Kẻ đâm gục bảo vệ để trộm điện thoại ở cửa hàng Thế giới di động phải chịu án phạt nào?
'Có thể nói rằng hành vi của đối tượng này rất manh động, táo tợn quyết tâm phạm tội đến cùng, liền một lúc xâm phạm đến nhiều khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ bởi vậy, việc truy bắt khẩn trương đối tượng và xử lý nghiêm minh là cần thiết'.
Tối 8/12, phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Bắc Ninh phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đã bắt giữ đối tượng Lê Anh Chiến (27 tuổi, trú tại tổ dân phố Mai Đình, phường Đa Mai, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) kẻ đã đâm gục bảo vệ tại cửa hàng Thế giới di động ở thôn Gia Liễu, xã Phương Liễu, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh rồi sau đó lấy đi nhiều điện thoại trị giá hàng trăm triệu đồng.
Tại cơ quan Công an, Lê Anh Chiến đã khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Theo đó, do không có việc làm lại nợ nần nên Chiến đã nảy sinh ý định đột nhập vào cửa hàng Thế giới di động trộm điện thoại để bán lấy tiền trả nợ.
Rạng sáng ngày 8/12, Chiến mang theo balo cùng búa, dao, kìm, kéo, đột nhập vào cửa hàng, lấy nhiều điện thoại còn nguyên trong hộp bỏ vào balo. Tuy nhiên lúc quay ra để tẩu thoát thì bị bảo vệ phát hiện. Sau khi đối tượng dùng dao đâm nạn nhân gục tại chỗ đã lấy dây trói chân tay, dùng băng dính dán miệng nạn nhân rồi tẩu thoát.
Sau 17 giờ truy tìm, lực lượng Công an đã bắt giữ Lê Anh Chiến tại đường Ngô Gia Khảm, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, TP Hà Nội khi đối tượng này đang tìm cách tiêu thụ các tang vật vừa cướp được.
Ngày 9/12, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Lê Anh Chiến để điều tra về hành vi "Giết người" và "Cướp tài sản" theo Điều 123 và Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết Online, Luât sư Đặng Văn Cường, trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015 thì hành vi dùng vũ lực để đe dọa, uy hiếp tinh thần của nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi này thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản mức hình phạt được quy định như sau:
Điều 168. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy hành vi cướp tài sản mà sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm thì có thể phải đối mặt với hình phạt từ 7 năm đến 15 năm tù.
Luật sư Cường phân tích, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi “đâm gục” bảo vệ được diễn ra như thế nào, đối tượng sử dụng loại hung khí nào và đâm vào vị trí nào của nạn nhân. Trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng có mục đích sát hại nạn nhân hoặc hành vi có thể dẫn đến nạn nhân thiệt mạng thì đối tượng này còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm một tội danh nữa là tội “Giết người” theo quy định tại điều 123 bộ luật hình sự năm 2015. Với tội giết người thì đối tượng này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Vì vậy “cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ nguyên nhân, điều kiện phạm tội để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm. Do tình hình dịch bệnh dẫn đến nhiều người thất nghiệp, kinh tế khó khăn, cuộc sống cùng quẫn, thêm vào đó là nhận thức hiểu biết pháp luật hạn chế hoặc ý thức coi thường pháp luật dẫn đến các đối tượng thực hiện các hành vi cướp tài sản hoặc trộm cắp tài sản”.
Luật sư Cường nhận địn, dù nguyên nhân nào chăng nữa thì hành vi của đối tượng trong vụ án này là hết sức manh động, táo tợn, coi thường tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. Bởi vậy, hành vi này sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.