Kể chuyện văn hóa bằng công nghệ

Art toy - đồ chơi nghệ thuật, là đồ chơi thiết kế riêng, do các nghệ sĩ, nhà thiết kế, họa sĩ minh họa thuộc nhiều lĩnh vực sáng tạo, đã trở thành một trào lưu được nhiều người chào đón.

Mới đây, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cùng Công ty Comicola và Phygital Labs chính thức ra mắt khu vực trải nghiệm và giới thiệu dự án “Đế đô khảo cổ ký”. Đây là dự án art toy độc đáo kết hợp giữa giá trị di sản văn hóa cố đô Huế và giải pháp công nghệ định danh Nomion với chíp NFC (Near Field Communication). Dự án mở ra hy vọng về một mô hình khai thác giá trị di sản để phát triển công nghiệp văn hóa đầy hấp dẫn.

Phiên bản "Ngai vàng của vương triều Nguyễn" trong bộ đồ chơi "Đế đô khảo cổ ký".

Phiên bản "Ngai vàng của vương triều Nguyễn" trong bộ đồ chơi "Đế đô khảo cổ ký".

Ấn tượng về cách tiếp cận sáng tạo

“Đế đô khảo cổ ký” là dự án đồ chơi sưu tầm "hộp mù" được lấy cảm hứng từ bộ tứ bảo vật của Cố đô Huế: Đại hồng chung chùa Thiên Mụ do chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc năm 1710 - tượng trưng cho Tín ngưỡng; Khẩu hạ (một trong Cửu vị thần công) được vua Gia Long ra lệnh đúc năm 1803 - tượng trưng cho Sức mạnh; Cao đỉnh (một trong Cửu đỉnh) do vua Minh Mạng lệnh đúc vào năm 1835 - tượng trưng cho Tri thức; Ngai vàng của vương triều Nguyễn (một trong ba chiếc còn được lưu giữ tại Huế) - tượng trưng cho Quyền lực. Bốn món này được làm dưới dạng đồ chơi sưu tầm, kích thước thu nhỏ nhưng vẫn giữ nguyên kiểu dáng so với vật mẫu, được sơn giả cổ.

Sản phẩm “Đế đô khảo cổ ký” có 2 phiên bản: Phiên bản Trải nghiệm khảo cổ được thiết kế đặc biệt, với những món bảo vật bọc trong lớp thạch cao và kèm theo dụng cụ giả lập khảo cổ, tạo cơ hội cho người tham gia tự tay khám phá và tìm hiểu các cổ vật như một nhà khảo cổ thực thụ. Phiên bản Phổ thông với bao bì thông thường, là món quà ý nghĩa dành tặng bạn bè, người thân.

Trải nghiệm khảo cổ giống như trò chơi đào xương khủng long trong các trung tâm thương mại. Người chơi “đào” cổ vật cung đình Huế và trên mỗi sản phẩm đều có gắn chip NSC - kết nối không dây phạm vi tầm ngắn, có thể dùng điện thoại di động để tra cứu thông tin về món “cổ vật” cùng thông điệp liên quan. Du khách đến cố đô Huế có thêm một trải nghiệm cùng đồ chơi mang về. Với mỗi sản phẩm, người sưu tầm đồ chơi có thể khám phá câu chuyện lịch sử qua hành trình “khảo cổ” đầy bất ngờ.

Phiên bản "Ngai vàng của vương triều Nguyễn" trong bộ đồ chơi "Đế đô khảo cổ ký".

Phiên bản "Ngai vàng của vương triều Nguyễn" trong bộ đồ chơi "Đế đô khảo cổ ký".

Anh Nguyễn Khánh Dương (Công ty Comicola) cho biết: Những sản phẩm Blindbox art toy, còn gọi là “hộp mù", không còn xa lạ ở các quốc gia có nhiều di tích, bảo tàng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ai Cập... Sản phẩm ở những nơi này cũng cung cấp trải nghiệm tương tự, giúp du khách thêm gắn bó với di tích; là hình thức giải trí sáng tạo, thu hút những người yêu thích sưu tầm. Giới trẻ ngày càng quan tâm đến các nội dung liên quan tới văn hóa, lịch sử dân tộc. Điều này mở ra cơ hội để kết hợp thú vui sưu tầm hiện đại với các giá trị truyền thống.

“Nhờ sự hỗ trợ của Bảo tàng cổ vật cung đình Huế, chúng tôi nhận được file scan 3D tất cả cổ vật này, từ đó lựa chọn cổ vật phù hợp với câu chuyện mình muốn kể. Họa sĩ của chúng tôi sẽ dựng lại chi tiết đến từng hoa văn trên bản thiết kế. Để đảm bảo tính chuẩn xác, sau mỗi lần dựng 3D chúng tôi đều gửi file vào Huế để nhờ các nhà chuyên môn kiểm định, đánh giá. Sau đó, Công ty Comicola kết hợp với một công ty sản xuất đồ chơi có nhà máy tại Việt Nam, chuyển những món “cổ vật”- đồ chơi về công ty để làm khuôn, đổ nhựa, làm thành món đồ chơi sưu tầm” - anh Nguyễn Khánh Dương nói.

Cơ hội biến di sản thành tài sản

“Đế đô khảo cổ ký” là minh chứng sinh động cho việc khai thác câu chuyện văn hóa kết hợp công nghệ, mở ra triển vọng lớn cho sự phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam. Cổ vật cung đình vốn nằm im lìm trong bảo tàng, nay được số hóa, ứng dụng giải pháp Định danh số Nomion, tiên phong kết hợp công nghệ RFID với blockchain, tạo nên mỗi sản phẩm đồ chơi - là một thực thể độc nhất, đảm bảo tính minh bạch và có giá trị lâu dài trong cả không gian thực lẫn số. Như vậy, câu chuyện về di sản văn hóa, như các bảo vật triều Nguyễn được tái hiện sống động, giúp người tham gia không chỉ hiểu về giá trị lịch sử mà còn cảm nhận được sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại.

Ông Nguyễn Huy, Giám đốc điều hành Phygital Labs cho biết: “Phygital Labs đặt mục tiêu mở rộng ra nhiều khu di tích, bảo tàng trên cả nước nhằm lan tỏa giá trị văn hóa và nâng cao nhận thức về lịch sử dân tộc. Từ đó tạo nên một chuỗi sản phẩm văn hóa độc đáo, giúp kết nối thế hệ trẻ với di sản văn hóa theo hướng công nghệ phục vụ các giá trị văn hóa”.

Có một thực tế là, khi đến một khu di tích, bảo tàng nào đó ở các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, khó có thể tìm thấy món đồ lưu niệm do người Việt làm, gắn với khu di tích ấy. Thường thấy ở đó đồ chơi Trung Quốc, những hạt, vòng, đồ chơi trẻ em mà đến bất cứ đâu cũng có.

Anh Nguyễn Khánh Dương khẳng định: “Chúng tôi đang ở trong giai đoạn khai phá thị trường - cũng là thời gian khó khăn nhất. Nếu nhận được sự chào đón rộng rãi của công chúng, chúng tôi có cơ hội “mở đường” cho những đơn vị khác, giúp họ cảm thấy việc làm ra những sản phẩm văn hóa, lịch sử có ý nghĩa như thế nào, hiểu rằng đây là một thị trường tiềm năng. Khi có nhiều đơn vị khác cùng làm, thị trường sẽ được mở rộng hơn, sản phẩm sẽ phong phú hơn”.

Khởi đầu từ việc làm nên bộ truyện tranh dã sử Việt “Long thần tướng” và bộ sản phẩm đồ chơi đính kèm, nhóm họa sĩ trẻ của Comicola do Nguyễn Khánh Dương sáng lập kiêm Giám đốc điều hành dự kiến cho ra đời nhiều bộ sản phẩm đồ chơi mang yếu tố văn hóa truyền thống với quy mô lớn hơn.

Câu chuyện art toy và những sản phẩm phái sinh từ sách, phim điện ảnh, phim hoạt hình... đã mở ra một xu hướng sáng tạo mới, đồng thời khích lệ việc tìm hiểu văn hóa, lịch sử nước nhà. Mới đây, Comicola, trong vai trò là đơn vị chuyên đỡ đầu các sản phẩm văn hóa cho các tác giả trẻ, đã kêu gọi gây quỹ cộng đồng cho “Art toy- phim điện ảnh Cám”. Đó là dự án art toy dựa theo nhân vật phim điện ảnh đầu tiên tại Việt Nam. Với tầm nhìn xây dựng hệ sinh thái cho tác phẩm điện ảnh thì đây là cách làm hoàn toàn hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế, từ đó góp phần đưa sản phẩm điện ảnh Việt tiệm cận với trình độ thế giới. Tuy nhiên, một trong những khó khăn của những người trẻ khởi nghiệp chính là tìm kiếm nguồn tư liệu văn hóa, lịch sử từ nhiều thế kỷ trước, liên quan đến phong tục tập quán, thời trang, kiến trúc, phương tiện đi lại... Bởi vậy, rất cần sự chung tay của các đơn vị nghiên cứu nhằm hỗ trợ giới trẻ sáng tạo.

Phương Thúy

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ke-chuyen-van-hoa-bang-cong-nghe-689546.html