịch sử. Những tác phẩm, công trình ấy không chỉ giúp em hiểu hơn về vùng đất, con người quê hương, mà qua quan sát bố cục, chất liệu, cảm xúc… em rút ra được nhiều bài học cho quá trình sáng tạo của mình”.

Tác phẩm Đất lành (điêu khắc đá) của tác giả Trần Đình Thắng, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, trưng bày tại không gian văn hóa công cộng phía sau Văn miếu Trấn Biên, phường Trấn Biên. Ảnh: L.Na
Họa sĩ, nhà điêu khắc Phạm Công Hoàng, Trưởng ban Mỹ thuật Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, cho biết những năm qua đội ngũ nghệ sĩ Đồng Nai, trong đó có Ban Mỹ thuật, không ngừng đổi mới tư duy sáng tạo, tích cực tham gia các trại sáng tác, các cuộc thi điêu khắc, tượng đài, biểu trưng... Điều này không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với cộng đồng, mà còn khẳng định vai trò của nghệ thuật như cầu nối văn hóa giữa các thế hệ.
“Các họa sĩ, nhà điêu khắc ở Đồng Nai mong muốn thông qua những công trình này, người xem không chỉ được chiêm ngưỡng, mà còn có thể suy ngẫm, cảm nhận và đồng hành. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện, mỗi không gian là một thông điệp và chính người dân là người thổi hồn, giữ gìn những giá trị đó trong đời sống hàng ngày” - họa sĩ Phạm Công Hoàng nhấn mạnh.
Các tác phẩm, công trình điêu khắc, tượng đài, biểu trưng… hiện diện tại các không gian văn hóa công cộng ở Đồng Nai hiện nay đã trở thành điểm “check-in”, truyền cảm hứng cho cộng đồng sáng tạo trẻ. Từ đó tạo nên những hiệu ứng lan tỏa tích cực trên mạng xã hội, trở thành “chất liệu” để cộng đồng cùng nhau kể tiếp câu chuyện văn hóa, lịch sử của vùng đất mình
đang sống.