Điều cần làm để thu hút 100 chuyên gia hàng đầu về làm việc tại Việt Nam
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 về việc thực hiện Nghị quyết 57, Tổng Bí thư Tô Lâm - Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã chỉ đạo yêu cầu xây dựng chính sách đãi ngộ đặc biệt (vượt khung lương, nhà ở, môi trường làm việc) để thu hút ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước làm việc.
Người Việt Nam có câu “một người hay lo bằng kho người hay làm” để nói về tầm quan trọng của những người biết “lo”, tức những người tài có khả năng sáng tạo, dẫn dắt.
Một chân lý hiển nhiên mà thế giới hiện đã thừa nhận, đó là tài nguyên quý giá nhất của mỗi quốc gia chính là tài năng, trí tuệ của con người chứ không phải tài nguyên, khoáng sản “rừng vàng, biển bạc”.
Nhìn sang các quốc gia, vùng lãnh thổ xung quanh Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore không khó nhận ra rằng sự phát triển vượt bậc của họ đều được đặt nền móng từ khoa học, công nghệ, từ đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ doanh nhân tài năng, tâm huyết.
Chuyên gia thì cũng là con người và vì vậy những chính sách về chế độ đãi ngộ vật chất tương xứng với họ là điều hoàn toàn cần thiết. Song, trong chỉ đạo của Tổng Bí thư có nội dung rất quan trọng để thu hút đội ngũ này là “môi trường làm việc”.

Tài nguyên quý giá nhất của mỗi quốc gia chính là tài năng, trí tuệ của con người - Ảnh minh họa
Xin hãy quay trở về thời kỳ 80 năm trước, khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vừa ra đời, khi ấy Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ, tập hợp được rất nhiều các nhân sĩ, trí thức nổi tiếng.
Khi vua Bảo Đại thoái vị, cựu hoàng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm Cố vấn tối cao của Chính phủ. Từ một ông vua của chế độ cũ lại trở thành Cố vấn tối cao trong chính thể, khi nhìn vào đó, nhiều nhân sĩ, trí thức, nhất là những người giữ các trọng trách của triều Nguyễn cũng cảm thấy an lòng bởi cựu hoàng còn được trọng dụng thì chắc chắn họ cũng sẽ không bị bỏ rơi. Có lẽ vì hành động này của Bác Hồ nên sau đó đã có nhiều vị quan lớn của triều Nguyễn đã tham gia và có nhiều đóng góp trong chính quyền mới như Khâm sai Bắc Bộ Phan Kế Toại, Đổng lý ngự tiền Phạm Khắc Hòe, Thượng thư Bộ Hình Bùi Bằng Đoàn, Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định, Tổng đốc Hà Đông Hồ Đắc Điềm, v.v…
Sau năm 1975, ông Võ Văn Kiệt cũng đã tập hợp xung quanh mình một nhóm chuyên gia, trong đó có nhiều người từng là quan chức của chế độ cũ, thậm chí có người đã từng làm tới quyền Thủ tướng như ông Nguyễn Xuân Oánh.
Để mời cựu Thượng thư bộ Hình Bùi Bằng Đoàn, đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự tay viết thư với lời lẽ khiêm tốn. Cụ Bùi Bằng Đoàn sau này đảm nhiệm cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội (Chủ tịch Quốc hội) nhiều năm. Điều ấy nói lên rằng người trí thức cần thái độ tôn trọng và ứng xử…
Năm 1946, sau chuyến thăm nước Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có nhiều trí thức Tây học từ bỏ cuộc sống giàu sang về nước tham gia kháng chiến. Họ từ bỏ danh lợi, cuộc sống giàu sang để về nước không phải để mưu cầu danh lợi mà vì lòng yêu nước thiết tha, vì tâm niệm “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” của người trí thức, vì trách nhiệm của người trí thức đối với đất nước, dân tộc. Sở dĩ rất nhiều trí thức lớn khi ấy từ bỏ trời tây hoa lệ về nước vì họ yêu nước, họ tin tưởng ở lãnh tụ Hồ Chí Minh, họ tin vào những nhà lãnh đạo khi ấy, họ tìm thấy nơi đây chỗ dựa về tinh thần, là nơi mà họ có thể trao gửi niềm tin và hy vọng.
Rõ ràng, muốn có được những người tài, cần phải có những người lãnh đạo biết trân trọng, đánh giá đúng về họ, tạo điều kiện thuận lợi để họ sáng tạo, làm việc. Người lãnh đạo của những người tài không nhất thiết phải tài giỏi hơn họ, song phải là nhà lãnh đạo trong sáng, tận tâm. Muốn vậy, thủ trưởng những nơi thu hút và sử dụng chuyên gia tài năng này không chỉ là những nhà lãnh đạo tài năng mà nhất thiết phải là một gương mặt văn hóa…
Những người tài năng thường có suy nghĩ độc lập, khác với số đông, có lẽ vì vậy mà nhiều khi họ bị đánh giá là lập dị. Những người tài năng thường cô đơn bởi họ cần một không gian yên tĩnh để tự do nghiên cứu, sáng tạo; những cuộc họp vô bổ, lê thê, những hoạt động mang tính hình thức chắc chắn không phù hợp đối với họ. Những ai làm đề tài khoa học ở Việt Nam hẳn không lạ gì những thủ tục nhiêu khê, rườm rà về mặt hành chính. Kỷ nguyên vươn mình cần nhẹ mới có thể bay cao, hãy cắt hết những thủ tục rườm rà bó chân tay các nhà khoa học kiểu ấy nếu muốn thu hút được họ.
Những người tài năng thường chuyên sâu vào lĩnh vực chuyên môn nên có thể họ ngây thơ về chính trị. Nhiệm vụ của người trí thức chân chính là sáng tạo và phản biện, nhưng thường tấm lòng họ ngay thẳng, đơn giản nên nhiều khi phát biểu có thể “trật đường ray”, đừng vì vậy mà quy tội cho họ, nhất là đừng dung túng cho những kẻ mượn danh này nọ để chụp lên đầu họ hết mũ này đến mũ khác.
Chỉ đạo của Tổng Bí thư chắc chắn sẽ được các bộ ngành, các cơ quan có trách nhiệm xây dựng các kế hoạch để thực hiện. Việt Nam không thiếu người tài, người Việt Nam tài năng ở nước ngoài, tâm huyết, đau đáu với đất nước và dân tộc cũng không thiếu. Tổng Bí thư đã "bắn súng lệnh", vấn đề còn lại là trách nhiệm thực thi.