'Kẻ độc hành' của Huỳnh Lập - giống Châu Tinh Trì nhưng cũ, kỹ xảo kém
Huỳnh Lập tiếp tục sản xuất kiêm đóng chính trong phần tiền truyện của 'Pháp sư mù' và 'Ai chết giơ tay'. Nam nghệ sĩ áp dụng lại lối pha trò cũ, thiếu sự mới mẻ ở kịch bản.
Kẻ độc hành kể lại thân thế của Tinh Lâm (Huỳnh Lập đóng), tay pháp sư trẻ "quái chiêu" trong loạt phim Ai chết giơ tay (2018) và phim điện ảnh Pháp sư mù (2019). Đây cũng là phần phim thứ ba trong thương hiệu Ai chết giơ tay do nam diễn viên sinh năm 1993 sản xuất, biên kịch kiêm đóng chính. Phần mới do Lý Minh Thắng đạo diễn, gồm 8 tập chiếu trên nền tảng trực tuyến.
Lúc mới hành nghề, Tinh Lâm chưa được khai nhãn để nhìn thấy người cõi âm, pháp thuật cũng yếu kém so với cha mẹ quá cố. Cùng với ông Vú (Quốc Khánh), anh chật vật tham gia các nhiệm vụ trục hồn, đả quỷ để kiếm cơm qua ngày.
Mối duyên mang Tinh Lâm đến với hai nhân vật kỳ lạ: Hồng (Puka) - nữ đạo tặc dễ bị vong hồn "mượn vía" và Linh Lan (Vy Vân) - linh nữ gặp chuyện oan khuất nên chưa thể siêu thoát. Từ đây, anh phát hiện ra những bí mật liên quan dòng máu pháp sư của mình.
Tiếp tục lối gây cười kiểu Châu Tinh Trì
Điểm mạnh trong loạt Ai chết giơ tay là không bị vấn đề "hài nhảm" thường thấy ở phim Việt. Huỳnh Lập có sự vay mượn hợp lý lối pha trò hay phát triển kịch bản của điện ảnh nước ngoài, đặc biệt là lời thoại mang phong cách "chợ búa" nhưng cũng giàu ý nghĩa trong các phim của Châu Tinh Trì. Tạo hình và tính cách Tinh Lâm cũng dễ khiến khán giả liên tưởng đến nhân vật chính trong Chuyên gia bắt ma (1995) của Tinh Gia.
Khi dùng lại cách dẫn dắt vấn đề tiếu lâm này trong Kẻ độc hành, Huỳnh Lập chưa tìm ra hướng đi mới. Dù đóng vai phiên bản trẻ hơn, nam diễn viên không có nhiều sự thay đổi trong lối diễn: vẫn "mồm mép tép nhảy", nhí nhố - phần nào mang tính cách đời thực vào vai.
Chưa hết, các cảnh cãi nhau giữa nhóm nhân vật bị kéo dài lê thê như để cho đủ thời lượng, mang đến sự ngao ngán cho người xem. Phần lớn fan của loạt phim cũ muốn thấy cách Tinh Lâm trưởng thành và vượt qua nghịch cảnh, trên phông nền pha trộn giữa hài và hành động, chứ không phải để xem Huỳnh Lập và Quốc Khánh cãi nhau xem liệu cái quạt trong nhà có bị ma ám hay không.
Vì quá tập trung vào việc tấu hài, các khoảng lặng trong phim chưa đủ gây cảm xúc. Câu chuyện về cậu bé Sang bị cha bạo hành, hay nguyên nhân cái chết của Linh Lan,... cũng bị giải thích khiên cưỡng. Một nhân vật bị biến đổi thành phản diện ở hồi kết của tác phẩm cũng mang đến cảm giác gượng gạo. Triết lý nghiệp - duyên trong phim không mới, có phần giáo điều.
Khi tuyến chính chỉ ở mức tròn vai, tuyến phụ tỏ ra đuối sức. Vai diễn của Puka được kỳ vọng là sẽ nặng tâm lý, khi nhân vật bị nhiều linh hồn nhập vào dẫn đến tính cách thay đổi liên tục. Đáng tiếc, Puka có lối diễn nhàm chán: khi thì nhí nhố quá mức, lúc lại điên khùng vô tội vạ. Chưa kể, nếu không dính vào đường dây câu chuyện của Tinh Lâm, đây là nhân vật được xây dựng hời hợt, thiếu điểm nhấn riêng.
Những nhân vật trong loạt phim trước như ông Vú, Nguyệt Minh (Khả Như), Liên Thanh (Hạnh Thảo) được đưa vào chủ yếu để bảo đảm tính kết nối với các phần trước. Khi đất diễn dành trọn cho Huỳnh Lập, họ thiếu phân cảnh cần thiết để chiếm cảm tình khán giả.
Thầy pháp bí ẩn Hữu Danh (Trịnh Tài) vốn được cài cắm thú vị, có vai trò khi là đối thủ, lúc là đồng minh của Tinh Lâm. Cái kết bất ngờ của Hữu Danh vừa gây tò mò, mở ra cơ hội làm các phần sau cho Huỳnh Lập. Song, do thời lượng xuất hiện hạn chế, cộng với gương mặt khá "non" của Trịnh Tài, người xem khó cảm nhận được sức nặng từ nhân vật.
Điểm yếu đến từ kỹ xảo
Huỳnh Lập nói Kẻ Độc Hành mất một năm lên ý tưởng và thực hiện, kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Vốn dĩ, khán giả tìm đến các tác phẩm của anh vì nội dung, nên cũng dễ châm chước cho các hạn chế về phần nhìn.
So với series Ai chết giơ tay và phim Pháp sư mù, phần tiền truyện không cải thiện nhiều về hình ảnh. Tạo hình các cô hồn dã quỷ vẫn chỉ là người thường được hóa trang rách rưới, phủ hiệu ứng khói màu giả tạo. Khi gương mặt các nhân vật biến dị do bị ma nhập, kỹ xảo hình ảnh mang tính đại khái, nhìn giống hoạt hình.
Phim khá ít góc quay có chiều sâu, chủ yếu là góc toàn - bắt khung cảnh theo chiều ngang và góc cận - quay biểu cảnh nhân vật. Tác phẩm vì thế chưa xứng tầm phim chiếu nền tảng trực tuyến, vẫn như chất lượng web drama đăng miễn phí trên mạng.
Tác phẩm đề cập đến Mộng giới - thế giới giấc mơ, song cách xây dựng còn mơ hồ. Nơi liên kết giữa địa ngục và trần gian chỉ được khắc họa bằng màn khói trắng sơ sài, đè lên khung cảnh đời thực.
Ngoài ra, nhóm làm phim của Huỳnh Lập còn vướng lỗi raccord (lỗi liên quan đến tính thống nhất bối cảnh). Ở tập ba, Hồng nôn nước do suýt chết đuối, nhưng sau đó mặt đất lại khô ráo. Ở tập năm, trong phân cảnh hồn ma Nguyệt Nga hát, khán giả dễ nhìn thấy cái bóng cầm máy quay của ê-kíp sau khung cửa sổ. Ở nhiều cảnh trời nắng, ánh sáng bị chỉnh quá tay, tạo cảm giác "cháy phim".