Kê đơn thuốc dài ngày: Khi chính sách đi vào thực tế
Hơn một tuần sau khi Thông tư 26/2025/TT-BYT chính thức có hiệu lực, nhiều bệnh viện đã triển khai kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày (tối đa 90 ngày) cho bệnh nhân mạn tính có thẻ bảo hiểm y tế. Nhiều kỳ vọng đặt ra về việc người bệnh được hưởng lợi, còn hệ thống y tế chuyển mình theo hướng chuẩn hóa quy trình điều trị lâu dài.

Thời hạn kê đơn sẽ do bác sĩ khám chính quyết định, dựa trên tình trạng cụ thể, khả năng tuân thủ điều trị và nguy cơ tương tác thuốc của từng người bệnh. Ảnh: Dương Toàn.
Chính sách không nằm trên giấy
Không khí ghi nhận tại các cơ sở điều trị lớn cho thấy, chính sách mới đang giúp thay đổi thói quen kê đơn, hành vi điều trị và cả tâm thế tiếp cận dịch vụ y tế của người bệnh.
Tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Hà Nội), những ngày đầu tháng 7 ghi nhận nhiều bệnh nhân điều trị ung thư giai đoạn ổn định, được bác sĩ kê đơn thuốc sử dụng trong thời gian 60 - 90 ngày. Chị Lê Thị T. (43 tuổi, Hưng Yên) cho biết: “Tôi được chẩn đoán ung thư vú phải giai đoạn 2 vào năm 2024. Sau phẫu thuật, tôi điều trị 6 đợt hóa chất, tiếp đó là 15 đợt xạ trị. Cuối năm, tôi được hướng dẫn theo dõi tại nhà và tái khám định kỳ 3 tháng/lần. Tuy nhiên, mỗi tháng vẫn phải lên Hà Nội để lấy thuốc, rất tốn thời gian, công sức và chi phí đi lại. Lần này tái khám, tôi được cấp thuốc đủ dùng 3 tháng theo chính sách mới. Tôi cảm thấy vui vì không còn phải vất vả đi lấy thuốc hàng tháng như trước”.
Một bệnh nhân khác trú tại Hà Giang cũng tâm sự: “Khi nhận được thông tin bệnh viện sẽ hỗ trợ bệnh nhân được lấy thuốc 3 tháng vào 1 lần, tôi rất bất ngờ và vui. Bởi đó là nguyện vọng, mong muốn của mỗi người bệnh khi đến đợt lấy thuốc, đặc biệt là những người ở các khu vực ngoại tỉnh như chúng tôi, không có đủ điều kiện, thời gian để di chuyển quá nhiều tới thành phố, bệnh viện”.
Tại Bệnh viện Bạch Mai – một trong những đơn vị đầu tiên chủ động tập huấn triển khai Thông tư 26, các khoa Nội tiết, Hô hấp, Cơ xương khớp đã cập nhật phần mềm kê đơn theo thời gian dài, đồng thời rà soát kỹ danh sách bệnh nhân đủ điều kiện. Theo TS.BS Nguyễn Quang Bảy - Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, đối với các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy giáp, bệnh tuyến thượng thận... nếu tình trạng bệnh ổn định, việc kê thuốc 60 - 90 ngày không chỉ giúp giảm chi phí mà còn duy trì tốt hiệu quả điều trị, nâng cao tuân thủ dùng thuốc. “Chính sách mới rất đúng thời điểm, vừa thuận lợi cho người bệnh, vừa góp phần giảm tải hệ thống” - BS Bảy nói.
Có thể thấy hầu hết bệnh nhân mạn tính khi được kê đơn dài ngày đều cảm thấy hài lòng. Về phía các bác sĩ, quy định mới cũng góp phần tháo gỡ một “điểm nghẽn” kéo dài trong thực hành lâm sàng. Trước đây, nhiều bác sĩ muốn kê thuốc dài ngày cho bệnh nhân mạn tính nhưng ngại vượt khung quy định, e ngại rủi ro về thanh toán. Giờ đây, việc áp dụng danh mục 252 bệnh, nhóm bệnh được phép kê đơn trên 30 ngày là bước tiến có tính hệ thống vừa đáp ứng thực tiễn, vừa đảm bảo quản lý rủi ro trong điều trị dài hạn.
Thuận lợi hơn, nhưng không đồng nghĩa dễ dãi
Dù nhận được nhiều ủng hộ từ người bệnh và cơ sở điều trị, chính sách kê đơn ngoại trú dài ngày cũng đặt ra không ít yêu cầu nghiêm ngặt với bác sĩ điều trị và hệ thống y tế. Việc mở rộng thời hạn đơn thuốc không đồng nghĩa với việc nới lỏng kiểm soát, càng không phải là giải pháp hành chính đơn thuần. Trái lại, đây là bước chuyển hướng đòi hỏi ngành y tế phải thay đổi tư duy điều trị, tổ chức lại quy trình chuyên môn và tăng cường năng lực giám sát.

Cấp phát thuốc bệnh nhân bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Giao thông vận tải. Ảnh: Đức Trân
Theo Thông tư 26/2025/TT-BYT, việc kê đơn trên 30 ngày chỉ được áp dụng cho danh mục 252 bệnh và nhóm bệnh có tính chất điều trị ổn định, kéo dài, chủ yếu là các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, viêm gan B mạn, hen phế quản, viêm khớp dạng thấp... Tuy nhiên, không phải cứ thuộc danh mục là được cấp tối đa 90 ngày. Thời hạn kê đơn sẽ do bác sĩ khám chính quyết định, dựa trên tình trạng cụ thể, khả năng tuân thủ điều trị và nguy cơ tương tác thuốc của từng người bệnh.
TS.BS Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) nhấn mạnh, không phải tất cả bệnh nhân đều được kê đơn tối đa. Việc kê đơn dài ngày phải được cá thể hóa, dựa trên đánh giá lâm sàng, chỉ số xét nghiệm và đáp ứng điều trị. Bác sĩ chịu trách nhiệm với đơn thuốc của mình, và bệnh viện chịu trách nhiệm với quy trình kiểm soát chất lượng điều trị. Tư duy cũ trong kê đơn, nơi bác sĩ chỉ cần kê cho “đủ thuốc”, còn việc dùng thế nào là việc của người bệnh cần phải thay đổi.
Không ít chuyên gia y tế cũng cảnh báo nguy cơ bệnh nhân “ôm thuốc” nhưng không dùng đúng, hoặc quá tin vào hiệu quả ổn định mà bỏ qua việc theo dõi tái khám định kỳ.
Để kiểm soát điều này, Thông tư 26 đã bổ sung các quy định bắt buộc trong kê đơn: phải ghi rõ thời gian sử dụng, số ngày dùng thuốc, hướng dẫn cụ thể trong đơn. Với thuốc bảo hiểm y tế, đơn chỉ có hiệu lực tối đa 5 ngày kể từ ngày kê, tránh việc tích trữ sai mục đích.
Một điểm đổi mới khác là yêu cầu cập nhật các trường thông tin định danh như số định danh cá nhân, mã bảo hiểm y tế hoặc số căn cước công dân trên đơn thuốc. Khi đó, mỗi đơn thuốc sẽ gắn liền với hồ sơ bệnh án số, tạo điều kiện kiểm tra chéo giữa các tuyến, hạn chế tối đa việc lạm dụng thuốc hoặc kê sai thuốc trong điều trị ngoại trú.
Ở một số địa phương, việc triển khai có thể gặp khó khăn về kỹ thuật hệ thống, năng lực nhân sự hoặc tâm lý e ngại trách nhiệm. Tuy nhiên, theo TS.BS Vương Ánh Dương, chính sách không thể trì hoãn chỉ vì chờ đợi hoàn hảo. “Chúng ta không đặt mục tiêu bao phủ 100% ngay từ đầu. Điều quan trọng là các bệnh viện phải có hướng dẫn nội bộ rõ ràng, có kiểm tra sau kê đơn và có lộ trình nâng cao chất lượng điều trị dài hạn.”