Kể chuyện Quan Âm Diệu Thiện trên sân khấu
Quan Âm Diệu Thiện là vở diễn thứ 5 được Sân khấu kịch Lệ Ngọc hoàn thành trong năm 2020. Đây là nỗ lực rất lớn của sân khấu tư nhân trong bối cảnh sân khấu đang gặp vô vàn khó khăn sau khi có dịch Covid-19.
Nội dung vở diễn Quan Âm Diệu Thiện dựa trên huyền tích về Bà chúa Ba, cũng là công chúa thứ ba của Vua Trang Vương. Công chúa sớm thấu cảm cảnh đời đau khổ của người dân đã quyết tâm đi tu để tạo quả phúc, cứu vớt chúng sinh. Vua cha vốn yêu quý nhất nàng Ba và chỉ muốn công chúa lấy chồng có con, tiếp nối sự trị vì…
Để ngăn cản công chúa xuất gia, Nhà vua đã dùng quyền lực đối phó với các tăng ni phật tử, thậm chí đốt chùa, đe dọa giết toàn bộ chúng tăng ni nếu nàng không tuân lời. Công chúa Ba phải quay về hoàng cung, chịu cảnh gông xiềng, sự chế nhạo của hai người chị ruột… rồi vì quyết chống lệnh vua đến cùng mà nàng phải chịu khổ hình.
Tâm thiện ấy đã thấu tới Ngọc Hoàng, thần núi Hương Tích đã biến thành mãnh hổ cứu nàng đi. Vượt qua bao trầm luân khổ ải, công chúa Ba được tới tận địa phủ, chứng kiến những đau đớn khôn lường nơi địa ngục của những người từng phạm tội ác bất dung khi còn sống…
Hay nàng cũng được thánh thần đưa tới tiên giới… càng khẳng định quyết tâm tu tập của nàng. Tâm thế công chúa dường như đã thoát khỏi mọi khói lửa trần gian, nhưng khi nghe tin cha mình bị bệnh lạ, cần tới đôi mắt và bàn tay để làm thuốc dẫn, nàng chúa Ba sẵn lòng dâng hiến để tận chữ hiếu, cũng là để cứu độ chúng sinh khi vua cha khỏe mạnh sẽ gìn giữ sự bình an cho vương quốc…
Được cứu khỏi từ cơn bạo bệnh, Nhà vua chợt thức tỉnh và cảm phục trước tấm lòng của công chúa, vua cha đã tìm đến động Hương Tích, nơi chúa Ba tu hành và mong được đi tu để chuộc lại lỗi lầm…
Đạt tới cảnh giới cao, công chúa Ba đã được nhập Niết bàn, thành Phật Bà Quan Âm Diệu Thiện, làm chủ đạo tràng nơi Động Hương Tích, nơi thờ Phật lớn nhất của nước Nam ta.
Đạo diễn NSND Lê Hùng tỏ ra khá kỹ lưỡng, đầu tư nhiều tâm sức cho đêm diễn với những cảnh cần tới chất bay bổng, kỹ xảo như sự xuất hiện của mãnh hổ, màn khói lửa đốt chùa, những cảnh ở các tầng những bóng ma ám ảnh nhà vua…
Sân khấu được mô tả không gian thời gian theo cách tả thực để thuyết phục người xem, khơi động những rung cảm của họ. Khán giả khóc cười cùng những tình tiết bi thương về cuộc đời nhiều truân chuyên và thử thách của Phật Bà.
Bên cạnh đó, những nét chấm phá gây cười cũng được tận dụng như cách diễn của viên quan thái giám rất thú vị, đủ độ. Hay sự “ngược đời” trong hình ảnh viên ngự y quá ốm yếu, hoặc hình ảnh chữa bệnh rất kỳ lạ của viên thần y dị nhân…
Đạo diễn cũng đã làm giàu thêm cho kịch bản, bổ sung những điểm còn chưa tới, lý giải và hợp lý hóa những tình tiết trong cốt truyện.
Chị Vũ Thị Hồng Phương, pháp danh Diệu Bình cho biết: Mình đã khóc rất nhiều khi xem vở diễn, dù rằng vẫn tâm niệm đây chỉ là diễn kịch. Sư thầy Đạo Phát tu ở mật viện Thắng Nghiêm chùa Khúc Thủy cũng rất xúc động khi hình ảnh Phật Bà Quán Âm Diệu Thiện được sống động trên sân khấu cùng những lời dạy của Đức Phật, những triết lý nhân sinh của cha ông. Sư thầy cảm thấy, đây như một buổi đọc kinh Phật sống động, thuyết phục…
Bài học khuyến thiện trừ ác được thể hiện khá rõ ràng trong vở diễn. Rất nhiều tăng ni phật tử đến xem đều bày tỏ sự yêu thích vở diễn khi khán phòng phản ứng tương tác rất tốt với sự thể hiện của nghệ sĩ trên sân khấu. Với tâm thức của đa số người xem đều hướng Phật, nên vở diễn thực sự cuốn hút.
Tích truyện truyền kỳ về Phật Bà chùa Hương ra đời vào thế kỷ thứ 16, theo lời sư trụ trì hiện nay của Chùa. Nhưng cũng là huyền tích vì thế đã tạo khá nhiều tự do cho các thành phần sáng tạo của vở. Thiết kế trang phục mượt mà, tạo hình nhân vật đẹp, có điểm nhấn, rõ ràng về tính cách… cũng là điểm cộng đáng kể cho vở diễn.
Vở diễn khá trung thành với cốt truyện về Phật Bà được lưu truyền hàng trăm năm nay, truyền tải được thông điệp mà tác giả Lệ Dung mong muốn: Thông điệp về sự hướng thiện, lòng nhân ái trong cuộc sống, hướng đến ca ngợi vẻ đẹp của đức hy sinh, tấm lòng nhân hậu, vị tha của người phụ nữ Việt Nam.
Tuy nhiên, vở diễn còn một số lời thoại chưa thật nhuần nhuyễn, cách xưng hô vẫn có chỗ bị nhầm lẫn. Hay sự xuất hiện của mãnh hổ cần thêm vẻ mờ ảo, cần chau chuốt thêm để bớt đi nét thô cứng.
Cần thêm sự bay bổng, thăng hoa của tập thể nghệ sĩ để vở diễn tăng sức thuyết phục hơn với người làm sân khấu, chứ không chỉ là tái tạo lại một cốt truyện vốn người dân đã thuộc, đã biết. Cũng tiết chế hơn ở những màn hài hước để khỏi “chệch hướng” trong tiếp thu của người xem.
Vở diễn ra đời, được công chúng yêu thích, giàu tính giải trí, hấp dẫn… cũng là đích ngắm tới của mọi đơn vị sân khấu trong bối cảnh hiện nay. Liên tục ra vở, hoạt động miệt mài trong khi các đơn vị công lập lại ít cơ hội đỏ đèn, Sân khấu Lệ Ngọc phần nào đó đã khiến sân khấu thủ đô có sắc màu tươi sáng hơn.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ke-chuyen-quan-am-dieu-thien-tren-san-khau-523796.html