Kể chuyện người truyền sử
'Có anh Ba Hưng vốn thiệt nông dân, đi lính hơn năm trường vừa mới được huân chương…'- tiếng hát đồng thanh tụi học trò hòa cùng tiếng đàn măng cầm của ông Năm làm xóm ấp rộn ràng, xua tan cái nóng của những ngày đầu tháng Tư. Và lời ca, tiếng hát ấy cứ như thế đã theo thời gian nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào về lịch sử dân tộc của hàng trăm trẻ em ở ấp Thạnh Mỹ A, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang…
Ông Văn Đình Thanh (SN 1951), tháng 11/1967, khi đang là học sinh Trường Lý Tự Trọng, ông gia nhập Đội biệt động vũ trang TP Cần Thơ. Sau ngày đất nước thống nhất, ông chuyển ngành về công tác tại Công ty Khai thác - chế biến thủy sản Hậu Giang cho đến lúc nghỉ hưu, về quê nhà sinh sống với vườn rau, con cá. Ông Thanh tính tình hiền lành, sống hòa đồng, hết lòng giúp đỡ bà con lối xóm, người dân gọi dần thành quen - ông Năm.
Những buổi trưa hè, nằm trên chiếc võng bên hiên nhà, thấy những đứa trẻ trong xóm rong chơi ngoài trời nắng, có đứa thì chẳng nghe lời ông bà, cha mẹ mà la cà, quậy phá, ông Năm trăn trở. Bạn trà của ông Năm là ông Sáu Quý nghe được tâm sự của người bạn già nên bàn chuyện cho tụi nhỏ “nghỉ hè có tổ chức”. Thế là Câu lạc bộ “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo” được hình thành, năm đứa trẻ đầu tiên đến tham gia vì những chén chè thơm phức mùi nước cốt dừa của bà Năm. Dụ được tụi nhỏ gom lại, ông Năm lấy cây đàn măng cầm mà ông mang theo mình từ thời còn tham gia kháng chiến ra để đệm nhạc, hát những bài về tình thương yêu gia đình, kính trọng ông bà, cha mẹ. Dần dà từ năm đứa, mười đứa rồi hầu như tất cả trẻ em trong xóm đều tập trung bên hiên nhà ông Năm trong suốt mùa hè. Ngoan ngoãn, lễ phép là những lời mà người dân trong ấp, xã khen ngợi dành cho những đứa trẻ đến sinh hoạt hè tại Câu lạc bộ của ông Năm.
3 tháng hè đi qua, tụi nhỏ trong xóm quay lại trường học, ông Năm cảm thấy nhớ tiếng hát, tiếng cười, rồi cả những lời thưa, dạ đã thành quen thuộc hàng ngày. Cuối ngày, tan lớp, sấp nhỏ về ngang thường ghé vào khoe với ông Năm về những điểm 10 của môn Tiếng Việt, Toán. Ông Năm vui rồi lại buồn, vui vì con cháu trong xóm đã học hành chăm ngoan, biết nghe lời ông bà, cha mẹ nhưng buồn vì có lần ông hỏi về những nhân vật lịch sử của nước nhà được in trên bìa một cuốn sách mà cả đám im re, không trả lời được, có cả những đứa đã học lớp bảy, lớp tám. Thế rồi, ông Năm cùng ông Sáu Quý bỏ tiền túi ra đi mua bảng, phấn, các quyển truyện tranh về lịch sử địa phương, đất nước về để mở “lớp học lịch sử cuối tuần”. Lớp học hình thành được thời gian ngắn thì ông Sáu Quý qua đời, một mình ông Năm duy trì đến nay, đã hơn 25 năm ròng. “Là một người lính, tôi muốn truyền đạt để cho con cháu hiểu được lịch sử nước nhà, các anh hùng dân tộc đã hy sinh xương máu để giành và bảo vệ được hòa bình như ngày hôm nay. Qua đó mong muốn nuôi dưỡng, phát triển tình yêu quê hương, đất nước của thế hệ trẻ. Nhưng cái chính là làm sao để tụi nhỏ khoái học môn lịch sử, khi mà học trò thích là chúng sẽ tự ý thức học tập và tìm hiểu chứ không cần phải ép buộc”, ông Năm chia sẻ.
Lớp học không phân biệt tuổi, đứa nhỏ xíu mới 5 tuổi, còn có đứa lớp tám cao hơn ông Năm. Học trò đến lớp cũng không cần đồng phục, lớp học thì cũng không cần bàn, tất cả vài chục đứa ngồi dưới nền gạch được bà Năm chùi sạch bóng. Đặc biệt, học trò đến lớp không cần đóng học phí mà đứa nào giỏi, ngoan còn được nhận quà mang về. Với sở trường là món đàn măng cầm và ca hát, ông Năm dạy cho trẻ em trong xóm những bài hát về lịch sử, quê hương, đất nước, từ bài dễ cho đến bài khó. Một cách truyền đạt kiến thức lịch sử độc đáo mà khó có nhà trường nào có thể tổ chức được. Dù là “tay ngang” nhưng ông Năm không dạy tràn lan, mà theo chủ đề, trong tháng có sự kiện, cột mốc nào quan trọng thì lấy đó làm trọng tâm. Như trong tháng 3 có Ngày Kỷ niệm thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3), ông Năm sẽ tập trung vào truyền thống của Đoàn, về gương những anh hùng trẻ tuổi, với các câu hỏi như: Đoàn Thanh niên thành lập vào ngày, tháng, năm nào, ở đâu? Bí thư Trung ương Đoàn đầu tiên là ai ?... và dạy các bài hát như: “Thanh niên làm theo lời Bác”, “Khát vọng tuổi trẻ”... Đến tháng 4, ông Năm dành nhiều thời gian để dạy về ý nghĩa ngày chiến thắng 30/4 năm 1975. Đến tháng 9, ông lại “đưa” tụi nhỏ trở về thời khắc trọng đại của dân tộc khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, với các câu hỏi như: Những kiến thức về Bác, về Bản Tuyên ngôn độc lập, về Quảng trường Ba Đình… rồi dạy các em những bài hát ngợi ca quê hương, đất nước, ca ngợi Bác Hồ kính yêu như: “Việt Nam quê hương tôi”, “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”, “Mười chín tháng Tám” để nhắc nhở học sinh không quên ngày độc lập…
Ngoài việc học hát, ông Năm tổ chức trò chơi “hái hoa dân chủ”, bốc thăm trả lời các câu hỏi về lịch sử, trả lời đúng có quà. Cách dạy “học mà chơi, chơi mà học” của ông Năm đã khiến các số liệu và sự kiện về lịch sử tưởng chừng như khô khan, khó nhớ bỗng trở nên dễ học, dễ nhớ. Sự hứng thú, yêu thích của những đứa trẻ với môn học lịch sử như tiếp thêm động lực để ông Năm tiếp tục công việc “truyền sử” của mình. Số lượng học sinh đến với lớp dạy sử của ông Năm mỗi ngày một đông, không chỉ trẻ em địa phương mà nhiều phụ huynh ở các xã lân cận cũng đưa con đến xin học.
Để học trò không bị nhàm chán, ông Năm còn thường xuyên tổ chức đưa các em đi tham quan bảo tàng, những di tích lịch sử ở địa phương và mỗi nơi đến, ông đều cố gắng cung cấp những kiến thức và những bài hát gắn với địa điểm ấy nhằm giúp các em dễ nhớ, dễ khắc ghi. Cô Nguyễn Thị Nhàn, giáo viên Trường Tiểu học Thạnh Hòa 3 - ngôi trường đối diện nhà của ông Năm, cho biết: “Giáo viên chúng tôi rất ủng hộ cách truyền thụ kiến thức lịch sử cho học sinh của Chú Năm. Lớp học sử của Chú Năm đã hỗ trợ tích cực cho công tác giảng dạy môn lịch sử ở nhà trường. Việc các em yêu thích hơn, chủ động hơn trong học môn học lịch sử là một minh chứng. Lớp học của Chú Năm là một hoạt động mang tính giáo dục, nhân văn rất sâu sắc, tạo được ấn tượng tốt đẹp và niềm tin cho học sinh, cũng như là cha mẹ học sinh”.
Hơn 25 năm, ông Năm đã mang tâm huyết của mình “truyền lửa” cho nhiều lứa học trò. Bây giờ lớp học của ông Năm đã được “nâng cấp” lên thành Câu lạc bộ Hát nhạc truyền thống của huyện hẳn hoi. Đã có nhiều đứa trẻ học sử bên hiên nhà ông Năm giờ đã trở thành giáo viên môn lịch sử, sĩ quan Quân đội, Công an… Em Lê Thị Lan Anh, vừa tốt nghiệp Trường Đại học Cần Thơ và đang có một việc làm ổn định trong lĩnh vực ngoại giao, chia sẻ: “Lúc còn nhỏ, với em môn lịch sử là một môn khó học vì chỉ toàn chữ và các con số ngày tháng năm nhưng nhờ cách dạy của ông Năm, em đã yêu thích môn học lịch sử. Nhờ vào tình yêu môn lịch sử đã giúp ích rất nhiều cho em trên con đường học tập và công việc của em hiện tại”.
Để giúp các trẻ nhỏ yêu thích và học tốt môn lịch sử, ông Năm đã phải tự trang bị cho mình những kiến thức lịch sử, những tin tức thời sự cập nhật, nhất là sưu tầm những bài hát, rồi chi phí mua sách vở làm quà thưởng cho các câu hỏi đố vui. Nhiều năm qua, ngoài dành một phần lương hưu của mình, ông Năm còn được một số đồng đội cũ chung tay góp sức. Đặc biệt, vợ và các con luôn là trợ thủ đắc lực, hết lòng ủng hộ việc làm ý nghĩa của ông Năm. Bà Nguyễn Thị Lịch - vợ ông Năm cho biết: “Tôi chỉ lo cho sức khỏe của ông ấy bây giờ đã giảm sút nhiều nhưng thấy ông dạy các cháu nhiệt tình quá, với lại tụi trẻ cũng ham học nên tôi luôn ủng hộ. Lúc dịch bệnh, tụi nhỏ không đến học được, vợ chồng già chúng tôi thấy trống vắng”.
Dù đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông Năm chưa bao giờ có ý định sẽ dừng việc “truyền sử” của mình. Ông Năm chia sẻ: “Tôi may mắn có dịp ra thăm Thủ đô Hà Nội, viếng lăng Bác và thấm nhuần lời dạy của Người “dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Nếu chúng ta không dạy cho thế hệ tương lai biết tận tường về lịch sử là có lỗi với lịch sử. Qua việc truyền đạt kiến thức lịch sử, thế hệ trẻ sẽ có thêm nhận thức và gìn giữ giá trị quý báu của hòa bình ngày hôm nay, hun đúc quyết tâm xây dựng, bảo vệ và kiến thiết đất nước, phát huy truyền thống và niềm tự hào dân tộc chính đáng của mình”.
Khép lại cuộc trò chuyện, ông Năm trăn trở về việc đã từng có ý kiến nên để lịch sử là môn học tự chọn. Theo ông Năm, thay vì lựa chọn môn nào là chính môn nào là phụ thì hãy đổi mới nhiều hơn nữa cách dạy và học môn lịch sử, tạo cho học sinh yêu thích và sự chủ động trong môn học “gốc, rễ, cội nguồn”…
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/ke-chuyen-nguoi-truyen-su-i691523/